Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm sâu sắc quan hệ chiến lược: Trường hợp VN - Singapore

Việc đi từ số lượng sang chất lượng, dần dần làm sâu sắc một cách thực chất các mối quan hệ đối tác chiến lược, đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam.

Cho đến nay, sau khi đã xây dựng 15 mối quan hệ đối tác chiến lược với nhiều đối tác khác nhau, thì việc đi từ số lượng sang chất lượng, dần dần làm sâu sắc một cách thực chất các mối quan hệ đối tác này, nhất là trong lĩnh vực hợp tác quân sự – chiến lược, đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam.

Thực tế, nhiều nước sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác quân sự với Việt Nam, nhưng Việt Nam dường như chưa sẵn sàng, một phần do nguồn lực, nhưng quan trọng hơn là do yếu tố chính sách cũng như tâm lý khi e ngại việc hợp tác quân sự với các đối tác nếu đi quá nhanh sẽ càng làm quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thực hiện mục tiêu trên mà vẫn không phá vỡ các giới hạn chính sách mà Việt Nam đặt ra lâu nay?

Bài viết này sẽ thảo luận câu hỏi này, đồng thời đề xuất một vài biện pháp nhằm vượt qua thách thức trên, tập trung vào trường hợp quan hệ Việt Nam – Singapore như một ví dụ điển hình.

Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore: Nền tảng vững chắc

Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore, được thiết lập nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Lý Hiển Long đến Việt Nam vào tháng 9/2013, đến nay đã bước sang năm thứ ba. Quan hệ chính trị song phương đã được củng cố theo thời gian, với sự hợp tác chặt chẽ và tham vấn định kì giữa các bộ ngành chính phủ hai nước. Bên cạnh đó, sự hợp tác chiến lược giữa hai nước, cũng như với các nước thành viên ASEAN khác, đang giúp định hình cấu trúc an ninh khu vực. Dù quan hệ đối tác vẫn còn ở giai đoạn phát triển ban đầu, song nó có nền tảng mạnh mẽ và tiềm năng để trở thành một công cụ hữu ích giúp hai nước thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình, đặc biệt là trong hợp tác chiến lược và quốc phòng.

Năm 2005, hai nước đã ký một Hiệp định Khung về Kết nối hai nền Kinh tế làm nền tảng chung cho hợp tác kinh tế song phương. Kể từ đó, hiệp định khung này đã tạo thuận lợi cho nhiều dự án đầu tư quan trọng khác nhau của các công ty Singapore vào Việt Nam. Đến tháng 6/2015, tổng vốn đầu tư lũy kế của Singapore vào Việt Nam đã đạt 33 tỷ USD, đưa Singapore trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam. Trong khi đó, thương mại hai chiều cũng tăng trưởng trung bình hơn 12% mỗi năm, đạt 20,4 tỷ USD vào năm ngoái. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore.

Bên cạnh đó, hai nước cũng có sự tin cậy lẫn nhau cao khi giới chức cấp cao hai nước giữ mối liên hệ gần gũi. Giao lưu nhân dân cũng được củng cố. Khoảng 8.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở Singapore. Quốc đảo này cũng là một điểm đến phổ biến của du khách Việt Nam.

Hợp tác quốc phòng: Sáng kiến tuần tra chung chống cướp biển và hợp tác huấn luyện

Gần đây, hợp tác quốc phòng cũng được thúc đẩy. Chẳng hạn, hai bộ quốc phòng đang trao đổi các chuyến thăm định kỳ của giới chức cấp cao và tiến hành đối thoại chiến lược quốc phòng thường niên. Các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương khác cũng được mở rộng, bao gồm các lĩnh vực như huấn luyện, gìn giữ hòa bình, chống cướp biển, chống khủng bố và tìm kiếm cứu nạn.

Dù vậy, hợp tác quốc phòng và chiến lược như vậy vẫn ở mức khiêm tốn. Do bản chất tương đối nhạy cảm của hợp tác quốc phòng, những ý tưởng mới nên được đưa ra và thảo luận để tạo thuận lợi cho sự ra đời của những hình thức hợp tác mới có thể được hai bên chấp nhận.

Một ý tưởng nên được cân nhắc là tiến hành tuần tra chung chống cướp biển dọc các tuyến vận tải biển (SLOCs) giữa Singapore và Việt Nam. Ý tưởng này chưa từng được đặt ra trước đây do được xem là không phù hợp hoặc không cần thiết. Dù vậy, gần đây đã xảy ra một số vụ cướp biển nhằm vào các tàu thương mại trên các tuyến vận tải biển này. Chẳng hạn, tháng 12/2014, tàu VP ASPHALT 2 của Công ty Vận tải Xăng dầu Việt Nam chở 2.300 tấn nhựa đường lỏng từ Singapore đến cảng Gò Dầu của Việt Nam đã bị cướp biển tấn công khi cách bờ biển Singapore khoảng 60 hải lý. Trong vụ việc này, một thủy thủ Việt Nam đã bị bắn chết. Trước đó hai tháng, tàu dầu Sunrise 689 của Việt Nam cũng bị tấn công khi cách Singapore khoảng 120 hải lí về phía Đông Bắc.

Những sự vụ đó khiến việc hai nước cân nhắc tuần tra chung nhằm củng cố an ninh hàng hải trong khu vực là cần thiết. Các cuộc tuần tra chung như vậy nên dựa vào kinh nghiệm của Singapore trong việc tiến hành tuần tra chung với Malaysia và Indonesia ở eo biển Malacca, và có thể mở rộng cho nhiều nước khác tham gia, đặc biệt là Malaysia và Thái Lan. Nếu được thực hiện, việc tuần tra này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho tàu thuyền các nước liên quan, mà còn cho cả tàu thuyền các nước khác đi qua khu vực phía Nam Biển Đông.

Một ý tưởng khác cũng đáng cân nhắc là củng cố hợp tác song phương trong huấn luyện và diễn tập chung. Do Singapore có diện tích nhỏ, Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) đã có các thỏa thuận huấn luyện với nhiều nước, trong đó có Australia, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nam Phi, và Mỹ. Thông qua các thỏa thuận này, Singapore có thể gửi lính ra nước ngoài theo các khóa huấn luyện kéo dài. Việt Nam và Singapore có thể cân nhắc một thỏa thuận tương tự. Do khoảng cách gần với Singapore và kinh nghiệm thực chiến phong phú, Việt Nam có thể là một đối tác hữu ích cho Singapore trong vấn đề này.

Thực tế, Singapore từng yêu cầu Việt Nam giúp huấn luyện tác chiến rừng núi, song Việt Nam không thể hiện quan tâm, có thể do lo ngại sự hợp tác như vậy có thể làm mếch lòng các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, do sự quyết đoán gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược với các đối tác lớn, lần này Việt Nam nên xem xét ý tưởng trên. Trong bất kỳ trường hợp nào, một cách tiếp cận minh bạch và quy mô vừa phải của sáng kiến cũng sẽ giúp đảm bảo với các nước láng giềng về đặc tính kĩ thuật thuần túy và mang tính hòa bình của thỏa thuận đó.

Do nguyên tắc của Việt Nam là không cho phép quân đội nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ của mình, một thỏa thuận song phương về lực lượng nước ngoài thăm viếng (Visiting Forces Agreement) cũng có thể cần được ký kết để tạo cơ sở pháp lý cho sáng kiến nêu trên và làm nổi bật bản chất tạm thời và triển khai luân phiên của thỏa thuận.

Tại sao lại là Singapore và hai sáng kiến trên?

Đối với Việt Nam, việc phát triển quan hệ quốc phòng với các đối tác thường được cho là “nhạy cảm”, khi có thể bị Trung Quốc diễn dịch là một bước đi nhắm vào nước này, qua đó càng làm quan hệ song phương căng thẳng hơn, một điều mà Việt Nam có thể muốn tránh. Việc hợp tác với Singapore và thực hiện hai sáng kiến trên có thể “đi vòng” qua được trở ngại này.

Thứ nhất, Singapore mặc dù có sức mạnh quân sự đáng kể so với các nước trong khu vực nhưng không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Điều này khiến việc Trung Quốc diễn dịch hợp tác Việt Nam – Singapore nhắm vào Trung Quốc là thiếu cơ sở.

Thứ hai, dù không phải là một bên tranh chấp Biển Đông, nhưng là một nước phụ thuộc nhiều vào thương mại đường biển, Singapore có lợi ích trong việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua ít nhiều làm Singapore lo ngại. Điều này mang lại thêm một mẫu số chung giúp tạo thuận lợi cho hợp tác song phương.

Thứ ba, cả hai sáng kiến trên đều có cơ sở tự nhiên và hợp lý, khó có thể bị diễn dịch là các hành động chống lại một bên thứ ba. Ví dụ, việc hai bên tuần tra chung chống cướp biển là do thực tế đã có các vụ cướp biển diễn ra, không phải vô cớ mà tiến hành. Tương tự, việc Việt Nam tiếp nhận và hợp tác huấn luyện với binh lính Singapore là do đặc điểm địa lý khách quan của Singapore. Singapore cũng đã có các dàn xếp tương tự với các nước khác, trong đó có các quốc gia trong khu vực như Malaysia hay Indonesia. Việc Việt Nam tiếp nhận binh lính Mỹ hay Nhật vào huấn luyện lâu ngày có thể là một vấn đề, nhưng tiếp nhận binh lính Singapore thì không.

Cuối cùng, hai sáng kiến trên có tính bổ trợ cho nhau. Việc tuần tra chung chống cướp biển có thể có lợi cho Việt Nam hơn, ngược lại dàn xếp huấn luyện có thể có lợi cho Singapore hơn. Vì vậy nếu xem xét hai sáng kiến cùng lúc dưới hình thức một “gói” hợp tác thì khả năng đạt được tiếng nói chung giữa hai bên sẽ cao hơn.

Kết luận: Tầm nhìn về lâu dài

Tóm lại, Việt Nam và Singapore đã và đang thành công trong thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện song phương, dựa trên các nền tảng kinh tế, chính trị và chiến lược. Tuy nhiên, điều quan trọng với hai nước là cần tìm kiếm những biện pháp mới, táo bạo và thực chất hơn để tiếp tục tăng cường quan hệ, đặc biệt khi khuôn khổ đối tác chiến lược đã được thiết lập cách đây hai năm. Với ý chí chính trị mạnh mẽ và tầm nhìn hướng đến tương lai, hai nước sẽ có thể cùng nhau đạt được những thành tựu ý nghĩa hơn không chỉ cho mình mà còn vì lợi ích khu vực.

Về phần Việt Nam, hợp tác quốc phòng với Singapore thông qua các hình thức như đã nêu trên nếu thành công có thể là một hình mẫu cho Việt Nam trong việc làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược với các nước khác trong tương lai.

Tuy nhiên, về dài hạn Việt Nam cần thu hẹp định nghĩa về tính chất “nhạy cảm” trong hợp tác quốc phòng. Hợp tác quốc phòng chỉ nên được coi là “nhạy cảm” khi mang tính khiêu khích rõ ràng với bên thứ ba, hoặc được thực hiện mà không có căn cứ để biện minh một cách xác đáng. Chỉ như vậy thì Việt Nam mới có thể có những hợp tác quốc phòng thực chất, rộng mở, và đa dạng để đáp ứng được các nhu cầu chiến lược của mình.

Rốt cuộc, chúng ta không thể theo đuổi các mục tiêu tự mâu thuẫn, vừa muốn có chiếc bánh trên tay vừa muốn ăn nó. Tương tự, các mối quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam sẽ khó đi vào thực chất nếu các biện pháp hợp tác quốc phòng có chiều sâu cứ được mặc định là mang tính “nhạy cảm”.

http://nghiencuuquocte.net/2015/11/30/quan-he-chien-luoc-truong-hop-singapore/

Theo Lê Hồng Hiệp/Nghiên Cứu Quốc Tế

Bạn có thể quan tâm