Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm đường nứt nhà dân, xin đền bằng ngân sách

Việc đền bù lún nứt do thi công quốc lộ 1A, quốc lộ 14 là vấn đề tồn đọng khiến hàng nghìn hộ bức xúc, đơn thư khiếu nại. Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép dùng ngân sách đền bù.

Theo các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT, thực trạng lún nứt nhà dân dọc tuyến quốc lộ (QL) 1A và QL 14 diễn ra trên diện rộng với hàng chục nghìn hộ. Đơn cử, QL 1A từ TP Thanh Hoá đến Nghi Sơn dài khoảng 23 km nhưng có hơn 3.600 hộ yêu cầu đền bù lún nứt.

Đại diện Ban Quản lý dự án 1 thuộc Bộ GTVT (PMU 1, quản lý dự án này) cho hay: Khi thi công đã yêu cầu nhà thầu hạn chế lu cường độ mạnh, làm rãnh dọc bên đường để “tắt rung” nhưng hiện tượng lún nứt nhà dân vẫn xảy ra.

“Trước đây, xe lu công suất nhỏ, nhà dân thưa nên lún nứt không nhiều. Nay máy lu lớn, nhà dân tiến sát đường nên lún nứt nhiều hơn, không tiên lượng hết” - đại diện Ban này nói.

Lam duong nut nha dan anh 1
Công nghệ thi công với máy móc cỡ lớn và sức ép tiến độ dự án được coi là nguyên nhân gây lún nứt nhà dân (ảnh chụp QL 1A đoạn qua Thanh Hoá trong quá trình thi công). 

Hợp đồng bảo hiểm thi công đoạn tuyến này chia làm 3 gói, ký với Bảo hiểm Dầu khí (PVI) và Bảo Việt có điều khoản đền bù lún nứt nhà dân nhưng khống chế ở mức 9,5 tỷ đồng/gói (Hợp đồng bảo hiểm sự cố trên chính tuyến, phần bảo hiểm lún nứt nhà dân là điều khoản bổ sung, khuyến mại của công ty bảo hiểm).

Khi sự cố lún nứt nhà dân xảy ra nhiều, thiệt hại hơn 31 tỷ đồng, hai nhà bảo hiểm trên chỉ chấp nhận đền bù hơn 15 tỷ đồng (nhà thầu chịu thêm một phần nhỏ). Dù PMU 1 nhiều lần tranh luận căng thẳng nhưng phía bảo hiểm vẫn bảo lưu quan điểm thực hiện theo hợp đồng vì thua lỗ nặng (tổng giá trị mua bảo hiểm đoạn tuyến là hơn 3 tỷ đồng, đền bù 15 tỷ đồng).

Số tiền thiếu để đền bù cho các hộ dân đoạn tuyến này (14 tỷ đồng) vừa được PMU vay tạm các nhà thầu để chi trả trước.

PMU Thăng Long cũng bị mắc kẹt trong vấn đề bồi thường lu rung tại dự án qua tỉnh Phú Yên. Dù thiệt hại không nhiều như Thanh Hoá (7 tỷ đồng trên chiều dài 60 km), nhưng chi phí Bảo hiểm PVI chi trả theo hợp đồng chỉ là 5 tỷ đồng.

“Nội dung chính của hợp đồng bảo hiểm chỉ chi trả cho sự cố cho công trình chính tuyến, có trong chi phí xây dựng. Phần lu rung là chúng tôi thương thảo thêm, không có trong dự toán kinh phí dự án” - ông Vũ Ngọc Dương, Phó Tổng giám đốc PMU Thăng Long cho hay.

Xử lý tình thế

Không phải đến nay, tình trạng đền bù lu rung mới gây bức xúc. Quá trình thi công, người dân nhiều địa phương có nhà bị lún nứt đã ngăn không cho thi công vì chưa nhận được đền bù.

Để kịp tiến độ, Bộ GTVT nhiều lần phải đứng ra cam kết đền bù, phối hợp với địa phương để bảo vệ thi công. Thậm chí, khi dự án gần xong, một số nơi, người dân không cho nhà thầu hoàn thiện vỉa hè, mương nước vì lo nhà thầu, chủ đầu tư không đền bù.

Sau khi dự án đưa vào sử dụng, Bộ GTVT liên tục chịu sức ép từ chính quyền các địa phương về vấn đề đền bù lu rung. Thậm chí, UBND tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi còn đệ trình lên Thủ tướng, đề nghị bố trí nguồn kinh phí để đền bù cho người dân.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay: Về nguyên tắc, việc đền bù rung nứt nhà dân trong quá trình thi công được tính vào bảo hiểm công trình. Thực tế, khi triển khai dự án, các đơn vị bảo hiểm đã tích cực kiểm đếm và chi trả đền bù cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, số lượng nhà dân bị ảnh hưởng bởi rung nứt vượt quá trách nhiệm chi trả của bảo hiểm.

Theo ông Trường, vì vậy, Bộ GTVT buộc phải tìm cách để xử lý tình huống này. Cụ thể, ngày 6/9 vừa qua, lãnh đạo bộ này có công văn gửi Thủ tướng kiến nghị cho phép sử dụng nguồn kinh phí giải phóng của dự án để chi trả đền bù, hỗ trợ nhằm chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng (ngoài phần thuộc trách nhiệm của bảo hiểm đã chi trả).

Trước đó, vào tháng 6 và tháng 8/2015, Bộ GTVT cũng trình văn bản tương tự để các bộ ngành có ý kiến. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình với quan điểm của Bộ GTVT cho rằng, các quy định trước đây chưa đủ cơ sở để mua bảo hiểm đầy đủ cho bên thứ 3 (nhà của người dân bị ảnh hưởng).

Bộ Xây dựng cũng đồng tình với đề nghị của Bộ GTVT (đền bù bằng chi phí giải phóng mặt bằng dự án). Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Bộ TN-MT đề nghị thực hiện đúng theo hợp đồng bảo hiểm. Chính vì vậy, vấn đề đền bù lu rung cho hàng nghìn hộ dân đến nay vẫn chưa có lối thoát.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/lam-duong-nut-nha-dan-xin-den-bang-ngan-sach-1051812.tpo

Theo Sỹ Lực/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm