Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Một tháng sống tối giản, tôi bỏ được hơn 30 đồ vật không cần thiết'

Theo chị Nguyễn Thị Minh Hiền, ứng dụng bài học trong “Lối sống tối giản của người Nhật” và “Dọn dẹp cùng Marie Kondo” là điều thiết thực đối với mình.

Nhắc đến lối sống tối giản, người đọc nghĩ ngay tới đất nước mặt trời mọc. Người Nhật luôn tìm thấy hạnh phúc từ những điều đơn giản, ngay cả khi cuộc sống không đủ đầy vật dụng.

Đó cũng là chủ đề mà cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật (của Sasaki Fumio) và Dọn dẹp cùng Marie Kondo (của Marie Kondo) muốn gửi gắm.

Là người tiếp xúc với nhiều nền văn hóa của các nước châu Á, chị Nguyễn Thị Minh Hiền - Phó tổng biên tập Thái Hà Books - được biết đến là người sống trong một căn nhà “cực kỳ ít đồ đạc”. Chị chia sẻ, có được lối sống tối giản ấy là nhờ hai cuốn sách của người Nhật chỉ đường.

Ung dung cua sach anh 1

Chị Nguyễn Thị Minh Hiền - Phó tổng biên tập Thái Hà Books - tại Istanbul Fellowship Program, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: NVCC.

"Đọc sách quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải ứng dụng"


- Nhiều người trong Thái Hà Books nói chị sống trong một căn nhà “ít đồ đạc”. Chị hình thành lối sống này từ khi nào?

- Tôi có được lối sống đó từ khi đọc cuốn Lối sống tối giản của người NhậtDọn dẹp cùng Marie Kondo. Đó là một may mắn. May mắn hơn khi tôi luôn nghe lời thầy tôi - TS Nguyễn Mạnh Hùng. Tôi còn nhớ như in câu nói của thầy: “Đọc sách quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải ứng dụng”.

Nếu bạn vẫn thường quẩn quanh với những suy nghĩ như: “Mình phải có đôi giày kia thì mới vui được”, “Chiếc áo mình thích đang giảm giá, phải mua nhanh”, “Mình phải có căn nhà rộng hơn”… thì có nghĩa là bạn đang bị cuốn vào nền văn hóa tiêu dùng, luôn muốn mua sắm và sở hữu nhiều đồ đạc hơn, dù bạn không thực sự cần đến chúng.

- Chị tìm đọc hai cuốn sách trên với mục đích gì?

- Với những đặc trưng về điều kiện địa lý, đất nước Nhật Bản thường xuyên gặp phải động đất mà 30-50% nguyên nhân gây thương vong là do đồ đạc rơi vỡ. Điều ấy khiến người Nhật buộc phải tối giản đồ đạc nhiều hơn.

Tìm hiểu về lối sống của giới trẻ Nhật, tôi thực sự ấn tượng khi trong căn phòng của các bạn chỉ có một tấm đệm trải và một chiếc bàn thấp, đồ dùng cá nhân được giảm thiểu hết mức. Và như duyên lành, tôi tìm đến Lối sống tối giản của người NhậtDọn dẹp cùng Marie Kondo.

Ung dung cua sach anh 2

Sách Lối sống tối giản của người Nhật. Ảnh: THB.

"Sách mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của tôi"

- Hai cuốn sách trên đã chỉ đường cho chị như thế nào?

- Tác giả của cuốn Dọn dẹp cùng Marie Kondo là người nổi tiếng với phong cách dọn dẹp đơn giản, thông minh và hiệu quả trong việc vĩnh viễn xóa bỏ sự bừa bộn.

Một phương pháp khác mà tôi tham khảo là thông qua bộ phim tài liệu của Netflix - The Minimalists: Less is Now nói về hai người bạn Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus. Hai anh này đặt ra câu hỏi: “Nếu mỗi ngày bỏ một món đồ ra khỏi cuộc sống của bạn, thì điều gì sẽ xảy ra?”

Thế nghĩa là sau một tháng, tôi đã bỏ được 30 đồ vật không thực sự cần thiết ra khỏi cuộc sống của mình. Và việc này dần trở thành một thử thách cá nhân, càng ngày tôi càng muốn dọn bỏ nhiều hơn.

Tôi đã có tư duy mới và bắt tay vào việc dọn giá sách chất đầy sách và thùng tài liệu của mình. Sau đó là tủ quần áo, phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp…

- Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về phương thức mà chị ứng dụng từ sách vào cuộc sống hiện tại, từ việc dọn dẹp nhà cửa, đến lối sống và suy nghĩ?

- Học hỏi được những điều hai cuốn sách đem lại, trước khi bắt tay vào dọn dẹp, tôi bày toàn bộ đồ vật ra nền nhà. Bước này có thể sẽ rất thú vị vì có những món bạn còn không biết là mình có.

Sau đó tôi phân loại. Có thể phân loại theo nhóm mà bạn muốn như màu sắc, mục đích sử dụng... Kế đến là loại bỏ những đồ dùng không dùng đến. Bước này cần rất nhiều sự “can đảm” vì bạn sẽ nghĩ rằng mình có thể cần đến chúng trong tương lai. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ xem chúng có thực sự hữu dụng không. Sau cùng là xếp trở lại những món bạn thực sự sử dụng.

Bên cạnh đó, tôi còn áp dụng hai “mẹo”: Thứ nhất là mua một - giảm một, nghĩa là nếu mua một món đồ mới thì bạn phải bỏ bớt một món đồ mình đang sở hữu đi. Hai là, đặt câu hỏi trước khi mua thứ gì đó: “Món đồ này thực sự có ý nghĩa với mình không?”.

Khi đi du lịch, công tác cũng thế, đồ đạc mang đi tôi luôn tối giản để cơ động, không bao giờ mang bằng hoặc quá số cân quy định. Việc này cũng làm giảm khí thải.

Ung dung cua sach anh 3

Sách Dọn dẹp cùng Marie Kondo. Ảnh: THB.

- Từ khi áp dụng kiến thức trong sách, cuộc sống của chị thay đổi ra sao?

- Lối sống từ hai cuốn sách mang lại rất nhiều lợi ích cho tôi. Khi đồ đạc “tinh giảm”, nhà cửa gọn gàng, thoáng đãng và sạch sẽ hơn.

Thứ hai, tôi thấy khả năng tập trung của mình được nâng cao hơn. Khi xung quanh giảm bớt những đồ vật gây xao nhãng khiến mất tập trung và tốn thời gian để tìm tòi, dọn dẹp.

Thứ ba, tôi như được giải phóng bản thân. Tôi không còn chịu nhiều áp lực khi phải lo cất giữ, bảo quản những món đồ đạc mà mình yêu thích nữa.

Thứ tư đó là tôi tiết kiệm được nguồn tài chính của mình. Việc dừng mua sắm những món đồ không cần thiết giúp tôi giữ thêm được một khoản không hề nhỏ để tập trung vào những điều có ý nghĩa hơn.

Tôi thấy lối sống tối giản này còn có thể áp dụng ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống như: Tối giản thông tin, tối giản mối quan hệ, tối giản giải trí...

- Chị muốn nhắn nhủ gì đến những người chăm đọc sách nhưng chưa biết ứng dụng nội dung của sách?

- Tôi muốn nói thêm rằng “Less is more” - Ít hơn có nghĩa là nhiều hơn. Giá trị cốt lõi của lối sống tối giản chính là giúp chúng ta ngưng chạy theo những nhu cầu phù phiếm để có một cuộc sống đơn giản, nhưng ý nghĩa hơn.

Lời cuối cùng, tôi mong bạn và những ai bạn có thể khuyên, hãy tìm đọc ngay hai cuốn sách khá mỏng và dễ ứng dụng này.

Làm thế nào để online và đọc sách hiệu quả?

Nhiều người chọn đọc sách hoặc lướt web để giải tỏa căng thẳng giữa mùa dịch. Thế nhưng, đọc sách thế nào, online ra sao cho hiệu quả là vấn đề đáng quan tâm.

Huế Trần

Bạn có thể quan tâm