Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh doanh hoài niệm thời bao cấp

Đánh vào tâm lý hoài niệm thời bao cấp, nhiều chủ kinh doanh dốc tâm sức trang trí cửa hàng như thời mậu dịch, để thu hút khách hàng.

Anh Nguyễn Quang Minh (Ba Đình, Hà Nội) là người tiên phong mở cửa hàng ăn uống theo mô hình mậu dịch trên phố Nam Tràng, Ba Đình, Hà Nội. Anh giải thích, tên quán cũng như không gian nơi đây là cửa hàng mậu dịch, còn gọi là cửa hàng bách hoá trong thời bao cấp ở Việt Nam trước đây. “Trong thời buổi kinh tế khó khăn, cạnh tranh hiện nay thì chính những điểm đặc biệt và khác lạ của quán mới là bài thuốc hay”, anh nói.

Do không gian độc đáo với những đồ trang trí có tuổi đời 30-40 năm nên quán thu hút được rất nhiều khách hàng. Những vật dụng còn sót lại từ thời kỳ 1976 - 1986, như chiếc xe phượng hoàng, chiếc quạt tai voi, tivi, đài cát-sét… được anh Minh trang trí bắt mắt. Anh cho biết, vốn để đầu tư cho quán không quá cao.

Không gian quán được bài trí khá độc đáo bằng những đồ vật thời bao cấp.

Giá món ăn tại quán dao động từ 30.000 - 100.000 đồng. Điều đặc biệt, chính hình thức gọi món bằng phiếu ăn giống như ngày xưa cũng tạo ấn tượng với khách hàng. Anh cho biết: “Ngoài những khách hàng là người trung tuổi muốn sống lại thời hoài niệm, đối tượng khách hàng là giới trẻ cũng khá đông”.

Mô hình kinh doanh mậu dịch của anh Minh cũng được các thế hệ 9x như Nguyễn Minh Trang và nhóm bạn ở Trần Phú, Hải Phòng ăn theo khá thành công. Thiết kế không gian thời bao cấp được bày trí với TV đen trắng, đài cassette, xe đạp ba-gác, quạt cóc, … nhóm bạn này kinh doanh đồ ký gửi và bán kèm đồ uống. Hàng ký gửi ở đây phong phú như: quần áo, đồ nội thất, đồ bếp, đồ trang trí, điện tử cho đến đồ giải trí, đồ hiệu.  “Cửa hàng xây dựng theo mô hình mậu dịch không tốn kém lại dễ thu hút khách. Mỗi ngày, khách hàng ở nhiều lứa tuổi tìm đến chật cứng quán”, Trang chia sẻ.

Gian hàng ký gửi trang trí kiểu cổ điển này rất hút khách.
Quán cà phê do anh Trung, một thành viên trong nhóm phụ trách cũng khá hút khách. Không gian và vật dụng đậm thời bao cấp với bàn ghế cổ, TV đen trắng, quạt, đèn, tranh treo tường,…đều là những kỷ vật từ những năm 70, 80.

Cũng vì nét đặc biệt này nên dù quán có giá thành nhỉnh hơn bên ngoài nhưng vẫn đông khách ghé thăm. Chị Nguyễn Thị Hoài Anh, một khách hàng quen chia sẻ, điều thú vị khiến chị thích đến đây là uống nước được ngồi ghế salon thời xưa, bật quạt con cóc, nghe nhạc băng cát sét và đọc sách cũ, cứ như sống lại thời bao cấp.

Khách đến chật cứng tại quán mậu dịch.

Đầu tư không khó, nhưng để kinh doanh theo mô hình mậu dịch, các chủ hàng phải bỏ công sức sưu tầm đồ cũ. Anh Trung cho rằng, khó nhất là sưu tầm những kỷ vật có tuổi đời trên 30-40 năm. “Những đồ cũ rất khó tìm mua, nên ban đầu phải huy động bạn bè "gom" trong gia đình và liên hệ những người thân quen”, anh nói.

Bên cạnh đó, những đồ vật có tuổi đời khá lâu rất dễ bị hỏng,  nên công đoạn bảo quản và giữ gìn đòi hỏi phải thật cẩn thận, và cũng phải thường xuyên đầu tư sửa chữa để lưu giữ được lâu hơn.

Phương Nhung

Bạn có thể quan tâm