Với độ lùi của thời gian và ngày càng có nhiều nguồn tư liệu (như báo chí xưa được số hóa) đưa lên mạng diện rộng, cho phép khai thác trực tuyến, thời gian qua đã có nhiều tác phẩm viết về Hoàng hậu Nam Phương được xuất bản, góp phần làm sáng tỏ chân dung của Hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam.
Sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ảnh: MC. |
Vị hoàng hậu của thời đại mới qua cách tiếp cận của người viết sử
Tuy nhiên, cuộc đời của Hoàng hậu Nam Phương vẫn còn nhiều bí ẩn do trong các tác phẩm được xuất bản còn tồn nghi nhiều chi tiết, sự kiện thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, hay những thông tin được thêu dệt thành giai thoại không có bằng chứng rõ ràng. Thậm chí còn có những thông tin còn được đặt dưới góc nhìn có phần cảm tính, phiến diện.
Với mong muốn làm rõ những chi tiết / thông tin còn chưa đúng về cuộc đời của Hoàng hậu Nam Phương cũng như Vua Bảo Đại, hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã tiến hành sưu tầm, khảo cứu, xác minh, kiểm chứng thông tin về hai nhân vật lịch sử có cuộc đời khác biệt và chiếm được khá nhiều sự quan tâm của công chúng này.
Bằng cách tiếp cận của người viết sử, hai tác giả đã dành ra 3 năm trời ròng rã để thực hiện nhiều chuyến đi thực tế đến những nơi lưu dấu Hoàng hậu (những nơi Hoàng hậu đi qua và sinh sống) để gặp gỡ nhân chứng và hậu duệ những người cùng thời, đồng thời truy tìm tài liệu gốc có liên quan từ các Trung tâm Lưu trữ, Thư viện quốc gia của Việt Nam và Pháp.
Trên cơ sở nguồn tài liệu sưu tầm, được chắt lọc, đối chiếu, kiểm chứng cẩn thận, hai tác giả đã viết nên cuốn Theo dấu chân Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại, tái hiện chân dung Hoàng hậu Nam Phương một cách khách quan nhất trong khả năng có thể.
Cuốn sách không chỉ dựng lại cuộc đời và chân dung của Hoàng hậu Nam Phương - một vị hoàng hậu của thời đại mới, với những hình ảnh chưa từng thấy trong triều đình nhà Nguyễn, đồng thời làm rõ những chi tiết còn tồn nghi, thiếu chính xác có phần lặp đi lặp lại, rất phổ biến về lai lịch của Hoàng hậu, cũng như ngày sinh và gia thế của cha bà - ông Nguyễn Hữu Hào.
Cuốn sách cũng đề cập những chuyện ít biết về quãng đời 16 năm của Hoàng hậu Nam Phương trên đất Pháp (1947-1963) như những cố gắng hàn gắn tình cảm của bà với vua Bảo Đại sau một loạt những biến cố đã đẩy hai người trở thành vị vua và hoàng hậu cuối cùng của triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam. Chuyện quản lý tài sản và giao thiệp của Hoàng hậu với giới thượng lưu Pháp. Cách Hoàng hậu một mình nuôi dạy 5 người con. Đời sống tình cảm nhiều muộn phiền, những năm cuối đời lặng lẽ và cái chết đột ngột…
Xác minh nhiều chi tiết liên quan đến tiểu sử Hoàng hậu
Theo hai tác giả, hầu hết sách / bài viết về Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam đều lặp đi lặp lại những chi tiết không đúng liên quan đến tiểu sử của bà. Theo các sách / bài viết này bà là cháu ngoại ông Lê Phát Đạt, một trong bốn người giàu nhất Nam Kỳ. Ông Lê Phát Đạt thuộc một gia đình Công giáo lâu đời, người đã xây cất nhà thờ Huyện Sỹ, là cháu chắt của thánh tử đạo Lê Văn Gẫm; thân phụ của bà là ông Nguyễn Hữu Hào, một đại điền chủ có ruộng đất trải dài hầu hết tỉnh miền Nam.
Hai chị em Agnès Nguyễn Hữu Hào và Mariette Nguyễn Hữu Hào trên Tạp chí Le Monde colonial illustré, năm 1934. |
Để xác minh lại những chi tiết không đúng này, hai tác giả đã về xứ đạo Thánh Gẫm, quê hương của thánh tử đạo Mathier Lê Văn Gẫm. Tại đây, họ gặp một số gia đình thuộc dòng họ Thánh Gẫm và được cung cấp Bảng gia phả của dòng họ này. Qua các cuộc tiếp xúc và tài liệu thu thập được, hai tác giả xác nhận ông Lê Phát Đạt không có họ gì với Thánh Lê Văn Gẫm, nhưng ông Nguyễn Hữu Hào thì lại thuộc dòng họ này.
Về thân phụ của Hoàng hậu, ông Nguyễn Hữu Hào, hai tác giả cũng xác nhận ông không sinh ra trong một gia đình đại điền chủ giàu có ở Gò Công, mà sinh ra trong một gia đình nghèo theo Công giáo, gốc ở làng Tân Hòa, thuộc địa phận Chợ Lớn, Sài Gòn ngày nay.
Ông mồ côi từ bé, vì sáng dạ nên được gửi đi học giáo lý sau đó về làm việc cho đại phú Lê Phát Đạt - ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu. Trong quá trình đó, ông đã tiếp xúc và đem lòng yêu bà Lê Thị Bình, từ đó mà hai chị em Nguyễn Hữu Thị Lan ra đời. Việc ông sở hữu đất đai, gia sản giàu có chỉ đến sau khi thành thân cùng bà Bình, chứ không có sẵn khi ông ra đời.
Về ngày sinh của Hoàng hậu Nam Phương, trên bia mộ của bà ghi là ngày 14/11/1913, trong khi ngày 4/12/1914 lại được đa số mọi người công nhận. Để xác minh chính xác lại ngày sinh của Hoàng hậu hai tác giả tra lục lại thông tin trong Sổ khai sinh của Tòa đốc lý thành phố Sài Gòn năm 1913 trích trong hồ sơ của Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại về Aix-en-Provence, Pháp. Sổ khai sinh số 130 ghi: Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào sinh ngày 14 tháng 11 năm 1913 lúc 5 giờ 15 phút (các tác giả tra thêm ngày âm lịch là 17/10), con của Nguyễn Hữu Hào và Marie Lê Thị Bình.
Ngoài ra hai tác giả cũng có thêm nhiều bằng chứng khác khẳng định Hoàng hậu Nam Phương sinh ngày 14/11/1913 đó là: Sổ rửa tội tại Thánh đường Sài Gòn 1913, Bản sao giấy khai tử lập ngày 16/9/1963, do Thị trưởng Henri Bosselut, viên chức hộ tịch ký cùng người khai, Thái tử Bảo Long…
Còn về ngày sinh đề năm 1914, theo hai tác giả là do các nhà chấm số tử vi của triều đình thấy tuổi của Hoàng hậu quá gần với tuổi vua Bảo Đại nên đã cho Hoàng hậu trẻ đi một năm, mà vẫn giữ nguyên ngày sinh theo âm lịch là 17/10 (tương ứng với với ngày 4/12/1914).
Chuyện ít biết về quãng đời 16 năm của Hoàng hậu Nam Phương trên đất Pháp
Trong cuốn sách, hai tác giả cho biết trong khoảng 6 năm (tính từ ngày Hoàng hậu Nam Phương dẫn con sang Pháp, năm 1947), ông Bảo Đại qua Pháp 5 lần, mỗi lần vài tháng. Sau lần ghé Pháp vào tháng 6/1950 của ông, bà Nam Phương mang thai. Đối với bà Nam Phương đó là niềm hy vọng lớn sau những ngày “một thân một mình tựa như bị bỏ rơi, tứ phía chất chồng những lo toan”.
Trong bức thư viết ngày 30/11/1950 bà Nam Phương đã tưởng tượng đến một ngày gia đình đoàn tụ. Tuy nhiên chỉ hai tuần sau thì bà rơi vào tình trạng hoang mang gần như tuyệt vọng.
Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ảnh trên bìa sách. |
Vài ngày sau bà Agnès Didelot (chị gái bà Nam Phương) đã viết thư báo cho ông Bảo Đại biết ngày 6/12, em bà bị xuất huyết nặng, phải đưa vào bệnh viện. Bác sĩ phải mổ khẩn cấp để cứu sống người mẹ, nhưng không cứu được bào thai. Theo các bác sĩ nguyên nhân dẫn đến tai nạn này là do tinh thần suy sụp của bà Nam Phương.
Trong cuốn sách, hai tác giả đã tiết lộ khối tài sản đồ sộ của bà Nam Phương sở hữu vào những năm 1950 và mối giao thiệp rất rộng của bà đối với giới thượng lưu Pháp.
Về tài sản, tác giả cho biết, bà có một trang trại lớn 200 ha ở Nam-Kivu, Congo thuộc Pháp và nhà cửa đất đai tại Haute-Volta và Senegal. Một mẩu tin nhỏ trong tờ báo xuất bản tại Rabat đầu năm 1952 cho biết Hoàng hậu có mua lại của một nhà quý tộc lớn của Pháp là Bá tước Paris một dinh thự tại cây số 10 trên quốc lộ 25 dẫn vào thủ đô Rabat (Maroc).
Không có tài liệu nào cho biết cơ quan hay cá nhân nào phụ trách quản lý tài sản đồ sộ của Nam Phương, nhưng trong nhiều trường hợp, đích thân bà đi lo công việc và nhiều lần sang Genève bằng xe hơi để rút những khoản tiền mặt lớn...
Hoàng hậu Nam Phương cũng là người hào phóng, nhân dịp sinh nhật 44 tuổi của ông Bảo Đại ngày 22/10/1957, bà mua tặng chồng một chiếc xe thể thao nhỏ 4 chỗ ngồi hiệu Ferrari màu xanh biển. Chiếc xe này được bán đấu giá tới 51,7 triệu đôla. Tác giả sách đặt câu hỏi Hoàng hậu nghĩ gì khi tặng chồng một món quà sinh nhật, dù ông đã rời xa bà nhiều năm. Có lẽ Hoàng hậu vẫn âm thầm để một cánh cửa chờ đợi chồng về.
Cũng năm 1957, đã xảy ra một vài biến cố quyết định, ông Bảo Đại quen một người phụ nữ trẻ người Pháp tên Christiane Carcenac đã có chồng con. Hoàng hậu Nam Phương sức khỏe vốn không tốt, đã quyết định rời bỏ Cannes và xã hội xa hoa thuộc về quá khứ mà bà muốn lãng quên, tìm chỗ cư ngụ, kín đáo và yên tĩnh.
Tháng 3/1959, thông qua một công ty tư nhân bà đã mua lại trang trại La Perche vùng Corrèze, Chabrignac và sống lặng lẽ tại đây cho đến khi mất đột ngột vào ngày 15/9/1963.
Còn về phần vua Bảo Đại, sách cũng cho biết những cố gắng của ông trong việc cải cách triều chính; giây phút ông thoái vị và thời gian ông làm cố vấn Chính phủ lâm thời... Sách cũng tìm hiểu xác minh những mối tình của cựu hoàng, người con thứ 13, và những năm tháng buồn tẻ cuối đời của ông…
Tóm lại, với cách tiếp cận của của người viết sử, hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã khéo léo dựng lại chân dung và cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu một cách khách quan nhất có thể.
Mặc dù, còn tồn tại một số chi tiết hoặc mốc thời gian cần phải xem xét lại, cuốn sách đã góp thêm một góc nhìn mới, xác thực về Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Từ đó sách giúp minh định thêm những chi tiết vẫn còn thiếu sót hay thiếu chính xác, được huyền thoại hóa về hai nhân vật lịch sử có cuộc đời khác biệt và chiếm được khá nhiều sự quan tâm của công chúng này.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.