Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Làm gì để tiền ngoại tìm về chứng khoán Việt?

Khối ngoại bắt đầu giải ngân mua ròng cổ phiếu Việt gần đây với giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với giá trị đã bán ra từ đầu năm, con số này không đáng kể.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch đầy thận trọng khi thanh khoản toàn thị trường chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tính riêng trên HoSE, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong tuần qua chỉ đạt 15.000 tỷ đồng và thậm chí chưa đến 13.000 tỷ đồng nếu không tính phiên giao dịch bùng nổ hôm 16/8.

Trong bối cảnh các nhóm nhà đầu tư chờ đợi thị trường xác nhận xu hướng và e ngại giải ngân, khối ngoại lại nổi lên như "tia sáng cuối đường hầm" khi mạnh tay gom cổ phiếu. Trên quy mô toàn thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 1.000 tỷ đồng lũy kế trong 5 phiên giao dịch gần nhất.

Nhưng, trong suốt 33 tuần của năm 2024, đây mới là tuần thứ 3 khối ngoại mua ròng với giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Mặt khác, tổng giá trị bán ròng mà nhóm này xả ra thị trường đã tiến dần lên mốc 70.000 tỷ đồng, tương đương 2,8 tỷ USD.

Tiền ngoại chảy đi đâu?

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Chứng khoán VPBankS, tin rằng dù chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch nhưng động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tác động phần nào tới tâm lý và các quyết định của nhà đầu tư nội địa.

Vài năm trở lại đây, sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ, tỷ giá đã tác động đáng kể tới hành động của nhà đầu tư ngoại, qua đó kích hoạt làn sóng tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu.

"Những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những thị trường hiệu quả hơn như Mỹ, châu Âu...", ông Sơn chia sẻ.

chung khoan hom nay,  tran hoang son vpbanks,  tien ngoai di dau anh 1

Khối ngoại "bắt đáy" khoảng 1.000 tỷ đồng tuần qua nhưng con số này không đáng kể so với giá trị bán ra từ đầu năm. Ảnh: TradingView.

Theo vị chuyên gia, thời gian Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao lâu hơn dự kiến làm trầm trọng thêm áp lực tỷ giá tại những thị trường đang phát triển. Điều này khiến các quỹ đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để quay về những tài sản an toàn hơn tại Mỹ.

Trong năm 2023, các thị trường đang phát triển như Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Trung Quốc... đều chứng kiến làn sóng rút lui của khối ngoại, điển hình như Thái Lan thâm hụt hơn 5 tỷ USD. Trên sàn HoSE, nhóm này thậm chí bán ròng suốt 10 tháng.

Áp lực bán ròng một phần còn đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra trên một số quỹ ETF lớn. Phần lớn các quỹ ETF chịu áp lực rút vốn trong năm nay, tập trung nhiều nhất ở 3 quỹ lớn là DCVFM VNDiamond, Fubon FTSE Vietnam ETF, SSIAM VNFin Lead.

Trong vòng gần 8 tháng đầu năm, dòng tiền rút ra thông qua kênh ETF đạt 16.943 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng tài sản quỹ.

Loạt rào cản ngăn tiền ngoại

Theo nhà quản lý chiến lược thị trường tại VPBankS, việc triển khai chậm trễ hệ thống giao dịch KRX làm dấy lên lo ngại trong một bộ phận nhà đầu tư chứng khoán về khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, vị chuyên gia khẳng định đây là mối lo ngại không cần thiết hay đáng có.

Bởi lẽ, việc chuyển đổi hệ thống giao dịch chứng khoán không phải tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI làm căn cứ đánh giá.

chung khoan hom nay,  tran hoang son vpbanks,  tien ngoai di dau anh 2

Chuyên gia VPBankS cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia thị trường Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Trước hết, một trong những hạn chế mà cả FTSE hay MSCI đều đề cập với thị trường Việt Nam chính là cơ chế ký quỹ trước khi giao dịch (prefunding).

Vấn đề thứ 2 Việt Nam cần đáp ứng liên quan tỷ lệ sở hữu và mức độ minh bạch, bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, những ngành nghề được khối ngoại quan tâm thường có "room" hạn chế, trong khi số doanh nghiệp nới "room" lên 100% không nhiều do bị ràng buộc bởi các luật liên quan và một phần do sự không đồng tình của cổ đông.

Một vấn đề khác là thủ tục đăng ký cấp mới cho nhà đầu tư nước ngoài còn mất nhiều thời gian. Các quy định, văn bản pháp lý về thị trường chứng khoán và công bố thông tin của doanh nghiệp bằng tiếng Anh còn hạn chế và chưa đạt chuẩn quốc tế IFRS về báo cáo tài chính.

Làm gì để vốn ngoại nhập cuộc?

Ông Trần Hoàng Sơn cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, việc chậm trễ đáp ứng các điều kiện để xem xét nâng hạng sẽ không phải nguyên nhân chính và cũng sẽ không tác động nhiều đến kỳ vọng của nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, khối ngoại bán ròng liên tục qua từng quý đang là điểm đáng chú ý. Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục tăng trưởng, Việt Nam vẫn được coi là nền kinh tế hấp dẫn, tăng trưởng nhanh, thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhà nước cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ IPO và niêm yết thông qua giảm chi phí thủ tục, ưu đãi giảm thuế cho các doanh nghiệp mới niêm yết

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS

Đây cũng là tiềm năng giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư gián tiếp nói chung và qua thị trường chứng khoán nói riêng thông qua việc tăng cả về số lượng và chất lượng hàng hóa trên sàn; hỗ trợ các thủ tục, kỹ thuật giúp nhà đầu tư nước ngoài giao dịch dễ dàng hơn.

Về hàng hóa trên sàn, vị chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam cần huy động thêm các công ty niêm yết có quy mô lớn từ nhiều nguồn khác nhau như doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh chất lượng, thị trường cũng cần tăng số lượng mã cổ phiếu thông qua việc tạo cơ chế thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp FDI niêm yết.

Về các yếu tố kỹ thuật, các cơ quan chức năng đang nỗ lực cải tiến thủ tục để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút thêm dòng vốn gián tiếp nước ngoài cần thêm các biện pháp đột phá về thủ tục, công bố thông tin.

Chứng khoán tăng mạnh nhất 10 tháng

Với mức tăng gần 29 điểm, VN-Index vừa có phiên giao dịch tốt nhất kể từ tháng 11/2023. Nhịp đi lên cũng giúp chỉ số chính phục hồi toàn bộ thiệt hại trong nửa tháng qua.

Thanh khoản chứng khoán cạn kiệt

Giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ ở mức 13.000 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu năm. Sự thiếu vắng dòng tiền khiến VN-Index dễ dàng rơi xuống dưới tham chiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài gom cổ phiếu trở lại

Sau các chuỗi bán ròng kéo dài hàng tháng, khối ngoại đã đẩy mạnh giải ngân trở lại và mua ròng khoảng 1.000 tỷ đồng suốt 4 phiên gần nhất.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm