Những casino như Oriental Pearl và New Macau xuất hiện đầy dọc các con phố của Sihanoukville, cảng biển và thị trấn du lịch ở phía nam Campuchia.
Thành phố với dân số chưa đầy 100.000 người sẽ sớm có tới 30 sòng bài - 10 sòng bài trong đó vừa mới khởi công xây dựng trong năm 2017.
Vì người Campuchia bị cấm đánh bài, những khu phức hợp này chỉ để phục vụ du khách Trung Quốc và do đó thường thuê lao động người Trung Quốc. Điều này kéo theo sự tức giận của cư dân địa phương trong bối cảnh việc làm trong nước vốn khan hiếm.
Ước tính số người Trung Quốc đến Sihanoukville trong năm 2017 là 120.000 người, tăng gấp đôi so với năm trước đó.
Sự bùng nổ các sòng bài ở Sihanoukville là hệ quả hiển hiện nhất từ chính sách thân Trung Quốc của chính quyền Thủ tướng Hun Sen.
Một sòng bài của người Trung Quốc ở Sihanoukville. Ảnh: Reuters. |
Chuyện Campuchia, vấn đề Đông Nam Á
Lượng khách Trung Quốc đổ đến Campuchia đã đẩy giá bất động sản tại đây tăng lên, nhà cao tầng mọc lên nhưng cũng mang lại nhiều vấn đề.
"Người Trung Quốc không đi ra ngoài vào ban ngày, đến đêm họ mới ra ngoài", Financial Times dẫn lời Sok Song, một chủ khách sạn người Campuchia và là phó chủ tịch Phòng Thương mại tỉnh Sihanouk.
"Vào ban đêm, đôi khi họ uống vào và đánh nhau, cãi lộn", ông nói nhưng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của người Trung Quốc "tích cực nhiều hơn là tiêu cực".
Ma Lin, quản lý một quán cà phê trước biển, nói rằng cô khó mà kiếm được việc với những chủ quán người Trung Quốc vì cô không biết tiếng Hoa. Quán cà phê Ma Lin đang làm việc sẽ được nhà đầu tư người Trung Quốc thuê lại vào cuối tháng này.
Không riêng gì Campuchia, "bóng dáng" Trung Quốc đã trở thành một phần trong sự phát triển của nhiều nước Đông Nam Á. Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan trong khi Bắc Kinh đang đầu tư tài chính cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở Myanmar và Philippines.
Chính vì thế, Campuchia hay Philippines cùng nhiều nước láng giềng Đông Nam Á đều đứng trước cùng một nan đề: làm sao để cân bằng các hệ quả tốt và xấu của những khoản đầu tư từ Trung Quốc. Các dự án đầu tư của Trung Quốc thường được hoan nghênh vì quy mô lớn và ít điều kiện đi kèm. Ngược lại, chúng cũng bị chỉ trích vì việc xây dựng và công ăn việc làm thường chảy về tay lao động Trung Quốc.
Người dân bất bình
Financial Times nhận định điều bất thường ở Sihanoukville là sự căng thẳng ở thành phố nhỏ này đã biến thành phản ứng đồng loạt từ người dân, điều tương đối hiếm hoi ở nước này.
Du khách Trung Quốc tại Campuchia. Ảnh: AFP. |
Không những vậy, những lời than vãn của công chúng đã khiến giới chức Philippines và đại sứ Trung Quốc phải lên tiếng.
Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, ông Xiong Bo, hồi tháng này đã thừa nhận rằng "một lượng nhỏ những người thiếu giáo dục" từ nước ông đã phạm luật tại Campuchia.
Cuộc họp báo hiếm hoi của đại sứ Trung Quốc diễn ra sau khi tỉnh trưởng Sihanoukville (nơi có thành phố thủ phủ cùng tên) đã liệt kê một danh sách những tác động "tích cực" và "tiêu cực" của tiền bạc lẫn người Trung Quốc đến vùng này.
"Giá thuê phòng đã tăng lên và điều đó ảnh hưởng mức sống của các viên chức chính phủ, công nhân và những người khác", ông viết trong lá thư gửi đến bộ trưởng nội vụ nhưng bị rò rỉ ra cho báo giới.
Tỉnh trưởng Sihanoukville cũng cáo buộc "các nhóm mafia" đã đứng sau nhiều vụ bắt cóc và tình trạng "thiếu an ninh trong tỉnh". Ngoài ra, căng thẳng giữa du khách Trung Quốc và người địa phương sẽ làm tổn hại quan hệ 2 nước khi Sihanoukville đang bị biến thành "Thượng Hải thứ 2".
Vị trí tỉnh Sihanoukville ở ngay gần sát biên giới với Việt Nam. Đồ họa: Financial Times. |
"Chúng tôi muốn họ đầu tư nhưng chúng tôi muốn người địa phương có cơ hội làm việc, được kiếm tiền từ sự tăng trưởng này", theo Giám đốc Sở du lịch tỉnh Sihanoukville Tang Sochetkresna.
Ông nói rằng thành phố muốn các khoản đầu tư vào những hạng mục khác ngoài sòng bài và khách sạn, vào những địa điểm có thể thu hút khách du lịch từ nhiều quốc gia khác.
Ông Sok Song, vị phó chủ tịch của Phòng Thương mại, nói rằng các công ty Trung Quốc đang xây dựng xưởng sản xuất hàng may mặc và nhiều sản phẩm khác tại đặc khu kinh tế của Sihanoukville. Ông cũng cho biết bộ trưởng nội vụ Campuchia đã giao cho thành phố này nghiên cứu để giải quyết vấn nạn du khách "không tuân thủ luật".
Chính phủ hoan nghênh
Theo Financial Times, Trung Quốc đã ủng hộ ông Hun Sen cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Bắc Kinh cung cấp cho chính phủ Campuchia các khoản vay mở rộng để xây đập và đường trong bối cảnh ông Hun Sen bị nhiều nước phương Tây lên án.
Chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cạnh Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni trên đường phố Phnom Penh. Ảnh chụp trước chuyến thăm của ông Tập đến Campuchia vào tháng 10/2016. Ảnh: AFP. |
Người Trung Quốc không phải nhóm du khách duy nhất mang tiền bạc và lẫn cách hành xử thiếu tôn trọng đến các quốc gia Đông Nam Á, từ Campuchia đến Lào hay Malaysia và Thái Lan. Điểm khác biệt là sự hiện diện của Trung Quốc tại Campuchia có nhiều yếu tố địa chính trị hơn khi nước này ngày càng có ảnh hưởng về kinh tế đối với Campuchia và vẫn ủng hộ Thủ tướng Hun Sen dù ông công khai làm xói mòn các quyền dân chủ.
"Có một tiếng nói chung trong tầng lớp tinh hoa nhằm chỉ ra những hệ quả tích cực của mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng bạn cũng thấy được những đứt gãy trong việc áp đặt tiếng nói này", một nhà ngoại giao phương Tây tại Phnom Penh nói. "Sihanoukville kể câu chuyện của cả đất nước. Nó là một ví dụ mạnh mẽ".