Cha mẹ hãy phân chia việc nhà công bằng cho các con. Ảnh: PNO. |
Điều gì khiến chúng ta ấm lòng hơn chuyện nhìn thấy trẻ chạy quanh nhà một cách hồ hởi để làm việc nhà. Chúng ta cảm thấy tự hào khi trẻ thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự trân trọng với những đồ vật chung của gia đình. Thêm vào đó, việc nhà được hoàn thành, tiến bộ của con được ghi nhận và đồ đạc trong nhà được gọn gàng, sạch sẽ. Ôi, một ngày thật hạnh phúc.
Đây không phải là điều không tưởng. Thường thì cả cha mẹ và trẻ đều sợ việc nhà. Sự thật là trẻ sẽ không hào hứng giơ tay khi chúng ta hỏi: “Ai nhận rửa bát nào?” Những bàn chân sẽ không nhanh nhẹn vui vẻ đi tìm chổi khi chúng ta hỏi: “Ai muốn dọn gara hôm nay nào?” Nhưng nếu giải quyết vấn đề này một cách tinh tế ngay từ khi trẻ còn nhỏ, chúng ta có thể loại bỏ ác cảm của trẻ về việc nhà.
Khi còn nhỏ, trẻ thích làm việc cùng cha mẹ. Chúng ta nói “làm cùng” thay cho “giúp đỡ” vì thực tế những gì bọn trẻ làm không thật sự là giúp đỡ. Chúng chỉ muốn bắt chước chúng ta một cách tự nhiên. Chúng thích vầy nước khi mẹ rửa bát. Chúng thích đẩy chiếc xe cắt cỏ nhỏ xíu của mình chạy quanh khi bố cắt cỏ. Khi có tuyết, trẻ sẽ mè nheo nếu chúng ta không mua cho chúng những cây xẻng nhựa nhỏ để “giúp” dọn tuyết. (Thật tiếc khi chúng chẳng làm thế khi chúng mười hai tuổi).
Bí quyết để dạy trẻ có thái độ tốt khi làm việc nhà là chúng ta phải vui vẻ khi làm việc nhà. Nếu chúng ta khiến việc nhà trông có vẻ cực nhọc thì trẻ sẽ nghĩ "Nếu làm việc nhà mà mệt nhọc như thế thì mình chẳng muốn tham gia". Khi đó, việc yêu cầu trẻ làm việc nhà trong vòng mười hai hoặc mười bốn năm tới sẽ chẳng khác nào đàm phán trong chiến tranh. Nên từ lúc trẻ còn bé, chúng ta nên cho chúng thấy làm việc nhà rất thú vị.
Khi trẻ tới tuổi chịu trách nhiệm, tuổi đi mẫu giáo hoặc lớp một, chúng ta nên giao cho trẻ những nhiệm vụ căn bản quanh nhà như dọn dẹp sau khi chơi, dọn phòng và dọn giường (dù không thể sạch như li như lau). Trước khi lên lớp ba và trong suốt thời tiểu học, chúng cần được tham gia những công việc như rửa bát, quét nhà, đổ rác, dọn tủ lạnh, lau cửa sổ… một cách đều đặn.
Trẻ rất thông minh, chúng sẽ tìm ra lý do để không phải làm việc nhà, chúng sẽ tranh cãi về nhiệm vụ của từng người, hoặc chúng sẽ phàn nàn về thời điểm chúng phải làm việc nhà.
Những ông bố, bà mẹ biết yêu thương và dlùng ý trí khi dạy con sẽ thương lượng với trẻ về việc nhà. Họ dán danh sách việc nhà ở một nơi quan trọng trong bếp, yêu cầu trẻ đọc và chọn việc mà chúng muốn làm. Một hoặc hai ngày sau, cả nhà ngồi lại và chia việc nhà.
Cha mẹ nên cho phép trẻ tự kiểm soát việc này hơn là quyết định ai sẽ làm gì. Nếu việc nhà được chia không đều, dù lý do là gì đi nữa, đứa trẻ sẽ “thấy bất công”, làm qua loa và yêu cầu thương lượng lại.
Cha mẹ nên yêu cầu trẻ ngồi với nhau và tự chia việc nhà. Jerry, mười lăm tuổi, và Melinda, mười một tuổi, có vẻ chia việc nhà không công bằng. Công việc gồm: chăm sóc chó và rửa bát. Thức ăn cho chó ở tầng hầm, vì Melinda sợ bóng tối, cô bé chọn rửa bát thay vì phải đối diện với bóng tối. Không lâu sau, Melinda thấy bất công. Và để vượt qua nỗi sợ bóng tối, hai đứa trẻ phải thương lượng lại. Lũ trẻ sẽ tự giải quyết vấn đề việc nhà khi chúng được trao quyền kiểm soát.
Một vấn đề khó khăn hơn chính là làm việc nhà đúng lịch. Cha mẹ nên tạo một khung thời gian với cụm từ “trước bữa ăn lần tới” hoặc “trước khi bố (mẹ) đưa con đi xem trận bóng đá”. Cách này sẽ giúp trẻ hiểu quy tắc.
Một kiểu kháng cự của trẻ mà cha mẹ thường gặp là “À, nhân tiện”. Khi nhìn thấy con ngồi trên ghế đọc sách, cha mẹ sực nhớ tới các việc nhà chưa được làm, những công việc chưa được giao.
Kiểu cha mẹ “À, nhân tiện” thường nói “À, nhân tiện, con đổ rác ngoài sân được không?” hoặc “À, nhân tiện, con có thể lau cần gạt nước trên xe ôtô được không?”. Điều này chỉ khiến trẻ muốn trốn vào góc khuất để đọc sách.
Bình luận