Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng mỗi phụ nữ cần sinh tối thiểu 2 trẻ thì quốc gia mới đạt ngưỡng tỷ lệ sinh thay thế. Tỷ lệ sinh ở mỗi quốc gia là một số liệu quan trọng, tác động trực tiếp đến tương lai của đất nước từ nguồn lao động, chất lượng lao động, đến chất lượng dân số.
Tuy nhiên, do tác động thay đổi nhận thức từ phía người dân so với trước kia, cùng với những áp lực về kinh tế, xã hội, tỷ lệ sinh ở hầu hết quốc gia đều suy giảm. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, hơn 80 quốc gia trên thế giới hiện nay không đạt tỷ lệ sinh thay thế.
Các nước này chủ yếu trong nhóm kinh tế phát triển ở các khu vực bắc Âu, Bắc Mỹ. Một số quốc gia có tỷ lệ sinh thấp đáng báo động như Đan Mạch đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ đẻ nhiều hơn.
Giảm thuế, hỗ trợ tiền mặt hàng nghìn USD mỗi tháng
Đan Mạch từng đưa ra khẩu hiệu: "Nếu bạn không định có con cho gia đình thì hãy làm thế vì đất nước" - quốc gia thuộc vùng Scandinavia ở bắc Âu là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới (xấp xỉ 1,8 trẻ ở mỗi phụ nữ).
Theo The Independent, một công ty du lịch ở nước này thậm chí còn đưa ra những gói khuyến khích đẻ vô cùng độc đáo. Theo đó, gia đình nào chứng minh được đứa con của mình được thụ thai trong khoảng thời gian sử dụng gói du lịch của công ty này, em bé sẽ được trợ cấp hoàn toàn cho 3 năm đầu tiên.
Nga cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất châu Âu, chỉ trên dưới 1,5. Tỷ lệ này thập chí còn tụt xuống mức nguy hiểm vào những năm 1990 khi nhiều phụ nữ không sinh con. Tình hình được cải thiện, nhưng đến năm 2007, tỷ lệ sinh lại sụt giảm nghiêm trọng.
Theo Independent, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho mời ban nhạc đình đám Boyz II Men tới Moscow để biểu diễn vào đêm Valentine nhằm truyền cảm hứng để các cặp đôi ở nước này sinh con.
Quốc gia này cũng chọn ngày 12/9 hàng năm làm Ngày Nhận thức (hay còn gọi là ngày sinh sản). Những người phụ nữ sinh con vào đúng 9 tháng sau (ngày 12/6) sẽ nhận được 1 chiếc tủ lạnh.
Nga đang là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất châu Âu và trên toàn thế giới. Ảnh: Bloomberg. |
Cùng với đó Chính phủ Nga cũng hỗ trợ bằng tiền mặt, các khoản vay dài hạn đối với những gia đình nghèo. Mỗi gia đình nhận được khoảng 200 USD/tháng (4,6 triệu đồng) cho đến khi đứa con đầu tiên được 18 tháng tuổi. Khi sinh người con thứ hai, mỗi gia đình sẽ nhận được 1 khoản tiền khoảng 7.600 USD (175 triệu đồng) cùng với việc hỗ trợ gia hạn các khoản vay để mua nhà, xe hơi, miễn trừ nhiều loại thuế.
Đối với các gia đình có con thứ 2, mức hỗ trợ này sẽ kéo dài 3 năm, sinh con thứ 3, thời hạn hỗ trợ sẽ kéo dài 5 năm. Tỷ lệ lãi suất ngân hàng để vay mua nhà sẽ được giảm từ 10% xuống còn dưới 6%.
Giảm giá dịch vụ trông trẻ, chăm sóc sức khỏe
Nhật Bản là nước có tuổi thọ trung bình thuộc top cao nhất thế giới, nhưng tỷ lệ sinh vô cùng thấp, ảnh hưởng bởi văn hóa công nghiệp và làm việc đến kiệt sức có từ lâu đời. Tỷ lệ sinh ở nước này chỉ còn 1,43 vào năm 2018 khiến nước này lâm vào cuộc khủng hoảng già hóa dân số.
Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Nhật Bản ra nhiều chính sách hỗ trợ, giảm giá các dịch vụ sinh nở, chăm sóc trẻ em, giảm giá thành, tăng chất lượng các dịch vụ trông giữ trẻ, khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh, bà bầu, chăm sóc sau sinh. Việc này giúp các gia đình nghèo được tiếp cận dịch vụ tốt hơn và không sợ phải đẻ.
Dù là một nước đông dân nhưng Nhật lại đang đối diện nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai. Ảnh: Telegraph. |
Các công ty, doanh nghiệp và cơ quan được yêu cầu tạo điều kiện cho phụ nữ được nghỉ sinh, hỗ trợ khi quay trở lại làm việc.
Theo Global News, Canada cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người dân sinh con và nuôi dạy con cái. Theo đó, gia đình có thu nhập từ 30.000 CAD/năm trở xuống (khoảng 300 triệu đồng), sẽ được hỗ trợ 6.400 CAD/năm (khoảng 106 triệu đồng). Từ đứa con tiếp theo, mỗi gia đình nhận được thêm tối đa 5.400 CAD (khoảng 90 triệu đồng).
Ngoài ra, nước này cũng có chính sách sinh sản, chăm sóc sức khỏe gần như miễn phí đối với công dân. Toàn bộ chi phí sinh sản, khám chữa bệnh sau sinh, cho cả người lớn và trẻ em đều được nhà nước chi trả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sớm kết hôn, sinh con.
Thủ tướng yêu cầu bãi bỏ các quy định liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên; rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, đặc biệt là các quy định xử lý vi phạm chính sách dân số hiện hành.
Thủ tướng yêu cầu bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trên cơ sở phân tích các yếu tố. Hay việc khuyến khích cán bộ, đảng viên sinh đủ 2 con; các địa phương có mức sinh cao thì cố gắng không để sinh con thứ 3.
Mục tiêu của chương trình nhằm tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao. Ngoài ra, chính sách này còn hướng đến việc đảm bảo chất lượng dân số, nguồn nhân lực, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.