Sau sự việc thử thách Momo lan truyền trên mạng xã hội, bà Phan Hồ Điệp - Giảng viện Đại học Sư phạm Hà Nội, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam cho rằng, dường như thời nay, nhiều bậc cha mẹ đang bỏ rơi con trên mạng. Kết luận này được đưa ra khi bà Phan Hồ Điệp bắt gặp rất nhiều hình ảnh bố mẹ ngồi cạnh con, nhưng làm việc riêng của mình, để cho con mặc sức xem điện thoại, Ipad.
Nhiều phụ huynh sử dụng thiết bị điện tử như công cụ dỗ con ăn, làm phần thưởng cho con sử dụng Internet mỗi khi con nghe lời. “Những hiện tượng đó dù con cái có bố mẹ ở bên, tôi vẫn gọi là bỏ rơi con trên thế giới mạng, vì bạn không kiểm soát được con xem gì, thời gian con xem, không chỉ dẫn gì với con khi tiếp xúc mạng Internet”, bà Phan Hồ Điệp nói.
Với quan điểm không thể cấm con em sử dụng Internet, mà cần hướng dẫn trẻ sử dụng sao cho hiệu quả, biết phản ứng trước những thứ nguy hại trên môi trường mạng, bà Phan Hồ Điệp nhận lời tham gia xây dựng Vmonkey - một kho truyện tiếng Việt tương tác. Ứng dụng sách trực quan này được ra mắt sáng 15/3 tại Hà Nội.
Kho truyện tiếng Việt tương tác trên thực tế là một thư viện, tới nay có 200 truyện tiếng Việt, 100 truyện audio. Thư viện truyện vẫn tiếp tục được đội ngũ biên kịch và họa sĩ phát triển cập nhật thêm.
Các tác phẩm trong kho truyện được đưa vào 10 nhóm chủ đề khác nhau, gần gũi với đời sống hàng ngày của trẻ nhỏ. Đối tượng độc giả của kho truyện này hướng tới là các bạn nhỏ học tiếng Việt.
Ứng dụng này mô phỏng việc bố mẹ đọc sách hàng ngày cho con. Sau khi nghe, xem truyện, trẻ nhỏ có thể tương tác vào từng hình ảnh trong truyện. Ví dụ, khi trẻ nhỏ chạm vào hình ảnh đám mây, sẽ thấy có hình ảnh và âm thanh của mưa, sấm, gió… để các em mở rộng khả năng ngôn ngữ, kiến thức, đồng thời giúp các em ghi nhớ tốt hơn về hiện tượng đời sống xung quanh.
Kho sách nói với lời kể sinh động, truyền cảm, giúp trẻ cảm nhận như đang được nghe bố mẹ mình kể truyện hàng ngày.
Ông Xuân Hoàng - đại diện đơn vị xây dựng kho truyện - cho biết, xuất phát từ nhu cầu bản thân mà ông muốn xây dựng ứng dụng truyện tương tác. Là ông bố của 3 con, ông luôn cảm thấy thiếu thời gian dành cho các con nhỏ.
“Đọc truyện trên sách giấy cùng con là tuyệt vời nhất. Nhưng không phải lúc nào bố mẹ cũng có nhiều thời gian đọc sách bên con”, ông Hoàng nói. Xuất phát từ thực tế ấy, kho truyện tiếng Việt tương tác được xây dựng nhằm cung cấp những câu chuyện được trình bày theo cách cha mẹ kể chuyện cho con.
Ứng dụng kho truyện tiếng Việt tương tác hướng tới bạn đọc nhỏ. |
Theo bà Phan Hồ Điệp, những câu chuyện ngọt ngào trên mạng nếu được kể theo cách hấp dẫn sẽ thu hút sự quan tâm của trẻ, tránh trẻ tự do tiếp cận những thông tin nguy hại trên mạng Internet, giống như vụ quái vật Momo vừa qua.
Từ kinh nghiệm thực tế nuôi dạy con, bà Phan Hồ Điệp kể khi Nhật Nam còn nhỏ, buổi tối bà luôn dành thời gian đọc truyện cho con. Thời gian cùng đọc sách luôn là “buổi tối thần tiên” của cả hai mẹ con.
Việc đọc sách với con không chỉ giúp trẻ giải trí, kể những câu chuyện mang tính giáo dục, gắn chặt tình mẫu tử, mà còn giúp con gợi mở kiến thức, phát triển ngôn ngữ. Bà Điệp nói, các ứng dụng của kho truyện sẽ dần có thêm tính năng đặt câu hỏi sau mỗi câu chuyện kể, bởi những câu hỏi khéo léo có thể gợi mở, tăng khả năng tư duy cho con trẻ.