Từ trước đến nay, Ban trọng tài có luật riêng: không phát ngôn về những hình thức kỷ luật nội bộ đối với những trọng tài mắc sai sót trên sân cỏ. Nhưng trước thực trạng trọng tài ngày càng kém cỏi, người hâm mộ ngày càng bức xúc, cộng thêm sức ép từ truyền thông, mạng xã hội…, tổ chức này dường như đang cố làm mọi cách để chiều lòng dư luận.
Hà Anh Chiến có thể coi là con tốt thí đầu tiên mà Ban trọng tài đưa ra làm “án điểm”. Khi đó, hoặc không muốn, hoặc không thể bảo vệ “lính” của mình được nữa, Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi đã “dìm” luôn trọng tài Chiến bằng một án treo còi hết lượt đi mùa giải 2016 (thực chất là vô thời hạn, vì đến tận bây giờ, Chiến vẫn chưa trở lại).
Trọng tài Trần Xuân Nguyện bị "tuyên án" khi chính ông cũng chưa được phân xử rõ đúng - sai ở các quyết định nhạy cảm của mình. Giới chuyên môn thì tin rằng ông đúng. Có lẽ ngoài chuyện bàng hoàng với HAGL, ông Nguyện còn cảm thấy bất ngờ trước quyết định của VFF. |
Cuối mùa năm đó, đến lượt trọng tài kỳ cựu Phùng Đình Dũng cũng bất đắc dĩ phải giã từ cuộc chơi. Người trong giang hồ đồn rằng ông Dũng trước kia vẫn được nâng đỡ, nhưng ở cái thế chẳng đặng đừng, ông đành… nghỉ để cả nhóm lợi ích được vẹn tròn.
Nhìn vào Hà Anh Chiến và Phùng Đình Dũng thì đủ thấy tấm áo giáp bao bọc các trọng tài dần dần bị vô hiệu hoá trong bối cảnh cấp trên cần giữ ghế cho mình. Nó mở ra một chương mới 2017, nơi các trọng tài cứ sai là bị xử (thậm chí chưa xác định đúng sai cũng đã nhận kỷ luật rồi).
Đó là trường hợp của trọng tài Nguyễn Đức Vũ - cũng là một trong những cái tên được đánh giá là có… quan hệ tốt. Ông Vũ sau khi "cướp" không của Quảng Ninh một quả phạt đền mười mươi có bị treo còi thật, nhưng là án “nội bộ” và sau đó nhanh chóng trở lại ngồi bàn, rồi bắt chính điềm nhiên như chưa có chuyện gì xảy ra. (Nếu ở thời kỳ trước đó, chưa chắc ông Vũ đã bị “giơ cao đánh khẽ”).
Nhưng một vài đồng nghiệp khác của ông Vũ thì không có được cái may mắn như vậy. Án của họ là án thật.
Ông Nguyễn Trung Kiên B bị treo còi không ít hơn 4 trận, sau nhận định sai lầm trong trận SLNA - Quảng Nam ở vòng 5. Cái mở ngoặc “không ít hơn 4 trận” có vẻ hơi nghiệt ngã, vì đến vòng 12 vừa rồi, ông Kiên B vẫn chưa xuất hiện.
Với hàng loạt sự cố Kiên B, Hiền Triết, đặc biệt là vụ ông Nguyễn Trọng Thư làm dậy sóng Long An…, VFF, VPF vào cuộc bằng chiêu mới: lập ban phân công trọng tài, trong đó vai trò của ông Mùi đã bị thay bằng cấp phó Dương Văn Hiền. Nhưng mọi chuyện đâu lại vào đó.
Vòng 11, trợ lý Phan Việt Thái nhận án “treo cờ” 2 trận vì lỗi công nhận bàn thắng việt vị khiến HAGL thắng Quảng Nam. Ông Thái như vậy là “thế mạng” luôn cho trọng tài chính bắt trận đó là ông Hoàng Anh Tuấn - người ở vòng 12 nghiễm nhiên ngồi bàn trên sân Hoà Xuân (Đà Nẵng).
Cũng ở vòng 12, trọng tài Trần Xuân Nguyện cay đắng trả giá cho áp lực mà dư luận giáng xuống đầu cả đội ngũ vua áo đen. Chưa đầy 24 giờ sau trận HAGL - Thanh Hoá mà ông Nguyện bị coi là tác nhân làm hỏng một bữa tiệc bóng đá, ông bị tuyên treo còi vô thời hạn.
Điều trớ trêu nằm ở chỗ, khi nhận án từ Phó ban Dương Văn Hiền, cũng chính là giám sát trọng tài trận này, ông Nguyện vẫn chưa được phân xử đích xác đúng - sai. Bản thân Ban trọng tài vội vã kỷ luật ông Nguyện, trong lúc giới chuyên môn lại thừa nhận những quyết định gây tranh cãi của ông là chính xác, chỉ hơi thiếu linh hoạt trong phạt thẻ đỏ A Hoàng.
Dĩ nhiên, cuối mùa này trọng tài Trần Xuân Nguyện cũng đến tuổi về hưu, nhưng cách ông bị đối xử thực sự khiến các đồng nghiệp phải nung nấu tâm tư. Nhiều trọng tài V.League bây giờ tranh thủ đi bắt phủi, nơi họ vẫn có thu nhập mà lại được coi trọng và không phải chịu quá nhiều áp lực.
Trọng tài Hoàng Ngọc Hà dung mạo ngời ngời ở giải phủi, nhưng lên V.League, ông thổi xong một trận như người mất hồn vì áp lực. Cái giá phải trả có đáng không? Ảnh: Quốc Bảo. |
Chúng ta hẳn không quên hình ảnh trọng tài Hoàng Ngọc Hà thở hắt ra sau trận Đà Nẵng - Quảng Ninh ở vòng 8 V.League 2017. Đó là thời điểm các trọng tài bị soi dữ dội, và chỉ cần một sai sót nhỏ thôi cũng sẽ lên "đoạn đầu đài".
Nó khác hẳn với dung mạo của chính ông Hà khi cầm còi ở các giải phong trào Hà Nội. Tại đó, ông là một “ngôi sao” mà Ban tổ chức và các đội bóng đều trân trọng.
Sự khác biệt đôi khi không nằm ở tầm cỡ của giải đấu, mà nằm ở cách con người đối xử với con người. Danh sách những Hà Anh Chiến, Phùng Đình Dũng, Trần Xuân Nguyện… càng dài thì lòng can đảm của các trọng tài nội dám chơi V.League sẽ ngày càng ngắn lại mà thôi!