Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Làm tình báo cần đầu lạnh, tim nóng, bàn tay phải sạch'

Chắt chiu từ một đời cống hiến hết mình cho Tổ quốc, ông Mười Hương đúc rút kinh nghiệm trao truyền cho đời sau. Với ông làm tình báo phải có đầu lạnh, tim nóng và bàn tay sạch.

Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo là sách viết về cuộc đời hoạt động và cống hiến của vị lão thành cách mạng Trần Quốc Hương. Ông là người chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.

Được sự đồng ý của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM (đơn vị tái bản sách nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2020), Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.

Cái tên gọi “Hương sự thật” cũng do một số bạn bè, đồng chí gọi ông, do ông luôn dũng cảm và kiên định với sự thật, không xu thời.

Phải nghĩ thật chín rồi làm tới nơi tới chốn

Ông tự nhận: “Tôi có một nhược điểm là không phản ứng đấu tranh nhanh như người ta. Phải nghĩ thật chín rồi mới làm tới nơi tới chốn”. Đều đặn trong thời kỳ kháng chiến, mỗi ngày ông lại để ra ít thời gian, khoảng nửa giờ để nghĩ lại mọi việc trong ngày.

Những kinh nghiệm sống, chiến đấu và làm việc ngày nào vẫn trao đổi, dặn dò anh em khi hoạt động, nay ông truyền lại cho những người trẻ tuổi.

Đồng chí Phạm Văn Hùng, sĩ quan tiếp cận luôn bên ông kể lại: “Ông rất quan tâm tới mọi người, tới những người từng giúp ông từ trước đến giờ.

Ông nhắc nhở chúng tôi, thân thiện, nhẹ nhàng và trìu mến như dạy dỗ con cái trong nhà: 'Có ba việc lúc nào cũng phải trau dồi: Một, sống phải biết thế nào là vừa, thế nào là đủ. Hai, trong công việc phải luôn luôn vượt lên chính mình. Và thứ ba, nên làm việc bằng chính cái đầu của mình, không được để lai căng'.

Đây cũng chính là những điều mà chúng tôi tâm đắc. Thú thật, đã có những lúc đứng trước cám dỗ, song lạ lùng là lời ông dặn cứ vang lên trong đầu, giúp tôi tỉnh trí".

Tinh bao anh 1

Bìa sách Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo.

Với bạn chiến đấu trước kia và các đồng nghiệp sau này, khi tâm sự ông thường nhắc tới câu: “Làm công an, công tác tình báo và an ninh cái đầu phải lạnh, trái tim phải nóng, và bàn tay phải sạch, như thế thì làm cái gì cũng dễ, làm cái gì cũng được, trăm trận trăm thắng.

Công việc mình làm dù khó khăn đến đâu cứ bình tĩnh và thận trọng giải quyết từng bước một thì thể nào cũng thành công. Luôn luôn phải khiêm tốn cả với cấp trên và cấp dưới, đừng bao giờ thỏa mãn với công việc của mình và nhất là đừng để chữ tôi lên đầu”.

Những kinh nghiệm chắt chiu từ một đời cống hiến hết mình cho Tổ quốc của một thời oanh liệt hào hùng ấy được truyền sang cho lớp trẻ, ngọt và ấm nóng như mật.

Đã qua những chức vụ cao, đã qua các chìm nổi trong cuộc đời một người chỉ huy tình báo, nay là một Đảng viên lão thành, ông vẫn là con người của sự chân thật như bản chất ban đầu. Ông vẫn thường nói thẳng suy nghĩ của mình đối với Đảng về thời cuộc, sự đúng, sai.

Báu vật là nụ cười thanh thản

Có lẽ vì cuộc đời của những cán bộ như ông, trung thành, nhiều kinh nghiệm và luôn trung thực xây dựng Đảng, nên Đảng và Nhà nước vẫn luôn lắng nghe. Ông là một trong số cán bộ lão thành thường được mời phát biểu ý kiến đóng góp cho các vấn đề quan trọng của lãnh đạo, của đất nước.

Gặp các đồng chí lãnh đạo, ông thường nói: “Tôi ở tuổi không biết sống chết lúc nào, nhìn cái đã qua không ân hận gì với Đảng và Nhà nước, nhưng nhìn nhân tình thế thái, còn băn khoăn lắm. Cái lớn của đất nước là con người. Có giữ được đất nước không, Đảng có mạnh hay không, vấn đề cốt lõi là con người. Con người khỏe thì tổ chức mạnh. Tôi luôn tâm đắc nhận định ở Đại hội VI: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác cán bộ. Nhân sự là vấn đề rất lớn".

Khi đóng góp nhận xét vào tình hình đất nước, vào tổng kết các nhiệm vụ cách mạng, ông cũng đưa ra cách nhìn thẳng thắn.

“Tiến hành cuộc chiến tranh, chúng ta xây dựng được hai việc lớn: Tinh thần anh hùng cách mạng và tinh thần vì miền Nam ruột thịt. Hàng triệu gia đình tình nguyện đưa con em mình vào chiến trường. Thời chiến tranh khó khăn mà xã hội lành mạnh, đất nước gặp lúc nguy nan lướt qua được.

Nhớ lại hồi Bác mất, các nghị quyết, khắp nơi giữ an ninh trật tự một cách tự giác, xã hội như trong sạch hơn khi gặp đau thương. Máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, tưởng bom đạn thế là mất an ninh, nhưng Hà Nội lại không hề có trộm cắp, tinh thần đùm bọc nhau rất tốt.

Có phải tại ta xây dựng được tinh thần trên, chi phối con người không? Tại sao bây giờ có những kẻ không phải do đói, do nghèo mà lại tiêu cực? Tụi làm bậy lại không phải người nghèo đói. Hình như có nhiều người còn né, sợ nói đến khó khăn, không dám đối mặt với thực tế".

Ông cho rằng phải học người Nhật cúi mặt làm việc, tạo ra cả một tâm lý dân tộc: thua phải biết bứt dậy. Có lúc ta sau chiến thắng 1975 không tỉnh táo. Có người còn hy vọng viển vông Mỹ nó đền bù. Hết kiêu ngạo, rồi gặp khó khăn là đổ cho diễn biến hòa bình. Không vững vàng. Ai nói ngược lại cho họ là CIA. Đâu cũng có CIA. Tâm địa vậy là không tốt.

Ông mong muốn có thể phát huy tất cả lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kích thích người dân mình làm việc hết lòng xây dựng đất nước sao cho không hổ thẹn với truyền thống. Dân tộc ta không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là một dân tộc văn hóa rất hay.

Ông góp ý thêm về cái nhìn với con người, đánh giá con người của dân tộc cần rộng mở, không chỉ có tiêu chuẩn của Đảng: “Tôi nghĩ Đảng ta phải nhìn thấy nhiều vấn đề khác nữa. Nhìn lại ngành giáo dục, thời kỳ kháng chiến mà hưng thịnh. Bộ trưởng Giáo dục giỏi như Nguyễn Văn Huyên, sau này có các nhà giáo dục như Ngụy Như Kon Tum, Tạ Quang Bửu lúc đó đâu có phải là đảng viên?”.

Đánh giá đúng con người, tin tưởng họ, điều này ông đã được Bác Hồ nhận xét khi ông được chọn vào chi viện cho miền Nam. Bác Hồ bảo: “Chú ấy đánh giá đối tượng, con người đúng và chú ấy biết dùng người”.

Có lẽ nhờ vào điều này mà ông là người “viết kịch bản” cho những nhà tình báo nổi tiếng nhất như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn.

Tuy nhiên, ông luôn luôn khiêm tốn: “Khi làm tổng kết của ngành, tôi đã nói: Những nhà tình báo tài năng của chúng ta họ hoàn toàn độc lập trong hoạt động và thành công”.

Nhưng rõ ràng, nhờ vào việc tìm ra “kịch bản” - đường lối hoạt động - thì các “diễn viên” mới có thể hoàn thành xuất sắc vai trò của mình.

[...]

Cuộc đời của ông Mười Hương tham dự vào nhiều sự kiện lịch sử lớn lao. Nhưng trong cuốn sổ tự ghi của ông mang tên “Hành trang quý báu trong đời”, ông Mười Hương nhớ nhất là thời kỳ làm việc ở Đội Công tác trực thuộc Trung ương từ giữa năm 1943 cho đến trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Có thể là vì giai đoạn ấy chính ông được làm việc và được các lãnh tụ vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam dẫn dắt. Ông viết trong phần kết thúc:

“Đối với tôi, những năm tháng được giúp việc Thường vụ Trung ương trong Công tác Đội ở An toàn khu của Trung ương thật sự là thời gian tu dưỡng về lý luận cách mạng, chủ trương, đường lối, chính sách cụ thể của Đảng cũng như kiểm nghiệm trong thực tiễn công tác. Đó là hành trang quý báu giúp tôi rất nhiều trong cuộc đời cách mạng của mình, trải qua nhiều công tác khác nhau trên mọi miền đất nước".

Suốt một chặng dài gần trọn đời rong ruổi theo sự nghiệp Cách mạng với đủ đầy những vinh, nhục, buồn, vui, ông luôn mang theo mình hành trang đó. Một hành trang lặng lẽ và quả cảm giúp ông vươn tới sự tôn vinh đầy tính thuyết phục của đồng chí, đồng nghiệp: “Người thầy” của những nhà tình báo huyền thoại.

Song một điều không phải ai trong ngày hôm nay cũng nhận ra, Mười Hương - người chiến sĩ cách mạng khi về già, ngồi soát xét lại toàn bộ hành trang cuộc đời của mình đã tìm ra một báu vật với nụ cười thanh thản: Đó chính là niềm tin yêu mãnh liệt vào con người và lòng trung thực. Và ngẫm cho cùng, đây cũng chính là khía cạnh nhân bản lấp lánh, bất diệt của Cách mạng.

Ông Mười Hương: 'Suốt cuộc đời tôi sống không có gì phải ân hận'

Lòng nhân ái, sức chịu đựng và niềm tin mãnh liệt vào sự thật, ngay thẳng ở ông Mười Hương được thể hiện rõ qua thời gian ông tin tưởng, chờ tổ chức xác minh.

Trích sách "Trần Quốc Hương, Người chỉ huy tình báo"

Bạn có thể quan tâm