Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam đoan với người bạn của mình rằng máy thở do Mỹ sản xuất sẽ luôn có sẵn để gửi cho Tokyo.
"Chúng tôi có thể gửi máy thở cho ông bất cứ lúc nào", ông Trump nói. Mỹ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt và thành công trong việc giảm chi phí.
Nikkei Asian Review nhận định đối với ông Abe, đây là một sự giải thoát. Nhật Bản đã phải vật lộn để tăng cường sản xuất trong nước. Nước này phụ thuộc vào Trung Quốc trong phần lớn nguồn cung khẩu trang khiến họ không thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt, khiến nhà sản xuất thiết bị điện tử Sharp thậm chí đã bắt đầu sản xuất mặt hàng này.
Trong khi đó, trên tạp chí The Diplomat, tiến sĩ John Lee, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hudson ở Washington DC, cảnh báo rằng "tạm thời chúng ta sẽ không thể biết chính sách của Nhật là khôn ngoan hay phản tác dụng", dù có thể thời điểm hiện này sẽ cho Nhật Bản một số lợi thế.
Từ trái qua: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Kyodo. |
An ninh kinh tế
Đảm bảo nguồn cung thiết bị y tế để ứng phó với đại dịch đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo thế giới.
Tình trạng thiếu trước hụt sau đã đưa trở lại cuộc tranh luận lâu nay ở Tokyo về việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Với cuộc khủng hoảng Covid-19 làm cho những rủi ro về an ninh kinh tế trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, chính quyền Abe đã bắt đầu hành động.
Nội các Nhật Bản hồi tháng 4 đã dành tới 248,6 tỷ yen (2,33 tỷ USD) để trợ cấp cho các doanh nghiệp đưa nhà máy trở về nước này, chi trả tới hai phần ba chi phí di dời.
Chính sách này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình ở Mỹ.
"Đã đến lúc tẩy chay Trung Quốc và xây dựng lại các nhà máy ở Mỹ", thượng nghị sĩ Tom Cotton viết trên Twitter vào giữa tháng 4.
"Trong bối cảnh đại dịch virus corona, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã đề xuất chính sách 'rời khỏi Trung Quốc', xây dựng một nền kinh tế ít phụ thuộc vào Trung Quốc", Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói trên Twitter, cho rằng Mỹ "nên coi việc này là ưu tiên".
Mặc dù số tiền chiếm chưa đến 1% trong gói kích thích kinh tế 108 nghìn tỷ yen, nhưng rõ ràng đã khiến Trung Quốc cảnh giác. Bắc Kinh không chỉ hối thúc giới chức Nhật Bản giải thích ý nghĩa của biện pháp này, mà còn thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc về việc họ có kế hoạch rời đi hay không.
Chính phủ Nhật Bản chắc chắn đã làm mọi cách để tình trạng thiếu khẩu trang không lặp lại.
Song 2,33 tỷ USD không đủ để thúc đẩy một sự thay đổi có ý nghĩa. Hàng loạt câu hỏi của Bắc Kinh đối với Tokyo cũng lắng xuống.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã được thổi vào luồng gió mới khi Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, nhấn mạnh sự cần thiết phải tự chủ hơn.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Nikkei. |
"Nhìn vào khẩu trang chẳng hạn, 70 đến 80% được sản xuất tại Trung Quốc", ông cho biết. "Chúng ta phải tránh phụ thuộc quá mức vào một số quốc gia nhất định về sản phẩm hoặc nguyên liệu và đưa về nước các cơ sở sản xuất hàng hóa cần thiết cho cuộc sống hàng ngày".
Ông Suga là cánh tay phải của Thủ tướng Abe và là nhân vật chủ chốt trong chính phủ kể từ khi ông Abe trở lại làm thủ tướng năm 2012. Phát biểu của ông Suga phản ánh điều gì đó rộng lớn hơn nhiều so với một chính sách tạm thời để ứng phó cuộc khủng hoảng hiện tại.
Trật tự thế giới mới hậu đại dịch
Hồi tháng 4, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản đã thành lập một nhóm chuyên gia kinh tế chuyên trách. Một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã được bổ nhiệm vào vị trí mới trong ban lãnh đạo hội đồng, cho phép bộ này hiện diện trong một cơ quan trước đây chỉ do hai bộ ngoại giao và quốc phòng làm chủ.
Nhóm mới sẽ lãnh đạo việc soạn thảo một chiến lược cơ bản về an ninh kinh tế dự kiến giới thiệu trong năm nay. Nhóm dự tính quy định dược phẩm và thiết bị y tế là hàng hóa chiến lược - rút ra bài học từ sự thiếu hụt khẩu trang - và đề ra các biện pháp để thúc đẩy sản xuất trong nước và sử dụng các nhà cung cấp Nhật Bản.
Song đây không phải là trọng tâm duy nhất của nhóm.
Chính quyền Tổng thống Trump hồi cuối tháng 4 đã siết chặt việc hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng trong quân sự, bao gồm các thiết bị sản xuất chip và cảm biến. Vì một phần vai trò của đội ngũ kinh tế Nhật Bản là phối hợp với các cơ quan của Mỹ, bao gồm Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, biện pháp này có thể định hình chính sách ở Nhật Bản.
"Kiểm soát chặt chẽ hơn việc xuất khẩu chip có thể trở thành chủ đề trong tương lai", một người trong chính phủ Nhật Bản cho biết.
Container trên một tàu hàng ở Thanh Đảo. Ảnh: Getty. |
Nhật Bản là nước đi đầu toàn cầu về thiết bị sản xuất chip và chất cản quang - những thứ phải có để sản xuất chip. Chính phủ dường như coi việc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm này là một con đường để buộc Trung Quốc và các nước khác tiếp tục hợp tác với Tokyo.
Hiện tại, đối phó với khủng hoảng y tế là ưu tiên hàng đầu của cả Nhật Bản và Mỹ, nhưng một khi dịch bệnh được kiểm soát, sự chú ý sẽ chuyển sang câu chuyện hậu đại dịch.
Những hạn chế xuất khẩu của Washington là một phần trong đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc mà Mỹ đã theo đuổi kể từ khi Phó tổng thống Mike Pence lên án Bắc Kinh trong một bài phát biểu vào tháng 10 năm ngoái. Việc xem xét lại chuỗi cung ứng do dịch bệnh nhất quán với mục tiêu lâu dài của Mỹ là hạn chế chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.
Và với việc hai cường quốc tranh cãi gay gắt về nguồn gốc của virus, thật khó để dự đoán trật tự thế giới sẽ xoay chuyển như thế nào sau đại dịch. Các cuộc thảo luận mới tại Nhật Bản về việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc có thể trở thành điểm nóng giữa Tokyo và Bắc Kinh.