Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Câu chuyện đằng sau 73 thư tay Hoàng hậu Nam Phương gửi Vua Bảo Đại

Tác giả Phạm Hy Tùng cho rằng việc công bố thư riêng tư của Hoàng hậu Nam Phương là một cách ngăn chặn những thông tin chưa được kiểm chứng về bà.

Nam Phuong hoang hau anh 1

Thư tay của Hoàng hậu Nam Phương do tác giả Phạm Hy Tùng sưu tầm. Ảnh: Q.M.

Hoàng hậu Nam Phương qua những tư liệu chưa công bố do tác giả Phạm Hy Tùng biên soạn và công bố (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) giới thiệu nội dung 87 bức thư, chủ yếu các bản dịch những bức thư tay bằng tiếng Pháp của Hoàng hậu Nam Phương (73 bức) gửi vua Bảo Đại, trong khoảng thời gian từ ngày 31/8/1946 đến 23/3/1954.

Đây là những tài liệu gốc mà tác giả sách có được trong quá trình sưu tầm tài liệu. Nhân dịp cuốn sách mới phát hành, tác giả có một số chia sẻ về quá trình thực hiện cũng như quan điểm của ông khi công bố những bức thư viết tay này.

Những bức thư chứa đựng tình cảm của Hoàng hậu Nam Phương

- Vì sao ông viết sách “Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố”? Lý do ông công bố hàng chục thư viết tay của Hoàng hậu Nam Phương gửi vua Bảo Đại?

- Tôi thích đọc sử và đã đọc hơn chục cuốn sách của các tác giả trong và ngoài nước viết về Hoàng hậu Nam Phương và cựu hoàng Bảo Đại.

Tôi nhận thấy có những sách vẫn còn có những chỗ nói chưa đúng về đời tư Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại - hai nhân vật lịch sử mà số phận đã xui khiến họ nắm tay nhau trở thành dấu chấm hết của chế độ phong kiến Việt Nam.

Do vậy tôi thấy cần phải viết về họ, nhất là trong vài năm trở lại đây càng ngày càng xuất hiện nhiều thông tin, trong đó có những thông tin chưa được kiểm chứng (không có bằng chứng, hoặc hiện vật cụ thể), phát tán rất nhanh chóng trên các trang mạng. Điển hình, có cả cái gọi là “Thư tình đánh ghen 66 chữ” xuất hiện cách nay vài năm dựa vào “Thư đánh ghen dài 51 chữ” mà tôi đã đề cập ở trong cuốn sách.

Nam Phuong hoang hau anh 2

Tác giả Phạm Hy Tùng. Ảnh: QM.

- Những bức thư ông công bố có nguồn gốc ở đâu, tìm thấy khi nào và được xác định giá trị tài liệu ra sao?

- Từ hơn một năm nay tôi bắt đầu viết hồi ký với ý định để lại cho con cháu, kể lại nhiều chuyện, trong đó có chuyện tôi đam mê sưu tập (không chỉ riêng cổ vật). Tôi sưu tập nhiều tư liệu, trong đó có tư liệu liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Về tư liệu, trước kia tôi sở hữu khá nhiều, chứng cứ là hiện nay tôi đang lưu giữ “Thư cám ơn” do Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh ký tên, đóng dấu đề ngày 27 tháng 6 năm 2011, ghi rõ “Bảo tàng Hồ Chí Minh chân thành cảm ơn ông... ngụ tại... đã tặng Bảo tàng hơn 200 đơn vị hiện vật có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ do ông sưu tầm trong nhiều năm qua”.

Hiện nay tôi vẫn còn giữ một số văn bản có chữ viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số lãnh tụ cách mạng khác. Ngoài ra còn giữ hơn một chục thư và 7 tập “Di ngôn” viết tay của nhà văn hóa Vương Hồng Sển (1902-1996) trao cho tôi; khoảng chục thư cũng viết tay của cố Giáo sư Hà Văn Tấn (1937 - 2019)… Ngoài ra bảo tàng Vĩnh Long hiện trưng bày 1 chiếc kính đeo mắt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) thường dùng trong thời chống Mỹ và vài văn bản có chữ viết tay chỉnh sửa của ông cũng do tôi biếu tặng...

Đương nhiên trong hồi ký của mình tôi sẽ kể rõ về quá trình sưu tập các nội dung kể trên, chuyện nợ nần, vay mượn trả lãi hay xin xỏ, đổi chác ra sao để có được các sưu tập phẩm, sở hữu vào thời điểm cụ thể nào, hoặc chuyện cách nay 1/4 thế kỷ bản thân mình vì sự cảm phục, kính trọng và cả sự thương xót một người rồi tự nguyện trong hơn hai tháng, hàng ngày đưa cơm, nhiều khi lau rửa cho ông khi ông nằm liệt giường, xương thịt lở loét... để rồi bất ngờ được ông ban cho những thủ bút ra sao...

- Đánh giá của ông về độ chân xác của những bức thư công bố trong cuốn sách này?

- Những tư liệu công bố trong sách này không phải do nhà văn nào sáng tác hay do nhà báo nào thuật lại, đó là những bức thư vợ gửi cho chồng, mẹ gửi cho con, chị gửi cho em đều mang tính riêng tư thầm kín, hoặc do bầy tôi gửi cho vua...

Do vậy nội dung của chúng chân xác tuyệt đối. Nó thể hiện tình cảm của bà Nam Phương, mẹ ruột và mẹ nuôi của Vua Bảo Đại, chị ruột bà Nam Phương hay sự tôn kính của cận thần của cựu hoàng là những người gửi thư. Ở chiều ngược lại nó giúp ta nắm bắt những thông tin mà người nhận thư - tức cựu hoàng Bảo Đại - đã đòi hỏi người viết thư cho ông phải phúc đáp.

Công bố thư để ngăn chặn những thông tin chưa được kiểm chứng

- Những bức thư này có tuổi đời khoảng trên 70 năm tuổi. Ông có thể chia sẻ thêm về tình trạng vật lý của chúng, cũng như sắp tới ông sẽ làm gì để bảo quản chúng lâu dài?

- Tất cả tư liệu mà tôi có (đã kể ở trên) nói chung còn nguyên vẹn, trừ một số không đáng kể chữ bị nhòe hay giấy bị rách. Những tư liệu này đều được phân loại riêng và đều để trong album.

- Dựa vào căn cứ nào ông xác định được và khẳng định đó là thư gốc?

- Tôi căn cứ vào phong bì đựng thư, tem dán trên phong bì thư, dấu bưu cục đóng trên các con tem, màu mực của các chữ viết, nơi đi và nơi đến mà dấu bưu cục thể hiện, rồi sau đó là chất liệu giấy làm phong bì, giấy viết thư, ngày, tháng, năm và địa danh ghi ở đầu thư, xưng hô của người gửi và người nhận thư, rồi đến nội dung các thư, văn phong thể hiện trong các thư.

Riêng nội dung các bức thư thì so sánh với tài liệu sử mình đã đọc và nội dung các ấn phẩm viết về bà Nam Phương và cựu hoàng mà mình dùng làm tài liệu tham khảo.

Nam Phuong hoang hau anh 3

Tác giả Phạm Hy Tùng và cuốn album lưu giữ các bức thư viết tay của Hoàng hậu Nam Phương. Ảnh: QM.

- Trong cuốn sách ông công bố chủ yếu bản dịch tiếng Việt các bức thư do cố Đại tá, nhà văn Lê Kim thực hiện (không bao gồm bản truyền đạt toàn văn tiếng Pháp). Ông có thể cho biết những bức thư này được dịch từ khi nào và chúng đã được hiệu đính ra sao?

- Những tư liệu tiếng Pháp kể trên được cố Đại tá Lê Kim (là em trai của mẹ tôi) dịch ra tiếng Việt cách nay gần hai chục năm. Trước đó khá lâu, khi có tập thư bà Nam Phương trong tay tôi chỉ dám đánh giá đó là tập thủ bút của một bà hoàng - tức là một dạng đồ cung đình - nên không khoe với ông vì không rõ nội dung ra sao.

Sau khi hai cuốn hồi ký của Sihanouk và Sainteny do ông dịch thuật được Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành năm 2004, tôi mới photo vài tư liệu mang ra Hà Nội nhờ ông dịch hộ.

Nào ngờ ông chăm chú đọc ngay và hơn 1 tiếng đồng hồ sau đã đưa ra lời đánh giá đây có thể coi là những tài liệu sử. Vậy là sau đó tôi photo toàn bộ rồi mang ra Hà Nội, mấy tháng sau ông gọi ra lấy bản dịch.

Còn nhớ lúc bàn giao, dịch giả có đưa ra nhận xét bà Nam Phương là người có lòng yêu nước, biết thương người nghèo. Hôm đó thói ích kỷ của người sưu tập đã xúi giục tôi vơ sạch bản photo các tư liệu này - mặc sự giành giật của dịch giả - rồi mang về khách sạch xé vụn và ngâm nước rồi bỏ vào thùng rác, làm như vậy để mình được độc quyền tư liệu.

Các bản dịch do dịch giả Lê Kim thực hiện chỉ phải hiệu chỉnh một vài chỗ không đáng kể và trong vài câu văn với nội dung không quan trọng lắm như địa danh, thời điểm.

- Ông có e ngại về việc công bố những tư liệu là thư riêng tư của người vợ gửi chồng hay không?

- Càng ngày tôi càng thấy việc công bố các tư liệu này là đúng và cần thiết. Việc công bố này để độc giả cảnh giác trước những thông tin chưa được kiểm chứng về những nhân vật lịch sử như Nam Phương trên Internet và có thể cả sách. Cho nên công bố những bức thư riêng tư này là một cách ngăn chặn những dụng ý nói sai đó.

Vua Bảo Đại cải chính danh hiệu của Nam Phương Hoàng hậu

"Hà Thành ngọ báo" số ra ngày 11/6/1934 trong mục "Tin Kinh đô" còn có tin về việc Hoàng đế Bảo Đại cải chính danh hiệu của Nam Phương Hoàng hậu.

Có gì trong 73 thư viết tay của Nam Phương gửi vua Bảo Đại mới công bố

Thông tin trong các bức thư của Nam Phương gửi Bảo Đại tiết lộ trong thời gian đầu sang Pháp bà đã được cựu hoàng chuyển tiền chi tiêu một số việc.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm