Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Lần đầu VinFast vận hành với 100% lãnh đạo cấp cao người Việt

Sau nhiều lần "thay tướng" ngoại, ban lãnh đạo cấp cao của VinFast đã được kiện toàn trong đợt thay đổi nhân sự mới nhất với 100% là người Việt.

Ngày 6/1, nhà sản xuất xe điện VinFast bất ngờ công bố một số thay đổi trong bộ máy lãnh đạo. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng và bà Lê Thị Thu Thủy hoán đổi vị trí cho nhau, lần lượt đảm nhận vai trò Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT công ty.

Bên cạnh đó, VinFast cũng bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Lan Anh làm Giám đốc tài chính mới thay thế cho ông David Mansfield, người tham gia công ty từ tháng 1/2021.

Trên thực tế, xuyên suốt quá trình hoạt động, ban lãnh đạo của VinFast thường xuất hiện yếu tố nước ngoài. Với sự ra đi của ông Mansfield, đây là giai đoạn đầu tiên hãng sản xuất xe điện Việt được vận hành bởi ban lãnh đạo cấp cao 100% là người Việt.

Nhiều lần thay tướng ngoại

VinFast là công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup được thành lập vào năm 2017. Gần một tháng sau khi khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô tại Hải Phòng, Vingroup quyết định bổ nhiệm ông James B. DeLuca - cựu Phó chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu của General Motors - làm Tổng giám đốc Nhà máy sản xuất ôtô VinFast.

Ông DeLuca được giao trách nhiệm xây dựng, vận hành, phát triển riêng cho mảng sản xuất ôtô (không bao gồm sản xuất xe máy điện) của tổ hợp nhà máy. Vị này thường xuyên xuất hiện trước truyền thông và công chúng, trong đó từng đồng hành cùng bà Thủy có mặt tại sự kiện Paris Motor Show vào tháng 10/2018 để giới thiệu thương hiệu xe VinFast.

Theo cập nhật trên trang thông tin cá nhân, ông DeLuca đã rời VinFast vào tháng 7/2019 và chuyển sang làm Phó tổng giám đốc Vingroup ngay sau đó. Tuy nhiên, quãng thời gian giữ vị trí mới cũng tương đối ngắn, chỉ kéo dài 1 năm 9 tháng.

Tháng 7/2021, Vingroup tiếp tục bổ nhiệm một CEO ngoại khác cho VinFast là Michael Lohscheller - cựu Phó chủ tịch Volkswagen Mỹ và Tổng giám đốc Opel toàn cầu.

Thời điểm đó, ông Lohscheller được giao quản lý và điều hành trực tiếp các thị trường của VinFast gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan. Ông cũng được chỉ định tham gia thúc đẩy chiến lược vươn tầm quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu.

Thế nhưng chỉ sau 5 tháng, vị lãnh đạo quyết định rời công ty và trở về châu Âu với lý do cá nhân. Chiếc ghế trống sau đó được nhường lại cho bà Lê Thị Thu Thủy.

Đợt biến động nhân sự xuất hiện trong bối cảnh VinFast tuyên bố chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất xe điện. Đây cũng là giai đoạn hãng ôtô Việt tiến gần đến tham vọng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ.

lanh dao vinfast anh 1

Ông Vượng đã tặng hơn 31.000 tỷ đồng cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân. Ảnh: Vingroup.

Phải đến tháng 3/2022, tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại VinFast trên cương vị Chủ tịch HĐQT.

Sự hiện diện trực tiếp phần nào thể hiện tâm huyết của tỷ phú giàu nhất Việt Nam với hãng xe. Hồi đầu năm 2023, ông Vượng thậm chí tuyên bố tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân. Vài tháng sau, ông tiếp tục tặng 99,8% cổ phần tại công ty pin VinES với giá trị ước tính khoảng 6.500 tỷ đồng cho VinFast.

Như vậy, tổng số tiền cá nhân ông Vượng công bố tài trợ không hoàn lại đã vượt 31.000 tỷ đồng. Riêng Vingroup cũng cam kết tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD và cho VinFast vay 1 tỷ USD trong thời hạn tối đa 5 năm.

