Khi Nhà Trắng đàm phán với Ukraine để cung cấp cho nước này hệ thống tên lửa dẫn đường chính xác và mạnh nhất của Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh rằng người đồng cấp Volodymyr Zelensky đồng ý về một giới hạn. Đó là không được bắn vào lãnh thổ Nga, bất kể đối mặt với sự khiêu khích nào.
“Ukraine đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng hệ thống này để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga”, Ngoại trưởng Antony J. Blinken nói với các phóng viên hôm 1/6.
Theo New York Times, "lằn ranh đỏ" này minh họa cho chiến lược cân bằng mà ông Biden thường xuyên phải duy trì để đảm bảo những quyết định không đi quá xa, vừa có thể giúp Ukraine mà không làm leo thang xung đột dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ III.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), vũ khí nằm trong gói quân sự trị giá 700 triệu USD Mỹ viện trợ tới Ukraine. Ảnh: AFP. |
Sẽ mất vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng, để đánh giá được ông Biden có đạt được sự cân bằng đó hay không.
Nhưng nếu hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) hiệu quả trong việc phản công lực lượng Nga hoặc bị Moscow coi là mối đe dọa đối với vùng lãnh thổ nước này đang xem xét sáp nhập, tất cả điều đó có thể thay đổi .
Lằn ranh đỏ
Trong suốt cuộc xung đột, các cơ quan tình báo Mỹ đã đưa ra phân tích cho Nhà Trắng về cách Điện Kremlin có thể phản ứng với việc chuyển giao vũ khí. Trong toàn bộ chính phủ, các quan chức cũng cân nhắc thiệt hơn khi gửi cho Ukraine tên lửa dẫn đường chính xác mới nhất của quân đội Mỹ, có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 63 km.
Trước đó, một vũ khí là tên lửa dẫn đường của hệ thống tên lửa tác chiến chiến thuật, có thể bay hơn 350 km, đã bị loại bỏ khỏi danh sách viện trợ vì sợ rằng nó có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.
“Chúng tôi đang ở vị trí ủng hộ Ukraine nhưng chúng tôi cũng không muốn kết thúc mọi thứ trong Thế chiến III. Chúng tôi không muốn có tình huống mà các nước phải sử dụng vũ khí hạt nhân”, Avril D. Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, cho biết vào tháng 5.
Trước cuộc xung đột, bà Haines đã đứng đầu một kế hoạch nhằm tìm ra “lằn ranh đỏ” của Điện Kremlin.
Trong khi chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ là bước leo thang cuối cùng, bà Haines lưu ý rằng có nhiều bước mà Moscow có thể hành động trước tiên.
Giới chức tình báo cho biết điều này có thể bao gồm các cuộc tập trận hạt nhân khác nhau để báo hiệu quyết tâm của Điện Kremlin, hoặc thậm chí là các hoạt động bí mật, hoạt động mạng chống lại NATO.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington hôm 1/6. Ảnh: New York Times. |
Đối với ông Biden, tránh hành động khiêu khích trực tiếp với Nga là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ ngay từ khi cuộc xung đột nổ ra.
Khi chính phủ Ba Lan hồi tháng 3 đề xuất gửi máy bay chiến đấu MiG tới Ukraine, thông qua Mỹ làm trung gian, phát ngôn viên Lầu Năm Góc khi đó là John F. Kirby đã cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra.
“Cộng đồng tình báo đánh giá việc chuyển giao các máy bay MiG-29 cho Ukraine có thể bị nhầm lẫn là hành động leo thang” nếu chúng đến trực tiếp từ các căn cứ của NATO, ông Kirby nói.
Trong trường hợp gửi các hệ thống tên lửa, "tôi nghĩ đó là một cách tốt để ‘luồn kim’ (tìm kiếm sự cân bằng giữa xung đột)", Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết hôm 1/6.
Ông Dmitri Alperovitch, người sáng lập tổ chức Silverado Policy Accelerator, cũng cho biết ông tin rằng nguy cơ Nga mở rộng cuộc xung đột đã giảm bớt vì Moscow cũng không muốn leo thang hơn.
Tại Lầu Năm Góc, các quan chức cấp cao cho rằng quyết định gửi hệ thống tên lửa tiên tiến là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất trong tình thế hiện nay.
“Các hệ thống mà chúng tôi đang cung cấp giúp Ukraine bố trí bất kỳ cuộc tấn công mục tiêu nào mà họ cần cho cuộc xung đột bên trong lãnh thổ”, Colin H. Kahl, Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng của Mỹ, nói.
Những hạn chế
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người chỉ trích quyết định của ông Biden.
"Chung quy lại những gì chúng ta có thể sẽ cung cấp cho Ukraine vẫn là những lựa chọn hạn chế nhất về tầm bắn", tướng Philip M. Breedlove, cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy Đồng minh Tối cao ở châu Âu, cho biết hôm 1/6.
Tổng thống Biden xác nhận Mỹ sẽ gửi hệ thống tên lửa tiên tiến hơn tới Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Zelensky không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những hạn chế mà ông Biden đã nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine cần vũ khí của Mỹ - và các thiết bị tương tự do Anh cung cấp - nếu muốn hy vọng đẩy lùi Nga - lực lượng đang đạt được những bước tiến nhỏ, hàng ngày ở Donbas.
Bà Julianne Smith, Đại sứ Mỹ tại NATO, cho biết Mỹ và liên minh đã rõ ràng rằng NATO sẽ không trở thành một bên trong cuộc xung đột. Mỹ sẽ không gửi lực lượng đến Ukraine và chính quyền sẽ không hỗ trợ Ukraine trang thiết bị vũ khí để tấn công Nga.
“Trong khi các bộ phận của thiết bị đã được cải tiến và thay đổi trong vài tháng qua, tôi nghĩ rằng các tham số vẫn tương đối rõ ràng và tôi cho rằng chúng sẽ được giữ nguyên”, bà nói.