Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm thế nào để mạnh tay xóa bỏ đồ đạc và mối quan hệ?

Cuốn sách “Đơn giản hóa cuộc sống của bạn” chỉ ra phương pháp giúp chúng ta bớt lãng phí thời gian và trân trọng nhiều hơn lối sống tối giản.

Tác giả Mary Conroy là thư ký tòa soạn cho tờ báo quốc gia ở Ireland. Cô luôn nỗ lực theo đuổi lối sống tối giản và đem sự giản đơn này đến với mọi hoạt động trong cuộc sống, kể cả trong cuốn sách của mình.

Theo cô, chủ nghĩa tối giản không chỉ dành cho những người giàu có, sống trong một căn nhà khổng lồ, trống trải và trắng tinh. Ngược lại, tối giản mang đến sự phong phú, màu sắc và ý nghĩa cho cuộc sống mỗi người.

Cuốn sách được chia làm 6 phần ngắn gọn, trực diện, giúp độc giả bắt tay vào dọn dẹp từng khía cạnh của đời sống: Không gian sống, chốn công sở, ví tiền, những mối quan hệ, đời sống trên mạng, và con người bên trong bạn.

song toi gian anh 1

Sách Đơn giản hóa cuộc sống của bạn. Ảnh: H.T.

Bỏ đi những điều thừa thãi

Điều cốt lõi trong chủ nghĩa tối giản là giảm thiểu sự lãng phí vào những món đồ không cần thiết, hay nói cách khác là chi tiêu một cách “có ý thức hơn”.

Theo đuổi chủ nghĩa tối giản không đồng nghĩa với việc sống trong một căn nhà trống rỗng, bản thân thì bị đánh giá là bần tiện và không có cơ hội sở hữu những món đồ tốt.

Mục đích của lối sống này không phải để chia rẽ con người với những món đồ vật, tài sản có giá trị, đẩy chúng ta phải sống trong căn phòng trơ trụi chỉ với một bàn, một ghế và một giường. Ngược lại, nó giúp chúng ta loại bỏ sự bừa bộn cả về mặt nhãn quan lẫn tiềm thức.

Sự phát triển kinh tế, Internet và chuỗi cửa hàng cung ứng tiện lợi giúp con người có thể mua sắm và vận chuyển về nhà bất cứ món đồ nào từ mọi nơi; khác với trước đây, có khi phải dành dụm nhiều năm làm lụng, chắt bóp, để có được một món đồ có giá trị lưu giữ.

Trên con đường theo đuổi chủ nghĩa tối giản, “áp lực đồng trang lứa” là điều khó tránh khỏi. “Trông cô ta giàu có thế mà chẳng có nổi một chiếc smartphone”, “Nhìn có vẻ giàu gu thẩm mỹ mà nhà lại không có nổi một cây nến thơm”, “Túi xách của cô ta nhìn xoàng xĩnh quá”... là những câu mỉa mai mà có thể người sống tối giản thường xuyên nghe được.

Mary Conroy cho rằng, trong lối sống tối giản, trọng tâm được đặt ở con người, chứ không phải ở đồ vật. Áp lực đồng trang lứa sẽ khiến chúng ta phải sống “ngập ngụa” trong những món đồ thực chất “chẳng có giá trị gì”.

song toi gian anh 2

Một trong những nguyên tắc để sống đơn giản là cắt giảm việc mua đồ đạc. Ảnh: blog suno.

Bỏ đi những mối quan hệ không cần thiết

Sống tối giản là cắt giảm đồ đạc. Nếu chỉ nghĩ như vậy, bạn đã đúng, nhưng chưa đủ. Lối sống này không chỉ đơn giản là bỏ đi những vật dụng hữu hình, mà còn vô hình. Những mối quan hệ “thừa thãi” là một ví dụ.

Với tư tưởng đó, Mary Conroy dành hẳn một chương trong cuốn sách của mình để đề cập tới vấn đề “dọn dẹp những mối quan hệ”.

Mạng xã hội có khả năng đưa chúng ta cùng lúc kết nối với hàng trăm, nghìn bạn bè dù xa cách về mặt địa lý, hay dù cho chẳng gặp nhau lấy một lần.

Nhưng hãy thử một lần tự hỏi: Những mối quan hệ “ảo” và “nhiều” ấy giúp gì cho cuộc sống của bạn? Gặp vấn đề cần tâm sự, bạn có tìm thấy nơi ấy niềm tin để sẻ chia nỗi lòng và trút bỏ muộn phiền? Nếu câu trả lời là có, thì đó là những mối quan hệ bạn nên gìn giữ; còn ngược lại, hãy “mạnh tay xóa bỏ” để thời gian và tâm trí của bạn tập trung nhiều hơn cho những việc có ý nghĩa khác.

Với lối viết đơn giản, cách trình bày trực diện, tác giả Mary Conroy thông qua cuốn sách này nhắn nhủ tới người đọc bài học cốt lõi của chủ nghĩa tối giản. Đó là hãy thiết lập lại giá trị trong cuộc sống và thẳng thắn loại bỏ những gì không mang lại giá trị.

'Một tháng sống tối giản, tôi bỏ được hơn 30 đồ vật không cần thiết'

Theo chị Nguyễn Thị Minh Hiền, ứng dụng bài học trong “Lối sống tối giản của người Nhật” và “Dọn dẹp cùng Marie Kondo” là điều thiết thực đối với mình.

Quý Phái

Bạn có thể quan tâm