“Trước đây, tôi làm việc tại TP.HCM nhưng cảm thấy cuộc sống nơi đô thị không dành cho mình. Tôi ấp ủ chuyến đi lang thang dài ngày đến những miền đất mới để kết bạn và được thấy thế giới đẹp đẽ hơn những gì mình tưởng tượng”, Nguyễn Minh Sáng chia sẻ với Zing.
Sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh hạ nhiệt, Sáng bắt đầu hành trình dự định. Anh một mình lái xe rong ruổi từ Nam ngược ra phía Bắc, không cố định điểm đến, cũng không hẹn trước ngày trở về.
“Tôi sẽ cứ đi cho đến khi nào thực sự hiểu được mình là ai và phải làm điều gì”, Sáng nói.
Sáng lấy biệt danh là "Robinsang" với ý nghĩa miêu tả mình là người thích ngao du. Tính đến 28/3, Sáng bước vào ngày thứ 40 của cuộc hành trình. |
Bỏ phố
Cách đây khoảng 4 năm, khi đang làm việc cho một công ty công nghệ tại TP.HCM, Sáng quyết định “bỏ phố”.
Anh yêu thích sự bình yên tại những miền đất hoang sơ, nhiều cây xanh và đồi núi. Càng cố gắng bon chen nơi thành thị, quanh quẩn với 4 bức tường, anh càng thêm ấp ủ chuẩn bị cho kế hoạch "bỏ phố" của mình.
Khi đó, đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) là nơi đầu tiên anh chọn để dừng chân. Tại đây, anh bén duyên với ngành du lịch và bắt đầu công việc mới tại một đơn vị lữ hành của người quen.
Nhưng làm được 3 năm thì dịch bệnh ập đến, công ty du lịch phải giải thể, Sáng thất nghiệp. Năm 2021, anh trở về quê nhà Cà Mau phụ giúp cha mẹ nuôi tôm. Bánh xe sự nghiệp bất ngờ chững lại khiến Sáng ở đâu cũng mang theo tâm trạng ủ dột và hoài nghi về mục đích sống.
“Mọi thứ đóng băng, tôi mệt mỏi và thấy mình vô dụng, chông chênh như đi lạc vậy”.
Cuộc sống đô thị khiến Sáng stress. Anh ấp ủ ước mơ được đi lang thang dài ngày, khám phá các miền đất mới. |
Ở nhà, Sáng tranh thủ học quay và dựng phim, tìm cách làm lại ngành du lịch sau khi dịch bệnh kết thúc. Nhưng càng tìm hiểu, anh càng thấy bản thân còn thiếu quá nhiều kiến thức. Anh một lần nữa rơi vào trạng thái áp lực, không hiểu bản thân và không biết phải làm gì.
“Cảm giác mình vô dụng lại tràn đến. Tôi ở nhà và không tính ra được kế nào hết nên khi vừa qua Tết, tôi bắt đầu chuyến đi mình ấp ủ bấy lâu. Tôi gọi đó là hành trình ‘đi tìm’, học hỏi ở mọi nơi xem người ta làm du lịch thế nào”, anh bày tỏ.
Tuần đầu tiên
Ngày 18/2, Sáng chính thức bắt đầu hành trình của mình với địa điểm đầu tiên là đèo Nước Ngọt (Bà Rịa - Vũng Tàu), sau đó đi tiếp cung đường ven biển để lên Hồ Tràm, Hồ Cốc.
Anh dành 8 ngày cho lộ trình này. Chặng đường không quá xa thế nhưng ngay lập tức khiến chàng trai mệt mỏi. Nhịp sinh hoạt mới hoàn toàn trên ôtô, kéo sau đó là hàng loạt sự cố như gáo nước lạnh dội thẳng làm Sáng nhận ra trải nghiệm thực tế không hề màu hồng như trong kế hoạch.
Theo đó, khi dừng ở bãi biển Hồ Cốc, ôtô của Sáng gặp sự cố lún cát. Thủy triều đang lên, anh lo sợ cực độ nguy cơ nước biển ngập xe, dẫn tới tình trạng xe hư hỏng nặng và mình buộc phải dừng lại cả hành trình.
May mắn, đội cứu hộ kịp thời đến kịp vừa lúc thủy triều dâng gần sát xe. Chiếc xe và tinh thần của Sáng đều được “cứu”.
“Mặc dù có sự chuẩn bị từ ban đầu, nhưng 8 ngày đầu tiên của hành trình như cú vả vào mặt làm tôi tỉnh lại sau một giấc mơ quá lớn. Từ việc sinh hoạt, sự an toàn, kế hoạch tài chính, ý tưởng làm phim, trải nghiệm… tất cả đều rất khác so với kế hoạch. Điều này dẫn tới một hệ luỵ đó là tôi bị giảm sút tinh thần trầm trọng. Tôi cảm thấy hoang mang, lo lắng, ăn ít và gần như không ngủ. Tôi phải đấu tranh tâm lý xem nên dừng lại hay đi tiếp”, Sáng kể lại.
Những ngày đầu, cuộc sống trên ôtô cùng sự cố phát sinh khiến Sáng lo lắng, suy sụp. |
Sau đó, Sáng phải tự một mình vực dậy tinh thần. Anh xem xét các vấn đề cá nhân rồi lên phương án mới, chỉnh sửa kế hoạch của chuyến đi cho phù hợp hơn với thực tế. Từng bước tháo gỡ nút thắt tinh thần, anh lấy lại năng lượng và sẵn sàng kéo dài hành trình lớn.
Tiếp tục
Rời Bà Rịa - Vũng Tàu, Sáng đến Lagi (Bình Thuận) gặp một người quen để học cách xử lý ôtô khi bị lún cát. Thay vì tiếp nối chặng đường ven biển ra Quy Nhơn, anh quyết định rẽ sang Pleiku (Gia Lai) sớm hơn - nơi anh có một người bạn khác đang làm du lịch.
Anh coi đây là một điểm dừng chân để học hỏi bạn bè, điều chỉnh phương tiện và cũng như tranh thủ phụ bạn làm tour để có thêm chi phí cho hành trình dài ngày. Ở đây, anh bắt đầu kế hoạch mới: khám phá Tây Nguyên.
“Tôi vẫn đang trong hành trình đi khắp Tây Nguyên đại ngàn. Tôi như bị mê hoặc trước vẻ hùng vĩ của thác K50, một địa danh hoang sơ. Tôi còn có cơ hội trải nghiệm hồ Sê San, Biển Hồ ở Pleiku. Càng đi, tôi càng thấy đất nước mình quá đẹp và mình thì quá nhỏ bé”, Sáng tâm sự.
Sáng khám phá thác K50, một địa danh hoang sơ ở Gia Lai. |
Sáng không có lịch trình sinh hoạt cụ thể mà tùy thuộc vào địa điểm nơi mình dừng chân, thời tiết cũng như các yếu tố ngoại cảnh khác.
Thông thường, anh thức giấc trên xe và nấu đồ ăn sáng. Nếu xung quanh có nhà dân hoặc chợ, anh ưu tiên ăn ở hàng quán rồi đậu xe để dựng phim, viết nhật ký hành trình. Buổi trưa và tối, anh ăn uống tương tự và chỉ ngủ sau khi tìm được một nơi an toàn để dừng xe.
Những ngày đi khám phá địa điểm đặc biệt, anh sẽ sắp xếp mua sắm thực phẩm để ăn uống tại chỗ, trải nghiệm thiên nhiên, quay phim và làm quen những người bạn mới.
Sau nhiều ngày chiêm nghiệm thực tế, Sáng nhận ra mình cứ đi thôi và đừng nên có quá nhiều kế hoạch. Như những ngày đầu tiên, anh gượng ép bản thân phải đến một đích nào đó, làm những điều đã định ra. Kết quả chỉ khiến anh bỏ lỡ những cảnh đẹp mà đáng ra phải thả lỏng để chiêm ngưỡng, bỏ qua cả sự kết nối chân tình của những người bạn gặp trên đường.
“Nhận ra những điều này, tôi quyết định đi chậm hơn và quan sát nhiều hơn. Đích đến thì vẫn còn đó nhưng tôi không tập trung quá nhiều cho nó nữa. Tôi tận hưởng từng cung đường, trân quý những người mình gặp. Tôi vẫn làm theo kế hoạch của mình nhưng cho phép mọi chuyện diễn ra tự nhiên, không cần bó buộc.
Theo kế hoạch cũ, tôi sẽ đi hết năm nay. Nhưng giờ tôi sẽ đi cho đến khi nào mình sẵn sàng tham gia lại thị trường du lịch. Vì đây là hành trình ‘đi tìm’, tôi sẽ đi cho đến khi biết được mình cần gì thì mới dừng lại. Tôi đang ấp ủ chuyến đi xuyên Việt nhưng chưa dám khẳng định có thể thành công. Mọi chuyện đều phải để thực tế trả lời”, anh cho biết.
