Thực phẩm là một trong những mặt hàng tăng mạnh nhất trong tháng 2. Ảnh: Reuters. |
Jesica Fernández từng tổ chức tiệc nướng thịt bò cùng 7 thành viên trong gia đình vào mỗi cuối tuần. Giờ đây, thịt bò không còn trong thực đơn và họ nhiều khả năng phải thay thế bằng mì Ý hoặc cánh gà. Chị cho biết tại đất nước Argentina yêu thịt bò, tiệc nướng giờ chỉ xuất hiện vào ngày sinh nhật hoặc dịp đặc biệt.
Theo AP, chị Fernández (31 tuổi) nằm trong số hàng triệu người Argentina phải vật lộn để kiếm sống, khi tỷ lệ lạm phát của Argentina lần đầu tiên vượt mức 100% kể từ năm 1991 vào tháng 2.
“Đồ nướng ư? Quên đi”
Chị Fernández đang mua sắm tại một khu chợ do thành phố Lomas de Zamora tài trợ, cách thủ đô khoảng 25 km. Tại đây, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cơ bản với giá rẻ để đổi lấy không gian bán lẻ miễn phí.
“Chúng tôi mua ít thịt bò và mọi thứ hơn. Trên thực tế, tôi không thể tự do mua những thứ xa xỉ như trước đây”, chị nói.
Theo CNN, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 đã tăng 6,6% so với tháng trước. Con số này cao hơn dự kiến, trong bối cảnh lạm phát hàng năm ở mức 2 con số trong thập niên qua.
Thực phẩm là một trong những mặt hàng tăng mạnh nhất trong tháng 2, tăng 9,8% so với tháng 1, một phần do hạn hán nghiêm trọng đẩy giá thịt và các thực phẩm khác lên cao.
Quầy cung cấp thực phẩm với giá thấp hơn siêu thị tại Buenos Aires, Argentina hôm 16/3. Ảnh: AP. |
“Tình hình rất khó khăn và mỗi ngày trở nên tồi tệ hơn”, Daisy Choque Guevara - 42 tuổi - cho biết.
Mabel Espinosa (37 tuổi) đang đi dạo quanh chợ cùng đứa con 10 ngày tuổi, Gael, với hy vọng tìm được những món hời đủ cho bản thân, chồng và 6 đứa con.
“Tiền không đủ mua bất cứ thứ gì”, chị nói. “Đồ nướng ư? Quên đi”.
Tổng thống Alberto Fernández phải vật lộn kìm hãm tỷ lệ lạm phát tăng vọt. Đây chắc chắn sẽ là vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống trước cuộc bầu cử vào tháng 10 tới.
Người Argentina từ lâu đã chứng kiến những đợt giá cả tăng cao, khó khăn hơn những nơi khác, vì xu hướng chính phủ in tiền tài trợ cho chi tiêu. Xu hướng này tăng nhanh trong đại dịch Covid-19 khi đồng nội tệ mất giá mạnh cũng đẩy giá cả lên cao hơn.
Bỏ ăn sáng, tối uống trà
Chính quyền Tổng thống Alberto Fernández nỗ lực kiềm chế giá cả leo thang thông qua các biện pháp kiểm soát giá, nhưng phần lớn thất bại. Nhiều người nói Argentina cần kế hoạch ổn định bao trùm hơn, gồm cả việc giảm mạnh chi tiêu.
Tuy nhiên, chị Espinosa không tin mọi thứ sẽ được cải thiện, ít nhất là trong thời gian ngắn: “Hôm nay bạn mua thứ gì đó với giá này và ngày mai là giá khác. Nhưng bạn vẫn phải chi tiền, vì bạn cần nó”.
CPI của Argentina trong tháng 2 đã tăng 6,6% so với tháng trước. Ảnh: Reuters. |
Mọi người phải cắt giảm mọi thứ có thể.
“Ví dụ, nếu trước đây tôi có thể mua hai hộp sữa chua, thì bây giờ tôi chỉ mua một hộp”, Roxana Cabrera - 38 tuổi - cho biết.
Mọi thứ không cần thiết đều được để lại cho lần sau.
“Ví dụ trước đây tôi mua quần áo, nhưng giờ thì không. Hiện tại, tôi chỉ mua thức ăn”, chị Cabrera nói.
Đối với một số người, các lựa chọn thậm chí còn hơn vậy.
“Chúng tôi không ăn tối”, Yanet Nazario - người sống cùng 3 đứa con và 7 đứa cháu tại một khu phố nghèo ở Buenos Aires - cho biết.
Chị mua bột mì và xà phòng tại một gian hàng được thành lập bởi tập thể trong khu phố. Tại đây, một số mặt hàng cơ bản bán với giá thấp hơn so với các cửa hàng.
Vào buổi tối, các điểm phân phát đồ ăn hiện chỉ dành cho những đứa trẻ, vì nhu cầu trở nên quá cao.
“Người lớn chúng tôi chỉ uống một tách trà” cho bữa tối, Nazario nói. “Ngày hôm sau chúng ta sẽ bỏ bữa sáng và ăn trưa”.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.