Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - chủ sở hữu nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất lớn thứ 2 cả nước với 6,5 triệu tấn/năm) vừa công bố kết quả kinh doanh cao nhất kể từ khi cổ phần hóa.
Tính riêng quý IV, công ty báo cáo doanh thu thuần cao gấp đôi so với cùng kỳ đạt 34.491 tỷ đồng doanh thu thuần. Lợi nhuận gộp theo đó gấp tới 2,3 lần cùng kỳ lên mức 3.174 tỷ đồng.
Nhà máy lọc dầu này cũng ghi nhận các chi phí tăng mạnh trong kỳ vừa qua. Trong đó chi phí tài chính tăng 118%, chi phí bán hàng tăng 58% và quản lý tăng 32%.
Lợi nhuận cao kỷ lục
Những biến động đó dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý cuối năm đạt 2.675 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế năm 2021, Lọc dầu Bình Sơn có doanh thu thuần tăng 74% đạt 101.079 tỷ đồng (gần 4,5 tỷ USD). Trong đó cơ cấu chủ yếu bao gồm gần 34.100 tỷ đồng đến từ sản phẩm DO 0,05% S và hơn 33.400 tỷ đồng là nguồn thu từ Mogas 95.
Lợi nhuận sau thuế năm vừa qua ghi nhận con số cao nhất kể từ khi cổ phần hóa đạt 6.673 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ tới 2.858 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA BSR | |||||||||||||
Nhãn | Quý I/2019 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2020 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2021 | Quý II | Quý III | Quý IV | |
Lãi sau thuế | Tỷ đồng | 598 | 299 | 589 | 1507 | -2348 | -1898 | 163 | 1236 | 1848 | 1696 | 471 | 2675 |
Doanh nghiệp giải trình kết quả kinh doanh khả quan là nhờ diễn biến giá dầu thô liên tục tăng mạnh trong năm 2021 đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của công ty trong quý IV nói riêng và cả năm 2021 nói chung.
Cụ thể giá dầu Dated Brent liên tục tăng từ 49,89 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 83,66 USD/thùng bình quân tháng 10/2021, sau đó có giảm về 74,1 USD/thùng bình quân tháng 12/2021. Tuy nhiên những ngày đầu năm 2022 lại tiếp tục tăng cao.
Bên cạnh đó, việc chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm chính (crack spread) khá thấp trong năm 2020 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên crack spread năm 2021, nhất là các tháng cuối năm, đã tốt hơn nhiều so với cùng kỳ góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hồi đầu năm các cổ đông đã lên kế hoạch tổng doanh thu 70.898 tỷ đồng và 870 tỷ đồng lãi sau thuế với giả định giá dầu bình quân chỉ 45 USD/thùng. Như vậy, doanh nghiệp ước vượt 43% chỉ tiêu doanh thu của năm và gấp tới 7,7 lần chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong năm vừa qua, Lọc dầu Bình Sơn còn cho biết sản lượng sản xuất đạt 6,5 triệu tấn. Giá trị nộp ngân sách nhà nước đạt 10.933 tỷ đồng và đóng góp khoảng 46% ngân sách cho tỉnh Quảng Ngãi.
Tiền chiếm gần 31% tổng tài sản
Quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp cũng mở rộng thêm 20% trong năm vừa qua đạt 66.785 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lượng tiền mặt, tăng hàng tồn kho và các khoản phải thu.
Trong đó đáng chú ý nhất là quy mô tiền của doanh nghiệp cao đột biến lên tổng cộng 20.535 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm, chiếm gần 31% tổng tài sản. Con số này tăng 33% so với quý trước và tăng 47% so với đầu năm.
Cụ thể lượng tiền và tiền gửi không kỳ hạn là hơn 387 tỷ đồng; lượng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại ngân hàng thương mại là 15.958 tỷ đồng; lượng tiền gửi có kỳ hạn (trên 3 tháng và dưới 12 tháng) là gần 4.190 tỷ đồng.
Ngoài ra, tài sản tăng đáng kể là do các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng mạnh 75% so với đầu năm lên 13.645 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho tăng 23% lên 10.317 tỷ đồng.
Lọc dầu Bình Sơn được cổ phần hóa năm 2018 với vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng. Cổ đông chi phối hiện nay vẫn là PetroVietnam với tỷ lệ sở hữu 92,12% vốn.
Lọc dầu Bình Sơn lãi kỷ lục và nắm lượng tiền khủng hơn 20.000 tỷ đồng. |
Kết quả kinh doanh kỷ lục cùng việc sở hữu lượng tiền khủng của BSR là khá bất ngờ nếu so sánh với tình cảnh khó khăn của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất thiết kế lớn nhất cả nước (10 triệu tấn/năm) và chiếm khoảng 35% nguồn cung xăng dầu ra thị trường.
Đơn vị quản lý là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) cho biết đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tài chính, điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Công ty đã phải hủy nhập 2 tàu dầu thô so với kế hoạch ban đầu. Từ 18/1, NSRP đã phải giảm công suất vận hành nhà máy từ 105% xuống 80%. Nguyên nhân là PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận RPA và thanh toán sớm FPOA, cả hai đều là nguồn tiền mặt cần thiết để NSRP duy trì hoạt động.
Doanh nghiệp này cũng thông tin dự kiến ngừng hoạt động hoàn toàn vào khoảng 13/2 do thiếu nguồn cung cấp dầu thô nếu tình hình hiện tại tiếp tục mà số dư tiền mặt không được cải thiện.
Phía PetroVietnam - cổ đông nắm giữ 25,1% vốn NSRP - khẳng định nhà máy này phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành.
Thực tế nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng từng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong quý III/2021 khi từng "kêu cứu" do sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh và các vấn đề về dự trữ dầu tồn kho. Công suất nhà máy bị hạ xuống mức tối thiểu 80% khi không còn sức tồn chứa, dẫn đến nguy cơ phải dừng nhà máy.
Đến tháng 9/2021, nhà máy lọc dầu lớn nhì cả nước đã nhanh chóng tăng công suất hoạt động lên 85% khi dịch bệnh được kiểm soát và tăng lên 100% ngay từ đầu tháng 10 năm ngoái.
Vào đầu năm 2022, BSR thông tin đã tăng công suất vận hành lên 103% để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước tăng cao dịp tết và các nguồn cung cấp khác gặp nhiều khó khăn.