Sáng ghi nhớ từng cung đường và những lần ngủ trên xe hay dựng lều bên sông. |
Hãy chuẩn bị kỹ càng
Theo Sáng, điều quan trọng nhất trước khi bắt đầu hành trình chính là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện cả về tài chính, tinh thần, đặc biệt là sức khỏe và các kỹ năng sinh tồn, bảo vệ bản thân.
Anh lên đường với hành trang là chiếc ôtô cũ được chỉnh sửa lại cho phù hợp để khám phá những vùng đất hoang sơ dài ngày. Trên xe có những vật dụng cơ bản như pin mặt trời, dụng cụ nấu ăn, một chiếc tủ lạnh nhỏ, hộp y tế dự phòng, lều, túi ngủ, ghế xếp, dụng cụ đi rừng (dao, búa), bộ dụng cụ sửa chữa xe cơ bản và đặc biệt là 100 chiếc khẩu trang cùng với một hộp gừng khô mà Mẹ và Dì út chuẩn bị trước lúc xa nhà.
“Do chưa đủ kinh phí, chiếc xe của tôi không có đầy đủ thiết bị như một camping car mọi người thường thấy, tôi đặt tên nó là Bé Cam. Còn trong hộp y tế của tôi lúc nào cũng có bộ kit test nhanh Covid-19. Di chuyển đường xa trong bối cảnh dịch bệnh, kit test là món đồ không thể thiếu”, Sáng nói.
Chiếc ôtô của Sáng gặp sự cố lún cát, phải gọi cứu hộ. |
Suốt thời gian ở quê, anh cũng chú ý rèn luyện sức khỏe bằng việc chăm chỉ bơi lội, chạy bộ. Trước chuyến đi, anh đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tổng quát, cảm thấy yên tâm mới lên đường.
Về tinh thần, anh đã ấp ủ và chuẩn bị từ lâu cho chuyến đi nên xuất phát với tâm thế sẵn sàng đi lâu, đi xa. Nhưng chính sự động viên từ cha mẹ là động lực lớn nhất của anh. Nhờ có gia đình ủng hộ, anh lên đường tự tin và mạnh mẽ hơn.
Hành trang của Sáng còn có nguồn tài chính mà bản thân anh chuẩn bị và tích lũy từ nhiều năm trước. Bên cạnh đó, anh cũng được gia đình và bạn bè hỗ trợ để chuyến đi thêm an toàn, thuận lợi.
Tuy nhiên, theo Sáng, tổng số tiền anh có trong tay không thể đủ chi trả cho cả hành trình dài và tốn kém. Do vậy, anh mang theo một bộ dụng cụ để may đồ da. Đến những địa điểm du lịch, anh dừng chân may vá, bán đồ handmade để kiếm thêm chi phí.
“Ngoài ra, tôi cũng làm các công việc thời vụ nếu có thể như phụ giúp những người bạn mới trong các công việc vừa sức. Đây là cách để tôi kết bạn, có một bữa cơm nhà hoặc một ít tiền công cho mình”, anh nói.
Đối với Sáng, hành trang quan trọng nhất cho hành trình chính là sức khỏe và kiến thức. |
Đặc biệt, vấn đề an toàn được Sáng đặt lên hàng đầu. Trước khi bắt đầu chuyến đi, anh lắp đặt hệ thống cảnh báo cho ôtô của mình. Việc dừng xe, ngủ vào ban đêm luôn được anh chú ý. Những ngày không đi khám phá, anh chỉ dừng xe ở nơi đông người như cây xăng hoặc khu dân cư an ninh tốt.
“Tôi cũng phải tự học và tích lũy những kỹ năng như sinh tồn ở vùng rừng núi, sông suối, biển cả cũng như kiến thức cơ bản liên quan đến sơ cứu bản thân, bạn đồng hành khi gặp sự cố. Càng học, tôi càng thấy mình phải học hỏi thêm nhiều lắm”, Sáng cho hay.
“Tôi muốn chia sẻ với những bạn trẻ cùng đam mê như tôi rằng trước khi đi xa, điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó là kiến thức. Trong cuộc sống, chúng ta luôn cần kiến thức để giải quyết các vấn đề, diễn biến một cách phù hợp nhất. Và kiến thức nằm ở mọi nơi từ gia đình, trường học, sách vở, Internet, bạn bè và ở cả những người lạ ta chưa gặp bao giờ”, anh nói thêm.