Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm 2 nghề vẫn không đủ sống ở Anh

Heidi (27 tuổi) sinh sống và làm cùng lúc 2 công việc tại thành phố Southampton, Anh. Tổng thu nhập của cô chỉ đủ để mua sắm những vật dụng sinh hoạt cơ bản.

Công việc chính thức của Heidi là nhân viên viết nội dung quảng cáo. Làm việc 40 giờ/tuần, cô được trả mức lương 19.000 bảng Anh/năm (tương đương 570 triệu đồng).

Ngoài ra, mỗi tuần, cô dành 4-10 giờ để làm nhân viên pha chế và phục vụ bàn tại một quán rượu với mức lương khoảng 9,50 bảng Anh/giờ.

Theo Glamour Magazine, Heidi cảm thấy mình kiệt sức khi làm cùng lúc 2 công việc vất vả thế nhưng không dám nghỉ ngơi. Cô độc lập về tài chính, không có ai phụ thuộc nhưng chỉ đủ tiền mua những món đồ dùng cần thiết trong sinh hoạt, mặc quần áo rẻ tiền.

Đáng nói, cô có 2 bằng cấp (đại học và sau đại học) và làm việc chăm chỉ đến điên cuồng. Tuy nhiên, như nhiều người lao động trẻ tuổi khác, cô vẫn bị “nhấn chìm" bởi thị trường lao động quá khốc liệt tại Anh.

Heidi chia sẻ nhật ký chi tiêu cá nhân như sau:

Số dư tài khoản hiện tại: 300 bảng Anh.

Tài khoản tiết kiệm: 3.000 bảng Anh.

Thu nhập hàng năm trước thuế: 20.500 bảng Anh.

Chi tiêu:

  • Thuê nhà: 625 bảng Anh/tháng
  • Chi trả hóa đơn tiêu dùng: 210 bảng Anh/tháng
  • Trả nợ khoản vay giáo dục: Heidi có 2 khoản nợ giáo dục bởi theo đuổi 2 văn bằng (4,5 năm đại học, 2 năm sau đại học) với tổng trị giá khoảng 80.000 bảng Anh cho đến hiện tại. Cô cho biết số nợ ban đầu là thấp hơn nhưng do cô không kiếm đủ tiền để trả nợ nên tiền lãi tăng lên hàng ngày.
  • Chi tiêu khác: 310 bảng Anh/tháng, bao gồm khoảng 110 bảng Anh/năm cho y tế.

Theo Heidi, trước đây, cô tiết kiệm bằng cách thường đi dép lê, làm việc trên giường thay vì mua ghế và tập ăn chay do giá thịt đắt đỏ.

Nhưng hiện tại, cô cho rằng nên chiều chuộng mình hơn vì đã cố sức làm việc cật lực. Cô sử dụng đến tài khoản tiết kiệm để mua sắm và chi trả sinh hoạt phí. Tuy nhiên, nhìn số tiền tiết kiệm vơi dần, cô lại lo sợ một ngày mình nhẵn túi.

"Tôi sợ hãi khi nghĩ đến số tiền ít ỏi của mình. Tôi đang nghĩ đến phương án rút sớm tiền lương hưu để sinh sống", Heidi nói.

nhan su tre o Anh anh 1

Cùng lúc kiếm sống bằng nhiều công việc khiến người trẻ kiệt sức. Ảnh minh họa: Cedric Fauntleroy/Pexels.

Nói về vấn đề tài chính, Heidi cho biết đã rất mệt mỏi. Cô ước gì mình chỉ cần làm một công việc nhưng vẫn đủ sống. Cô cũng muốn có đủ khả năng chi trả chi phí y tế tư nhân, tiếp cận các phương pháp chữa bệnh tiên tiến hoặc ít nhất là mua bảo hiểm y tế nhà nước.

"Chỉ trong một thế giới tưởng tượng, tôi mới có thể mua một ngôi nhà nhỏ và có con".

Thị trường lao động quay lưng với người trẻ

Theo công ty tài chính Cash Float, người trẻ và nhân viên học nghề là nhóm người lao động bị trả lương thấp nhất ở Anh. Khoảng 20% nhân sự trẻ Anh bị trả lương "cực kỳ thấp", dưới mức sinh hoạt tối thiểu quốc gia.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mức lương của nhóm người lao động từ 22 đến 29 tuổi giảm tới 12,7%, trong khi nhóm nhân viên cao tuổi hơn chỉ bị giảm, 9,3%.

Hiện nay, thu nhập của nhân sự trẻ chỉ bằng dưới một nửa so với mức lương trung bình của tổng thể người lao động tại Anh. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người trẻ tuổi cảm thấy bế tắc, không thể sống độc lập.

Các nhà tuyển dụng tìm nhiều cách để lý giải cho việc trả lương thấp cho nhân sự trẻ tuổi. Đầu tiên, họ nói rằng người trẻ cần phải giám sát và đào tạo nhiều hơn, do vậy không thể được nhận mức lương tương đương người có kinh nghiệm.

Trên thực tế, người trẻ mất ít thời gian đào tạo hơn nhân sự cao tuổi - nhóm người vốn quen với lối mòn tư duy, cách thức làm việc cụ thể. Nhưng sau khi hoàn tất quá trình đào tạo, họ vẫn bị bỏ lại với mức lương thấp, không xứng đáng với khả năng của mình.

Thậm chí, một số công ty còn tuyên bố rằng nhân sự trẻ không xứng đáng nhận mức lương của người trưởng thành thế nhưng vẫn yêu cầu họ làm việc với năng suất tương đương.

Thứ hai, các nhà tuyển dụng cho rằng người trẻ vẫn còn có gia đình hỗ trợ phía sau. Tuy nhiên, không phải tất cả đều có được sự trợ giúp từ người thân, gia đình. Với mức lương rất thấp, người trẻ khó lòng tự trả tiền thuê nhà, mua xe hơi và để dành tiết kiệm. Một số vì thiếu tiền mà sa đà vào các khoản vay thiếu bền vững, dẫn đến nhiều rắc rối đáng tiếc về sau.

Cash Float nhận định mức lương thấp chính là một trong những lý do khiến nhiều nhân sự trẻ phải sinh hoạt trong cảnh nghèo đói mặc dù sống tại một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới.

Giải pháp

Theo chuyên gia tài chính Alice Tapper của BBC Morning Live, khoảng cách giữa thu nhập và chi tiêu đang ngày càng thu hẹp hơn do lạm phát. Với riêng câu chuyện của Heidi, bà gợi ý cô một số giải pháp nhằm vượt qua áp lực tài chính.

Thứ nhất, hãy cố gắng kiếm nhiều tiền hơn. Đây là cách rất khó đối với hàng triệu nhân sự trẻ tuổi nhưng chính là biện pháp chắc chắn, bền vững nhất.

Thứ hai, yêu cầu được tăng lương. Hậu đại dịch Covid-19, các công ty rơi vào tình trạng thiếu hụt người làm và họ buộc phải cố gắng giữ chân nhân viên của mình bằng cách trả lương xứng đáng.

"Tôi khuyên bạn nên thương lượng với nhà quản lý để tăng lương cho công việc viết nội dung quảng cáo của mình. Hãy đảm bảo công việc này ít nhất phải tương dương mức sinh hoạt tối thiểu quốc gia. Bạn nên tìm hiểu mức lương của các vị trí tương trên thị trường, hiệu suất làm việc cá nhân để thuyết phục cấp trên", Alice cho biết.

nhan su tre o Anh anh 4

Theo chuyên gia, dù thu nhập ra sao, mọi người vẫn cần quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Ảnh: Enzo Santos/Pexels.

Thứ ba, theo Alice, Heidi nên tìm đến một nơi làm việc khác nếu thất bại trong việc tăng lương.

"Đừng để kinh nghiệm của mình bị trả giá thấp. Rất nhiều nhà tuyển dụng đang thực sự gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài, đừng coi nhẹ khả năng của mình", bà nói.

Và thứ tư, hãy đặt sức khỏe lên hàng đầu. Theo chuyên gia, mỗi người đều cần ưu tiên sức khỏe và tinh thần của bản thân. Dù đang tiết kiệm hết mức, cũng ta cũng đừng nên bỏ qua việc khám chữa bệnh, chăm sức sức khỏe thể chất và tinh thần.

Những cô gái livestream xuyên đêm trên đường phố Trung Quốc

Để thu hút người xem, không ít streamer ở Trung Quốc sẵn sàng ngồi ngoài trời cả đêm để phát trực tiếp, trò chuyện cùng dân mạng.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm