Theo Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước cho biết số lượng ca nhiễm mới tăng khắp thế giới, chỉ trừ khu vực châu Âu. Số ca lây nhiễm tăng vọt tại Ấn Độ, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil. Riêng tại Ấn Độ, số ca nhiễm vượt ngưỡng 200.000 người/ngày hồi tuần trước.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục hứng chịu những cú sốc mới nếu nhu cầu tiêu dùng hàng hóa lao dốc và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Hồi đầu tuần, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo các nền kinh tế mới nổi cần chuẩn bị đối phó với nguy cơ hụt hơi.
“Số ca nhiễm mới tăng mạnh cho thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc. Nhiều nền kinh tế thu nhập thấp tiếp tục đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến dịch Covid-19. Sẽ cần một chặng đường dài phía trước để trở lại trạng thái bình thường", nhà kinh tế Tuuli McCully của Scotiabank nhận định.
Theo thống kê của Bloomberg, hơn 944 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm cho người dân tại 170 quốc gia. Tuy nhiên, sự phân bổ vaccine có khoảng cách rất lớn. Tốc độ tiêm chủng tại các quốc gia có thu nhập cao nhất nhanh hơn gấp 25 lần so với các quốc gia có thu nhập thấp nhất.
Nền kinh tế toàn cầu khó có thể phục hồi theo hình chữ V nếu các nước không kiểm soát được đại dịch. Ảnh: Bloomberg. |
"Có một cuộc đua giữa chiến dịch triển khai vaccine và tốc độ biến chủng của virus. Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, những thị trường mới nổi thiệt hại nặng nề nhất", nhà phân tích thị trường toàn cầu Rob Subbaraman của Nomura Holdings cho biết.
Các thị trường đang có dấu hiệu xáo trộn. Nhiều chỉ số chứng khoán châu Á hoạt động kém hơn so với các chỉ số toàn cầu. Đồng rupee Ấn Độ là đồng tiền yếu nhất trong khu vực tuần qua. Các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn như yen Nhật và tiền của những quốc gia kiểm soát dịch tốt như đồng shekel của Israel, đôla Đài Loan và bảng Anh.
Ông Stephen Innes - giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại Axicorp Financial Services - cho biết: "Các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu rất dễ bị tổn thương. Những đợt lây nhiễm mới đang cản đường thương mại toàn cầu".
IMF dự báo nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 6% trong năm nay. Tuy nhiên, nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, đây sẽ là mục tiêu rất khó thực hiện.