Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu Ảrập Xêut, Chad, Chile, Lithuania và Nigeria làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hôm 17/10 theo giờ Mỹ. Nhiệm kỳ của 5 nước sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2014 và kéo dài hai năm.
Nhưng hôm 18/10, Ảrập Xêut tuyên bố họ khước từ ghế trong Hội đồng Bảo an với lý do Riyadh không thể chấp nhận "tiêu chuẩn kép" của Hội đồng Bảo an đối với các xung đột trên thế giới, AP đưa tin. Đây là một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử Liên Hợp Quốc.
"Cơ chế làm việc và những tiêu chuẩn kép của Hội đồng Bảo an khiến cơ quan này không thể thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của nó trong việc gìn giữ hòa bình. Vì thế Ảrập Xêut không thể nhận tư cách thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an tới khi Liên Hợp Quốc cải tổ và trao cho Hội đồng Bảo an những cơ chế để thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới", Bộ Ngoại giao Ảrập Xêut tuyên bố.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an. Ảnh: state.gov. |
Bộ Ngoại giao Ảrập Xêut nhấn mạnh rằng việc Liên Hợp Quốc để chính phủ Syria tàn sát dân thường bằng vũ khí hóa học là "bằng chứng không thể chối cãi" về sự bất lực của Hội đồng Bảo an trong việc xử lý các xung đột.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói Ảrập Xêut không thông báo với Liên Hợp Quốc về quyết định từ chối ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an.
"Giờ đây chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng quyết định của Riyadh cho thấy sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa Mỹ và Ảrập Xêut. Syria và Iran là hai lý do nổi bật nhất cho sự chuyển hướng trong mối quan hệ ấy", Charles Dunbar, một giáo sư của Đại học Boston tại Mỹ, bình luận. Dunbar từng làm đại sứ Mỹ ở Trung Đông và đặc phái viên của phương Tây trong xung đột ở phía tây sa mạc Sahara.
Một nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc nói quyết định của Ảrập Xêut là "tiếng kêu đầy giận dữ dành cho Mỹ".
Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho thấy Washington hiểu rõ ẩn ý trong việc nước đồng minh của họ từ chối ghế trong Hội đồng Bảo an.
"Tất nhiên, đó là một quyết định mà họ buộc phải đưa ra. Tôi hiểu các nước sẽ có phản ứng khác nhau đối với việc này, nhưng chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hợp tác với Ảrập Xêut về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm", bà Jen Psaki, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.