Với việc trở thành Tổng giám đốc toàn cầu VinFast trong đợt tổ chức lại nhân sự mới đây, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường. Trong khi đó, bà Thủy sẽ tiếp tục tương tác với các đối tác bên ngoài và các hoạt động huy động vốn của VinFast bất chấp việc chức danh bị thay đổi.

Tham vọng tiếp theo

HĐQT VinFast đánh giá đây là thời điểm thích hợp để sắp xếp lại vai trò của các thành viên lãnh đạo nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển kế tiếp. Trước đó, công ty đã thâm nhập thành công vào thị trường Bắc Mỹ và đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ.

Thực tế chỉ vài giờ sau khi kiện toàn ban lãnh đạo, VinFast và chính quyền bang Tamil Nadu (Ấn Độ) đã công bố hợp tác trong bản ghi nhớ đầu tư nhằm phát triển giao thông xanh tại Ấn Độ.

VinFast và bang Tamil Nadu đang hướng tới mục tiêu đầu tư lên đến 2 tỷ USD. Trong đó, mức đầu tư 500 triệu USD cho giai đoạn 1 sẽ được triển khai trong thời gian 5 năm. Sự kiện ghi dấu bước ngoặt quan trọng của VinFast trong chiến lược thâm nhập vào thị trường ôtô lớn thứ 3 thế giới.

Đại diện VinFast cho biết kế hoạch mở rộng sang Ấn Độ được thực hiện nhằm nắm bắt cơ hội phát triển tại thị trường đông dân nhất và có ngành xe điện tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đây là một phần trong kế hoạch thiết lập sự hiện diện của VinFast tại các thị trường trọng điểm, cũng như hoàn thiện chuỗi cung ứng xe điện cho chiến lược phát triển toàn cầu.

lanh dao vinfast anh 2

VinFast dự định khởi công nhà máy mới tại Ấn Độ trong năm nay. Ảnh: Bloomberg.

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất xe điện và pin của VinFast tại Tamil Nadu dự kiến khởi công trong năm nay, qua đó tạo ra 3.000-3.500 cơ hội việc làm tại địa phương. Đặt tại thành phố cảng Thoothukudi, dự án hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện lớn trong khu vực với quy mô sản xuất lên đến 150.000 xe điện/năm.

Sau khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq (Mỹ), VinFast liên tục mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành. Bản thân hãng xe cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, điển hình như sự kiện Tập đoàn Tài chính phát triển Quốc tế Mỹ ký ý định thư tài trợ 500 triệu USD cho VinFast Auto phát triển giao thông điện hóa.

Hay trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tổ chức vào giữa tháng 12 năm ngoái, ông Phạm Nhật Quân Anh, con trai Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng đại diện VinFast ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác tái sử dụng pin xe điện với Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo thỏa thuận, VinFast và Marubeni sẽ hợp tác nghiên cứu, sản xuất các hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) từ pin xe điện đã qua sử dụng. Trong đó, VinFast sẽ là đơn vị cung ứng pin xe điện; Marubeni đảm nhiệm việc đánh giá khả thi, tư vấn kỹ thuật và triển khai lắp đặt BESS.

Dự kiến, Marubeni sẽ ứng dụng công nghệ độc quyền từ đối tác chiến lược để tái sử dụng pin xe điện VinFast, phát triển thành BESS với giá cả phải chăng, sản xuất dễ dàng mà không cần tháo dỡ, xử lý và đóng gói lại pin.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ trực tiếp điều hành VinFast

Ông Phạm Nhật Vượng, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Vingroup, sẽ chuyển từ vai trò Chủ tịch HĐQT VinFast sang đảm nhận vị trí Tổng giám đốc thay bà Lê Thị Thu Thủy.

Báo Mỹ ước tính tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vượt 9 tỷ USD

Theo cách tính của Bloomberg, tài sản của Chủ tịch Vingroup đạt 9,14 tỷ USD, chênh lệch 4,44 tỷ USD so với bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes.

Con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành cổ đông Vingroup

Ông Phạm Nhật Quân Anh chi 1,5 tỷ đồng mua 150.000 cổ phiếu VIC của Vingroup theo dạng ESOP và chính thức trở thành cổ đông của tập đoàn.

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm