Dẹp hàng quán, mở xưởng làm đồ thờ
Gia đình anh chị Thiệp - Thắng đã dẹp quán cháo lòng, chuyển sang làm đồ thờ được gần chục năm nay. Quán cháo quê nhỏ bé của cha mẹ ngày xưa nay nhờ các con đổi nghề, đã trở thành ngôi nhà 4 tầng khang trang, diện tích gấp đôi gấp ba trước kia nằm ngay mặt đường tỉnh lộ dẫn vào làng nghề truyền thống đồ thờ, tượng phật Sơn Đồng. Nhà chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách nhưng không lúc nào ngớt việc. Đặc biệt, 6 tháng cuối năm luôn là thời gian bận bịu nhất, hoạt động hết công suất nhưng năm nào cũng phải tới chiều 30 Tết mới trả hết hàng.
Đây không phải trường hợp duy nhất. Người làng còn vui vẻ khoe chuyện gia đình anh Thắng trước kia chuyên bán vịt nay giàu lên nhờ chuyển sang làm đồ thờ. Anh Thọ, anh Bình và nhiều cặp vợ chồng trẻ khác trong làng đổi đời nhanh chóng nhờ quay về với nghề tổ.
Cơ sở chế tác đồ thờ, tượng phật Cường Thu nhà anh Thọ 3 năm nay đã làm hơn 200 bộ hoành phi, câu đối cho công trình xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo Bái Đính (Ninh Bình), chế tác nhiều pho tượng Hộ Pháp cao tới 6m. Nửa đầu năm nay, anh Thọ điều hơn 50 thợ lành nghề ra Trường Sa trong nhiều tháng ròng phục vụ công trình xây dựng 3 ngôi chùa mới tại đây. Anh cho biết: “Hiện nay công nghệ, máy móc thay thế sức người trong một số khâu vất vả nhưng 80% lượng công việc vẫn phải do thợ làm thủ công, đặc biệt ở những khâu chế tác, đục, chạm, sơn son thếp vàng - bạc cần độ tỉ mỉ, khéo léo của người thợ lành nghề”.
Các sản phẩm đồ thờ tại gia ngày càng đắt hàng. Ảnh: Diệp Sa. |
Khá đắn đo trước khi chia sẻ chuyện tế nhị về lợi nhuận, anh Thọ tâm sự: “Nghề này liên quan tới tâm linh, tín ngưỡng nên không thể nói sòng phẳng về giá cả, lợi nhuận. Tuy nhiên, mình làm nghề có tâm thì ắt được gia phúc gia lộc… Doanh thu tùy từng công trình có thể khác nhau nhưng ít nhất chiếm 10% giá trị công trình, còn lại trung bình vào khoảng 20 - 25%”.
Khác với sản xuất đồ thờ, lượng khách phụ thuộc vào thời vụ - thường từ tháng 8 tới cuối năm giáp Tết, công việc trùng tu, chế tác tượng phật lại diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, do đây là thị trường chuyên biệt nên câu chuyện đầu ra cho sản phẩm ngoài nhờ chất lượng tay nghề của người thợ còn phụ thuộc rất nhiều vào độ nhanh nhạy, thức thời của các chủ cơ sở.
Là một trong những học trò thế hệ đầu tiên của nghệ nhân tạc tượng nổi tiếng Nguyễn Đức Dậu, ông Tài, chủ cơ sở đồ thờ, tượng phật Hiền- Tài chia sẻ, thường các sản phẩm đồ thờ, tượng phật hiện nay được sơn son thếp bạc, nhưng nhiều gia đình có điều kiện đặt riêng làm sơn son thếp vàng. Trung bình tính riêng một bộ hoành phi câu đối sơn son thếp vàng sẽ tốn khoảng 8 chỉ vàng. Nói vậy để thấy chi phí cho một gian thờ có nhiều mức giá.
Ông Tài hé lộ, giá trung bình để làm một ban thờ gia tiên khoảng 50 triệu đồng, nhưng nếu sơn son thếp vàng có thể lên tới 300 đến 500 triệu đồng. “Thu nhập của người làm đồ thờ cũng vô cùng, khó có thể nói rõ ràng được nhưng một khi đã có tiếng thơm thì làm không bao giờ hết việc. Hiện nay ngoài các sản phẩm đồ thờ gia tiên, các phật tử ở khắp nơi còn tìm về Sơn Đồng đặt sản xuất nhiều tượng nhỏ để thờ tại gia với yêu cầu phải làm từ gỗ quý và kỹ thuật chạm khắc thủ công trình độ cao. Đó là cơ hội để các nghệ nhân tạc tượng phô diễn tay nghề và cơ hội để chúng tôi sống vui, sống tốt nhờ nghề”.
Thợ trẻ lành nghề được trả lương lên tới 15 triệu đồng/tháng. Ảnh: Diệp Sa |
Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng nay đã có nhiều đổi khác. Bên cạnh lớp nghệ nhân xuất sắc, người ta còn thấy cả một thế hệ thợ sơn, tạc trẻ trung, sức dài vai rộng, chí thú theo nghề tổ. Đặc biệt, bỏ qua lề lối cũ, người làng giờ đây còn sẵn sàng mở lòng đón nhận những thợ trẻ từ làng bên, các tỉnh tìm đến học nghề học việc.
Đức Anh, 19 tuổi, thợ học nghề tới từ Nam Định tâm sự: “Em biết tới làng nghề đục tượng Sơn Đồng từ lâu. Em tới đây học vì thích và mong học được để sau này có cuộc sống tốt hơn. Em mới theo nghề được gần 2 năm nhưng hiện tại lương tháng của em được trả khoảng 7 triệu, tính ra lương cao và ổn định hơn nhiều nghề khác”.
“Không phân biệt thợ làng hay thợ ngoài, đối với những thợ trẻ có tay nghề, tôi trả lương lên tới 15 triệu/ tháng và cũng không giới hạn ở mức đó. Thợ trẻ vừa có sức vừa có chí, cần khuyến khích họ gắn bó với nghề”, anh Thọ chia sẻ.
Ông Nguyễn Viết Hùng, phó chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, vừa qua, thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề nghị sử dụng thương hiệu tập thể “Làng nghề truyền thống sơn, tạc tượng Sơn Đồng” và logo làng; website làng nghề cũng hoạt động nhiều năm nay. Theo ông, với sự “đồng bộ” này chắc chắn Sơn Đồng sẽ còn tiến xa và nhanh chóng có nhiều đổi thay tích cực về kinh tế, văn hóa tại địa phương.