Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm gì để giới trẻ gạt bỏ tâm lý ngại kết hôn, không muốn có con?

"Muốn thúc đẩy thanh niên kết hôn sớm, Chính phủ cần thực hiện các cải cách khác liên quan đến an sinh, phúc lợi xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới", TS Khuất Thu Hồng nhận định.

Chính sách khuyến khích thanh niên lấy vợ trước 30 tuổi và phụ nữ sinh 2 con trước 35 tuổi đang trở thành chủ đề quan tâm của nhiều người. Ngoài những khía cạnh về dân số, chính sách này cũng phần nào đặt ra những vấn đề về tâm lý xã hội của giới trẻ hiện nay, khi nhiều người ngại kết hôn sớm hoặc không muốn có con.

Trao đổi với Zing, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng chính sách phù hợp với thực tiễn của đời sống và nhằm hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn khi có nền dân số cân bằng. Tuy nhiên, muốn thúc đẩy thanh niên thực hiện chính sách này, Chính phủ cần lên phương án thực hiện một loạt các cải cách khác liên quan đến an sinh, phúc lợi xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới.

Zing ghi lại quan điểm của bà.

Ngai ket hon anh 1

Ngày 26/4, khi hết hạn giãn cách xã hội, Nguyễn Tuân và Phương Phương bắt đầu chụp ảnh cưới và chuẩn bị cho hôn lễ dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.


Nhiều người trẻ không muốn kết hôn sớm

Xu hướng hẹn hò và kết hôn của giới trẻ hiện nay rất khác so với trước kia. Ngày nay, giới trẻ bước vào chuyện yêu đương, hẹn hò ngay cả khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, tức là sớm hơn so với thế hệ trước rất nhiều.

Mặc dù vậy, thông qua các nghiên cứu cũng như quan sát của mình, tôi nhận thấy thanh niên lại ngày càng có xu hướng kết hôn muộn, đặc biệt là những người đang sinh sống ở thành phố.

Kết hôn muộn trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn là bởi giới trẻ hiện nay thường ưu tiên sự nghiệp, học hành và sống theo chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn. Trước khi nghĩ tới một tổ ấm, họ cần đảm bảo công việc của mình đã ổn định, nhà cửa đàng hoàng và kinh tế vững chắc.

Các cơ hội học hành, việc làm, lập nghiệp, du lịch cũng mở ra ngày càng nhiều, khiến giới trẻ ưu tiên việc trải nghiệm và phát triển kinh tế, hơn là nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình. Theo đó, sau khi kết hôn, mọi người hầu hết đều có một cuộc sống khác khi phải gánh vác các vai trò khác nhau, gánh nặng về kinh tế sẽ nặng nề hơn nếu sinh con. Do đó, nhiều người lựa chọn việc kết hôn muộn để đảm bảo một cuộc sống thật vững chắc trước khi lập gia đình.

Tuy nhiên, tôi cho rằng xu hướng này không nhằm phủ nhận một sự thật đó là người Việt Nam vẫn luôn hướng đến gia đình, thích kết hôn và thích có con cái. Hiện, những người có ý định không kết hôn và kết hôn nhưng không có con chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong xã hội.

Vì vậy, chính sách khuyến khích thanh niên kết hôn sớm trước 30 tuổi không hề thiếu tính thực tiễn. Ngoài việc kêu gọi hành động để duy trì tính ổn định của dân số, chính sách này cũng mang tính dự báo nhằm đề phòng trường hợp trong tương lai, tỷ lệ người không thích kết hôn và không thích có con có thể tăng lên.

Phụ nữ cần được giải phóng ra khỏi các trách nhiệm

Theo tôi, mặc dù là một chính sách về dân số, nhưng nếu xét trên phương diện xã hội học, chính sách này cũng đặt ra nhiều vấn đề về xã hội và về giới trong quá trình thúc đẩy thanh niên hành động.

Cụ thể, nếu muốn thanh niên thực hiện việc kết hôn ở độ tuổi mà Chính phủ mong muốn, chắc chắn Nhà nước phải có các chính sách tạo điều kiện về việc làm tốt hơn, có những chế độ về nhà ở, đảm bảo thu nhập cho các gia đình.

Ngoài ra, các chi phí về y tế, giáo dục cũng cần được đảm bảo thì nhiều người mới mong muốn được kết hôn. Nếu chỉ kêu gọi đơn thuần nhưng những chính sách về phúc lợi, an sinh xã hội không được cải thiện thì chính sách không thể đạt hiệu quả.

Mọi người đều rất thực tế. Ai cũng phải xem xét là mình đã có nhà chưa, đã có các khoản tiền để chuẩn bị cho việc hôn nhân, nuôi con, cho con đi học như thế nào,… thì mới nghĩ đến chuyện kết hôn.

Mức sống của người dân cũng ngày càng cao nên việc khuyến khích người dân kết hôn sớm cũng cần đi kèm các điều kiện để đảm bảo mọi người có một cuộc sống ổn định sau hôn nhân.

Ngai ket hon anh 2

Theo chuyên gia, phụ nữ cần được đảm bảo việc chia sẻ các trách nhiệm về chăm sóc con cái và nhà cửa sau khi kết hôn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc khuyến khích có con ngay sau khi kết hôn và phụ nữ đẻ 2 con trước 35 tuổi nhưng vẫn duy trì những khuôn mẫu đã cũ, thì vô hình trung chính sách này đang tạo ra những gánh nặng cho người phụ nữ.

Không chỉ sinh con, việc chăm sóc con cái và người già trong nhà cũng được mặc định là của phụ nữ. Do đó, sau khi kết hôn, phụ nữ có những trách nhiệm về chuyện sinh con, thu vén nhà cửa trong khi vẫn phải đi làm để kiếm tiền.

Nếu người đàn ông không thể chia sẻ việc nhà với vợ, đồng thời không có sự thúc đẩy nào về việc thay đổi quan niệm về bình đẳng giới, phụ nữ sẽ không thể giải phóng ra khỏi những trách nhiệm khuôn mẫu như trên. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ ngại kết hôn và sinh con.

Chính sách khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 vô tình tạo ra một mức trần cho giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ. Nhiều người phụ nữ muốn phấn đấu cho sự nghiệp, nhưng giờ lại khuyến khích họ đẻ con sớm thì cuối cùng, việc này sẽ tạo ra khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới. Bình đẳng giới sẽ không bao giờ đạt được.

Theo tôi, nếu như chính sách kết hôn và có con sớm được đẩy mạnh, thì nên có cả những giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới đi kèm. Vì nếu không phải ràng buộc thì phụ nữ không việc gì phải cưới sớm, đẻ con sớm. Cũng như đàn ông, họ sẽ dành thời gian để phát triển bản thân, sự nghiệp trước.

Chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc

Dưới góc nhìn của tôi, chính sách này thể hiện việc Chính phủ quan tâm đến dân số của Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới, bởi có những bằng chứng cho thấy mức sinh rất thấp ở một số khu vực.

Nếu không có sự điều chỉnh, tỷ lệ dân số già ở Việt Nam sẽ rất cao trong khoảng 10-20 năm nữa. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế do lực lượng trong độ tuổi lao động ít đi. Trong khi đó, các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người già sẽ tạo ra một gánh nặng về kinh tế cho các gia đình.

Ở các quốc gia phát triển, Chính phủ có rất nhiều chính sách khuyến khích người dân sinh thêm con như giảm thuế, hưởng trợ cấp hàng tháng cho mỗi đứa con sinh ra,... Tương tự, Việt Nam cũng đang đưa ra các chính sách khuyến khích việc kết hôn, sinh con nhằm đối mặt với xu hướng nhân khẩu học về việc già hóa dân số trong tương lai.

Ngai ket hon anh 3

Nhiều quốc gia phát triển khuyến khích người dân sinh thêm con bằng cách giảm thuế, tăng trợ cấp hàng tháng cho mỗi gia đình. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, chính sách này chắc hẳn sẽ khiến một số bộ phận người dân băn khoăn. Bởi lẽ, những vấn đề như kết hôn hoặc sinh đẻ đều là chuyện của mỗi cá nhân, mọi người có quyền tự quyết định vấn đề đó của mình thay vì được quy định trong chính sách.

Dù vậy, người dân cần hiểu rằng chính sách được đưa ra dưới góc độ của người quản lý đất nước, với mong muốn tạo ra một nền dân số cân bằng. Do đó, chính sách này chỉ có vai trò khuyến khích, kêu gọi và thúc đẩy, chứ không có ý nghĩa bắt buộc.

Mỗi người có quyền hành động theo ước muốn của mình. Tùy vào những kế hoạch cá nhân, mọi người có quyền tự quyết định việc kết hôn hoặc sinh con vì không có chính sách nào ép buộc chúng ta phải thực hiện việc đó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sớm kết hôn, sinh con.

Mục tiêu của Chương trình nhằm tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao. Ngoài ra, chính sách này còn hướng đến việc đảm bảo chất lượng dân số, nguồn nhân lực, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Theo thông tin được Tổng cục Thống kê công bố ngày 19/12/2019, dân số Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, cứ 1 người phụ thuộc có 2 người đi làm nhưng tốc độ già hóa đang tăng nhanh. Tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên ở mức cao, chỉ số già hóa 48,8%, tăng 2 lần so với năm 1999. Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất.

Những quốc gia tha thiết mong người dân sinh thêm con

Đan Mạch, Canada, Nhật Bản đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích người dân sinh con như miễn thuế, gian hạn các khoản vay, thậm chí hỗ trợ hàng nghìn USD.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm