Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đến cuối năm 2021 đã đạt trên 13,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,66% so với cuối năm 2020. Trong đó, tăng trưởng huy động vốn ghi nhận ở mức 9,24%, tích cực hơn so với năm liền trước.
Đáng chú ý, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên tới 15,7% so với cùng kỳ, đạt hơn 5,645 triệu tỷ đồng đến cuối năm 2021. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ nhóm dân cư chỉ ở mức thấp, khoảng 3,08% so với một năm trước, đạt hơn 5,3 triệu tỷ đồng.
Với số liệu tăng trưởng kể trên, năm 2021 đánh dấu năm đầu tiên số dư tiền gửi ngân hàng của nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn nhóm khách hàng cá nhân.
Cụ thể, trong những năm trước, số dư tiền gửi ngân hàng của dân cư đều cao hơn từ vài trăm nghìn tỷ cho tới hơn 1 triệu tỷ đồng (giai đoạn 2017-2018) so với nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chênh lệch này đã giảm liên tục trong 4 năm trở lại đây, từ mức 1,08 triệu tỷ năm 2017, xuống 1,035 triệu tỷ năm 2018 và giảm còn 867.151 tỷ đồng năm 2019.
LẦN ĐẦU NGƯỜI DÂN GỬI TIỀN NGÂN HÀNG ÍT HƠN DOANH NGHIỆP | |||||||||||
Số dư tiền gửi của các nhóm khách hàng. Nguồn: NHNN; Tổng hợp | |||||||||||
Nhãn | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
Tiền gửi TCKT | tỷ đồng | 1298269 | 1588466 | 1879679 | 2123845 | 2508964 | 2881213 | 3341470 | 3962749 | 4877985 | 5645352 |
Tiền gửi cư dân | 1738863 | 2146102 | 2578277 | 2972238 | 3489426 | 3961809 | 4376510 | 4829900 | 5141874 | 5300497 |
Đặc biệt, chênh lệch này đã thu hẹp mạnh trong 2 năm 2020-2021 khi dịch Covid-19 bùng phát. Đến cuối năm 2021, số dư tiền gửi ngân hàng của nhóm khách hàng doanh nghiệp đã vượt gần 345.000 tỷ đồng so với tiền gửi của các khách hàng cá nhân.
Nguyên nhân dẫn đến thay đổi trên đến từ cả 2 chiều, khi tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp tăng nhanh, trong khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư lại ghi nhận xu hướng giảm tốc.
Cụ thể, tính riêng năm 2021, số dư tiền gửi của người dân tại các ngân hàng chỉ tăng hơn 158.600 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 so với số tăng thêm trong năm 2020. Năm 2020 trước đó, tăng trưởng số dư tiền gửi của người dân cũng đã giảm gần một nửa so với giai đoạn 2018-2019.
Ngược lại, tăng trưởng tiền gửi của các doanh nghiệp lại tăng liên tục trong 4 năm qua và tăng cao từ năm 2020.
Trong năm gần nhất, với mức tăng trưởng 15,73%, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng tại các nhà băng đã tăng ròng gần 767.400 tỷ. Tương tự, mức tăng ròng trong năm 2020 trước đó cũng là hơn 915.000 tỷ đồng, tương ứng 23,1%.
Theo các chuyên gia, xu hướng thay đổi số dư tiền gửi của các nhóm khách hàng tại ngân hàng kể trên phản ánh thực tế môi trường lãi suất thấp được duy trì trong 2 năm qua.
Lãi suất huy động thấp đã khiến nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư giảm mạnh. Trong khi đó, dịch bệnh bùng phát cùng với thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến các doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc phải dừng các dự án kinh doanh mới, dẫn tới dòng tiền chảy vào kênh tiền gửi ngân hàng.
Theo SSI Research, trong năm 2022, tỷ lệ chênh lệch này sẽ được cải thiện khi mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay, mức tăng vào khoảng 0,2-0,25 điểm %.
Cũng theo số liệu từ cơ quan quản lý tiền tệ, tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế đến cuối năm 2021 đã đạt trên 10,444 triệu tỷ, cao hơn 13,61% so với cuối năm 2020.
Trong đó, những ngành nghề có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất năm vừa qua là thương mại với 17,87%, đạt 2,48 triệu tỷ; công nghiệp tăng 14,29%, đạt 1,98 triệu tỷ; vận tải và viễn thông tăng 11,14%, đạt 268.227 tỷ đồng…