Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm đường nứt nhà dân: Không dùng tiền ngân sách đền bù

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định không thể dùng tiền ngân sách để bồi thường cho việc thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, khiến nhà dân bị ảnh hưởng.

Sáng 14/12, phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải quyết bồi thường cho nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng, do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết tổng hợp sơ bộ báo cáo của các chủ đầu tư, nhà đầu tư, ban quản lý dự án tại 31 dự án, ước tính gần 36.000 hộ dân bị ảnh hưởng, với dự kiến kinh phí đền bù nằm ngoài trách nhiệm bảo hiểm do chủ đầu tư mua gần 167 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc bồi thường cho các hộ dân có nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết dứt điểm. Điều này dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, làm hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Dan bi anh huong vi mo rong quoc lo 1 anh 1
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

"Đặc biệt, việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ từ nguồn kinh phí ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án, để chi trả bồi thường thiệt hại chưa được quy định trong các văn bản luật cũng như nghị định của Chính phủ", ông Nguyễn Văn Thể nói.

Do đó, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, cho phép Bộ Giao thông Vận tải sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để chi trả bồi thường ảnh hưởng của việc thi công nói trên.

Trách nhiệm xử lý thuộc Chính phủ

Góp ý về việc này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng thi công mà ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà dân phải có bồi thường. Ông đặt câu hỏi: "Nhưng, vấn đề là trách nhiệm ở đâu và đồng tiền ở đâu?".

Theo ông Phan Thanh Bình, việc thi công dự án trên phải được đặt ra khi thực hiện dự án. Chính phủ biết ảnh hưởng nhà dân ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng mà vẫn giao nhà thầu làm thì đó là trách nhiệm của Chính phủ.

"Ngược lại, Chính phủ không biết mà nhà thấu biết mà vẫn thi công thì trách nhiệm của nhà thầu. Nhà thi công khi nhận thi công thì phải mua bảo hiểm, nếu không mua đủ thì là do mình và phải chịu", ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Dan bi anh huong vi mo rong quoc lo 1 anh 2
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận. Ảnh: Quochoi.vn

Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ý kiến của đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc thi công dự án trên gây thiệt hại cho dân cần được đền bù, xử lý, giải quyết thấu đáo.

Nội dung Chính phủ trình không thuộc thẩm quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà là trách nhiệm của Chính phủ. "Đây thuộc về trách nhiệm dân sự giữa nhà đầu tư, nhà thầu và người dân nên giải quyết theo Luật Dân sự. Luật này không thuộc hoạt động ngân sách nên ngoài phạm vi của ngân sách nhà nước. Nếu, chúng ta cứ dùng ngân sách sẽ dẫn tới rất nhiều dự án, công trình khác cũng tạo tiền lệ không hợp lý", ông Phùng Quốc Hiển nói.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương giải trình, cùng sự giám sát của HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội hướng dẫn rõ cho người dân biết để xử lý, tạo sự đồng thuận cao.

Làm đường nứt nhà dân, xin đền bằng ngân sách

Việc đền bù lún nứt do thi công quốc lộ 1A, quốc lộ 14 là vấn đề tồn đọng khiến hàng nghìn hộ bức xúc, đơn thư khiếu nại. Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép dùng ngân sách đền bù.


Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm