Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có gì trong 73 thư viết tay của Nam Phương gửi vua Bảo Đại mới công bố

Thông tin trong các bức thư của Nam Phương gửi Bảo Đại tiết lộ trong thời gian đầu sang Pháp bà đã được cựu hoàng chuyển tiền chi tiêu một số việc.

NPHH.jpg

Hoàng hậu Nam Phương và một bức thư gửi cho cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh: Tư liệu trong sách.

Nhận thấy tầm quan trọng của tư liệu gốc về các nhân vật lịch sử, đồng thời với hy vọng góp một phần nhỏ vào việc soi rọi chân dung của Nam Phương hoàng hậu, giúp làm sáng tỏ hoặc loại bỏ những nhận định chưa chính xác từ trước đến nay về bà, mới đây, tác giả Phạm Hy Tùng đã cho xuất bản cuốn Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố.

Khối tài sản của vua Bảo Đại

Trong cuốn sách này, tác giả đã công bố 87 bức thư, chủ yếu các bản dịch những bức thư tay bằng tiếng Pháp của hoàng hậu Nam Phương (73 bức), bà Charles - mẹ nuôi cựu hoàng Bảo Đại (7 bức), bà Agnes - chị ruột bà Nam Phương, có một số bức thư viết bằng chữ Quốc ngữ của Đức Từ Cung, một số bức thư chưa xác định được danh tính…, tất cả đều gửi cho Bảo Đại, trong khoảng thời gian từ ngày 31/8/1946 đến 23/3/1954.

Theo tác giả Phạm Hy Tùng, trong quá trình sưu tầm tài liệu liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, gồm tài liệu của phía ta và của những người phía bên kia, ông đã may mắn có được hơn 100 bức thư tay gửi cựu hoàng Bảo Đại. Hầu hết trong số này là thư của bà Nam Phương và các con viết ở Pháp, một số ít do người thân của bà viết ở Sài Gòn hoặc từ Pháp gửi đến Hong Kong, Trung Quốc hoặc gửi về Việt Nam cho Bảo Đại. Ngoài ra, còn có một số văn bản, tờ trình và hơn 100 bức ảnh ghi lại những hoạt động của cựu hoàng.

Cũng theo ông Tùng, tất cả thư được viết bằng tiếng Pháp kể trên đã được cố Đại tá, nhà văn Lê Kim dịch sang tiếng Việt. Sinh thời ông từng công tác tại báo Quân đội Nhân dân và là cộng tác viên thường xuyên của tạp chí Lịch sử quân sự.

Theo lý thuyết công bố (mang tính nguyên tắc), trước khi công bố tài liệu hoặc văn kiện nào đó, người làm việc này cần phải đặt những tài liệu vào trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Nói cách khác là đưa ra bối cảnh cho sự ra đời của những tài liệu đó. Và trong cuốn sách này tác giả Phạm Hy Tùng đã nêu đôi nét về bối cảnh ra đời của những bức thư qua đó giúp độc giả hiểu hơn về vị vua và hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, cũng như một giai đoạn đầy biến động của đất nước.

Theo đó, Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại kết hôn năm 1934 và có với nhau 5 người con. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, vua thoái vị. Ngày 2/9/1945, ông ra làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 3/1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh, nhưng khi công việc kết thúc, ông không về nước mà sống lưu vong. Đến năm 1949, Bảo Đại chính thức bắt tay với Pháp trở lại Việt Nam làm Quốc trưởng cho tới khi bị lật đổ năm 1954.

Ở chiều ngược lại, hoàng hậu Nam Phương, sau khi chia tay chồng, bà ở lại Huế một thời gian. Năm 1947, bà cùng các con rời Việt Nam sang định cư ở Pháp.

Theo những bức thư công bố trong sách, ngay khi vừa đến Hong Kong, Bảo Đại đã chủ động liên lạc ngay thân nhân ở Pháp và Việt Nam, với sự giúp đỡ của cựu Thống sứ Le Fol, ông đã hoàn thành các thủ tục hành chính nên Ngân hàng Đông Dương ở Pháp vốn đang giữ số tiền ký gửi rất lớn đã ủy thác cho chi nhánh ở Hong Kong chi trả cho ông.

Chưa hết, trong số 7 bức thư của bà Charles gửi cựu hoàng còn tiết lộ ông rất giàu có, sở hữu nhiều tài sản đắt giá và tiền mặt. Chẳng hạn như ngôi biệt thự số 13 ở đại lộ Lambelle ở Paris (mua năm 1939), lâu đài Thorenc ở Cannes được ông mua năm 1934…

Thông tin trong các bức thư của Nam Phương gửi Bảo Đại cũng tiết lộ, trong thời gian đầu sang Pháp bà đã được cựu hoàng khi đó đang lưu vong ở Hong Kong chuyển tiền chi tiêu một số việc.

Các bức thư của Nam Phương (thư viết ngày 26/4 và 30/11/1950) cũng khẳng định thêm Bảo Đại sở hữu nhiều bất động sản ở Cannes, Colombo, Nice, Côte d’Azuz và một cơ ngơi nữa ở Maroc.

Và trong thư ngày 30/11/1950, bà Nam Phương cũng tiết lộ bà “không có tiền”. Mọi việc mua sắm tu bổ các bất động sản sử dụng để ở hoặc để cho thuê và chi tiêu của 6 mẹ con trong những năm vừa qua đều do Bảo Đại chu cấp.

Tấm chân tình của Nam Phương hoàng hậu

image_50460929.JPG

Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố. Ảnh: MC.

Cũng theo những bức thư công bố trong sách, mối quan hệ giữa Nam Phương và Đức Từ Cung có thể không xảy ra tình trạng mâu thuẫn như những đồn đoán.

Bởi trong bức thư của một người chưa rõ họ tên gửi Bảo Đại ngày 23/11/1947, tâu trình với cựu hoàng rằng: “…M. tỏ ra hơi buồn sau khi đọc lá thư Ngài gửi vừa rồi, trong đó có những tin tức Ngài viết về cụ bà thân sinh. Tôi hy vọng việc điều trị cho cụ không khó khăn lắm”. Điều này cho thấy, sau khi đọc thư của chồng gửi riêng cho mình nói về tình hình sức khỏe bà Từ Cung, Nam Phương hoàng hậu đã rất lo lắng…

Mặt khác, trong thời gian ở Pháp, tuy xa cách về địa lý, bà Nam Phương vẫn thường xuyên liên lạc với Đức Từ Cung bằng thư từ. Qua đó, thể hiện lòng tôn kính của bà với mẹ chồng. Ở chiều ngược lại, Đức Từ Cung thể hiện lòng thương xót, xoa dịu nỗi nhớ nhà của con dâu và các cháu.

Về phía Nam Phương, từ ngày rời Việt Nam sang Pháp, sống với đàn con nhỏ bà đã lo lắng chu toàn việc gia thất. Tuy chiều con hưởng thụ vật chất song bà rất nghiêm khắc trong việc học của từng người. Tâm hồn bà cũng luôn thường trực lòng yêu quê hương đất nước. Bà cũng luôn thể hiện tình yêu và lòng kính trọng của mình với cựu hoàng.

Điều này được thể hiện ở cuối hầu hết thư, Nam Phương luôn bộc lộ tấm chân tình của mình với Bảo Đại, chẳng hạn như: “Cả nhà gửi đến Mình nhiều âu yếm” (thư viết ngày 27/6/1949); “Em thay mặt các con ôm hôn mình thắm thiết” (thư viết ngày 20/7/1949); “Mong chóng được gặp lại Mình với tất cả niềm thương” (thư viết ngày 16/11/1949); “Mình yêu quý, em và các con gửi tới mình tình cảm sâu nặng nhất (thư viết ngày 19/4/1950); “Mình yêu quý của em! Em ôm hôn mình với tất cả tình yêu sâu nặng”; “Em ôm hôn mình với tất cả tình yêu”…

Ở chiều ngược lại, cựu hoàng cũng tỏ ra thương yêu vợ con hết mực, chẳng những việc cúng giỗ, thăm viếng săn sóc mộ phần thân phụ của vợ chu đáo, mà còn thực hiện trợ cấp, thăm hỏi động viên mỗi khi bà Nam Phương đề nghị.

Bên cạnh những nội dung kể trên, những bức thư của Nam Phương công bố trong cuốn sách còn tiết lộ ngày sinh chính xác của bà (ngày 17/11/1913), sự chuẩn bị kỹ càng của Nam Phương (từ trang phục, tư thế, lời ăn tiếng nói) khi xuất hiện trước truyền thông sao cho xứng danh “bậc mẫu nghi thiên hạ”, phong thái nhẹ nhàng, đôi khi hóm hỉnh nhưng cũng tỏ ra kiên quyết của bà với chồng, sự bất mãn của bà với chính quyền Pháp…

Ngoài ra, trong sách cũng in một số bức thư của người khác viết, cho biết tình hình thời sự lúc bấy giờ, những tham vọng chính trị của cựu hoàng...

Tóm lại, 87 bức thư công bố trong cuốn sách đều là tư liệu gốc, tự chúng phản ánh tâm tư tình cảm của người viết. Đây là những tư liệu góp phần soi rọi chân dung của Nam Phương hoàng hậu và cựu hoàng Bảo Đại.

Vua Bảo Đại cải chính danh hiệu của Nam Phương Hoàng hậu

"Hà Thành ngọ báo" số ra ngày 11/6/1934 trong mục "Tin Kinh đô" còn có tin về việc Hoàng đế Bảo Đại cải chính danh hiệu của Nam Phương Hoàng hậu.

Nam Phương hoàng hậu từng ra Hà Nội và được Tản Đà tặng thơ?

Trong dịp thăm Bắc Hà đầu năm 1938, Nguyễn Tiến Lãng đã bàn với Phạm Lê Bổng, là giới nghệ sĩ Bắc Hà phải có cái gì làm quà văn nghệ để tặng Nam Phương hoàng hậu.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm