Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, đại dịch Covid-19 đã cho nước này bài học lớn về sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như nguồn cung chính với nhiều loại sản phẩm, hàng hoá từ khẩu trang đến các linh kiện xe hơi.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Đó là lý do nước này dành gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp hơn 240 tỷ yen (khoảng 2,2 tỷ USD) tháng này để hỗ trợ các công ty Nhật Bản chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đa dạng hóa các cơ sở sản xuất đến khu vực Đông Nam Á, theo Nikkei Asian Review.
Động thái này đã khiến Bắc Kinh, vốn đang trông đợi thay đổi trong mối quan hệ với Nhật Bản nhân dịp chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến trong tháng này nhưng đã bị hoãn lại, không hài lòng.
Nhưng để đối phó với thời kỳ bất thường buộc phải có những biện pháp khác thường, ông Suga nói đó là "bài học quan trọng trong việc xử lý khủng hoảng".
Nói về ứng phó với khủng hoảng, “cánh tay phải” của Thủ tướng Shinzo Abe cho biết thói quan liêu và hoạt động rời rạc của các bộ ngành Nhật Bản đang cản trở sự phối hợp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh ở nước này.
Ông Suga đã từng là phát ngôn viên cao cấp của chính phủ Nhật Bản từ tháng 12/2012, khi ông Abe trở lại nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử năm đó. Màn công bố niên hiệu triều đại Reiwa mới của ông đã lan truyền rộng rãi trên Internet.
Ông được coi là một trong những ứng cử viên hàng đầu kế nhiệm ông Abe khi nhiệm kỳ của ông với tư cách là Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do kết thúc vào tháng 9/2021.
Dưới đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn với ông Suga với Nikkei Asian Review.
- Chính phủ có đã lường trước được cuộc khủng hoảng do sự bùng phát Covid-19 này không?
- Tôi không nghĩ là có nước nào lường trước được chuyện này. Một số người tin rằng đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II. Mọi hoạt động đều phải dừng lại hoàn toàn. Nỗi sợ hãi bao trùm. Đây là lần đầu tiên chúng tôi phải đối phó với một căn bệnh chưa có cách chữa.
Trước hết, chúng tôi quyết tâm ngăn chặn sự bùng nổ về số lượng các trường hợp mới như Mỹ và châu Âu, đồng thời bảo vệ cuộc sống và sức khỏe người dân Nhật Bản. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để kiểm soát dịch bệnh càng nhanh càng tốt. Sau đó, chúng tôi nỗ lực phục hồi kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là vượt qua khủng hoảng mà không để doanh nghiệp nào phá sản.
- Hiện tại, việc di chuyển giữa các quốc gia đã giảm đáng kể, ông có lo lắng tư duy hẹp hòi sẽ chi phối không?
- Hoạt động của con người tạm thời dừng hoàn toàn. Nhưng để phục hồi nền kinh tế trong tương lai, việc khai thác động cơ tăng trưởng ở nước ngoài là điều cần thiết.
Trong trường hợp khẩu trang y tế, ví dụ, 70% đến 80% nguồn cùng của chúng ta là từ Trung Quốc. Ngay cả khi các nhà máy ở Nhật Bản hoạt động hết công suất, chúng ta vẫn thiếu khẩu trang.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đóng băng, nhà sản xuất ôtô Nhật Bản không thể mua linh kiện và phải tạm dừng hoạt động. Chúng ta cần chấm dứt sự phụ thuộc nặng nề vào một quốc gia nhất định đối với một sản phẩm hoặc vật liệu cụ thể.
Đối với những nhu yếu phẩm, chúng ta cần chuyển về sản xuất tại Nhật Bản hoặc đa dạng hóa nhà xưởng ở các quốc gia khác nhau. Đây là một bài học quan trọng về việc đối phó với khủng hoảng.
Một điểm xét nghiệm virus corona bằng công nghệ PCR ở Yokosuka, phía nam Tokyo, hôm 21/4. Ảnh: Reuters. |
- Cuộc khủng hoảng có làm lộ ra những thiếu sót trong điều hành của chính phủ không?
- Điều tối quan trọng đối với chính phủ là ứng phó khẩn cấp. Phần lớn các quan chức ở Tokyo đều có năng lực nhưng điểm yếu của họ là tính chuyên môn hoá. Chúng ta không thể đối phó với cuộc khủng hoảng này nếu không có sự phối hợp đồng bộ.
Chỉ mỗi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi không thể ngăn chặn dịch bệnh một mình. Chúng ta cần có sự tham gia và phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau, từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp tới Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch cho đến Lực lượng Phòng vệ và Cảnh sát biển Nhật Bản. Tất cả đều phải cùng nhau hành động.
Xử lý ổ dịch du thuyền Diamond Princess khá phức tạp và đòi hỏi sự cẩn thận cao độ. Du thuyền được đăng ký tại Mỹ, điều hành bởi công ty Mỹ, thuyền trưởng người Italy, và các thành viên phi hành đoàn cùng hành khách đến từ 56 quốc gia và khu vực.
Khi khủng hoảng đã qua, chúng ta cần đánh giá lại cách thức đối phó từ nhiều khía cạnh khác nhau.
- Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ nhiều bệnh truyền nhiễm lây lan đến Nhật Bản từ nước ngoài, không chỉ từ Trung Quốc.
- Chính phủ Nhật Bản cần những bài học kinh nghiệm và kiến thức từ các quốc gia khác và phản ứng nhanh chóng. Trung Quốc đã sống sót qua một đợt tấn công mạnh mẽ. Để kiểm soát dịch bệnh, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bao gồm cả hợp tác với Trung Quốc.
Chuyến thăm theo kế hoạch của Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là cơ hội quan trọng để chứng minh cho thế giới thấy Nhật Bản và Trung Quốc đang thực hiện những trách nhiệm của mình với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Duy trì một mối quan hệ cho phép các bên trao đổi ý kiến thẳng thắn là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh ở châu Á và xa thế nữa.
- Nhật Bản sau đại dịch Covid-19 sẽ như thế nào?
- Nhật Bản có khả năng thành công trên trường quốc tế theo nhiều cách. Các tập đoàn lớn hay doanh nghiệp nhỏ đều có những nhân viên chăm chỉ, nhưng nguồn nhân lực này chưa được tận dụng tốt.
Các tổ chức và công ty mới chỉ tập trung vào chính mình mà chưa tranh thủ tìm kiếm cơ hội bên ngoài. Chúng ta cần một hành lang pháp lý có thể tạo điều kiện tận dụng tối đa nguồn lực này.
Nguyên tắc là phải tạo điều kiện để các cá nhân làm những gì họ có khả năng nhất. Sau đó mọi người có thể giúp đỡ nhau trong phạm vi địa phương.
Nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết, chính phủ trung ương sẽ can thiệp. Chúng ta chiếm được niềm tin của người dân rằng chính phủ có thể hoàn thành nhiệm vụ này.