Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lần đầu tiên sử dụng drone theo dõi tê tê tái thả ở Việt Nam

Đây là kết quả hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã với công ty Wildlife Drones từ Australia và được Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tài trợ.

Tê tê là một trong những loài động vật có vú bị buôn bán trái pháp luật nhiều nhất trên thế giới, vì vậy số lượng của chúng đang suy giảm nhanh chóng ở Đông Nam Á và châu Phi.

Tại Việt Nam trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) đã cứu hộ, tái thả hàng trăm cá thể tê tê bị săn bắt và buôn bán trái pháp luật, góp phần bảo tồn loài động vật này.

Trước khi tái thả, tê tê được gắn các thiết bị phát sóng radio cho phép theo dõi hoạt động của chúng. “Chúng tôi mong muốn có thể thu thập dữ liệu nhiều nhất có thể để nghiên cứu một cách đầy đủ về hoạt động của tê tê sau khi tái thả”, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc trung tâm, cho biết.

“Từ trước đến nay chúng tôi vẫn gặp phải một vấn đề, đó là chúng tôi phải theo dõi mỗi con tê tê một lần chỉ bằng đường bộ trong một khu vừng rừng rộng lớn và đường đi rất vất vả. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nên chúng tôi chỉ theo dõi được một số lượng cá thể rất hạn chế”, ông Thái chia sẻ.

Nhưng khó khăn này đã được giải quyết với việc sử dụng hệ thống theo dõi bằng sóng vô tuyến qua thiết bị bay không người lái do công ty Wildlife Drones của Australia sản xuất. Với khả năng tìm kiếm nhanh chóng trong một khu vực rộng và xác định đồng thời nhiều cá thể tê tê cùng lúc từ trên không, công nghệ này giúp tiết kiệm thời gian và giảm công sức cho việc theo dõi tê tê.

bao ton te te o Viet Nam anh 1

Bà Saunders (giữa) cùng nhân viên của Save Vietnam's Wildlife theo dõi hình ảnh tê tê qua thiết bị bay không người lái. Ảnh: Wildlife Drones.

Tiến sĩ Debbie Saunders, Giám đốc điều hành Wildlife Drones, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng vì công nghệ của chúng tôi đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc theo dõi các loài động vật nhỏ, ngay cả khi chúng sống ở các rừng có mật độ che phủ dày và thường sống trong các hang đào dưới đất”.

“Đây là lần đầu tiên công nghệ của chúng tôi được sử dụng tại vùng rừng nhiệt đới Đông Nam Á và nó đã thể hiện sự hữu dụng khi giải quyết được các thách thức tồn tại lâu nay trong hoạt động theo dõi động vật ở khu vực này”, bà Saunders, người cũng là nhà nghiên cứu động vật hoang dã tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), chia sẻ.

“Với pháp phương pháp mới này, chúng tôi giờ đây có thể theo dõi, nghiên cứu đến 100 cá thể tê tê cùng một lúc. Điều quan trọng hơn nữa là các thông tin thu thập được sẽ giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác tái thả trong tương lai”, ông Thái nói thêm.

Ông Christopher Abrams, Trưởng phòng môi trường và phát triển xã hội của USAID Việt Nam, cũng cho biết USAID đang hợp tác với Việt Nam để giải quyết tình trạng buôn bán các loài động vật hoang dã trái phép bằng cách hoàn thiện hệ thống pháp luật.

"Các dữ liệu theo dõi thu thập được từ công nghệ này sẽ là một dấu mốc quan trọng và là nguồn thông tin đáng tin cậy cho các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật về khả năng thích nghi của tê tê sau khi tái thả về tự nhiên”, ông Abrams nói.

Đại sứ Mỹ: Tội phạm buôn bán động vật hoang dã sẽ phải lo sợ ở VN

Chiều 2/10, tại Trung tâm Mỹ ở Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm về chủ đề phòng chống buôn bán động vật hoang dã với sự tham dự của đại sứ Mỹ, đại sứ Nam Phi và phó đại sứ VQ Anh.

Tê tê trước nguy cơ tuyệt chủng vì ngành buôn bán triệu USD

Tê tê, loài động vật sống trong các khu rừng nhiệt đới châu Á và châu Phi, được coi là loài vật có vú bị buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất thế giới.

Quốc Thăng

Bạn có thể quan tâm