Biểu lãi suất tiền gửi mới nhất ghi nhận tại các ngân hàng từ cuối tháng 8 cho thấy hầu hết nhà băng đều đã giảm mạnh lãi tiết kiệm so với tháng 7. Trong đó, mức giảm tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Mặt bằng lãi suất thấp
Theo khảo sát của Zing, với các kỳ hạn dưới 6 tháng, trên 20 ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi trong tháng 8. Mức giảm phổ biến dao động trong khoảng 0,1-0,3 điểm %/năm. Cá biệt một số ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn này như BaoVietBank giảm 0,5% kỳ hạn gửi 1 tháng, từ 4% hồi tháng 7 xuống 3,5% vào cuối tháng 8. Ngân hàng SCB, SeABank, LienVietPostBank và Kienlongbank cùng giảm 0,3% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, dao động quanh mức 3,7-3,95%/năm.
Đáng chú ý, Techcombank sau thời gian dài giảm lãi suất tiền gửi đã tiếp tục đưa lãi suất kỳ hạn ngắn xuống thấp kỷ lục. Nếu gửi dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này, khách hàng chỉ nhận được mức lãi suất 2,85%/năm, thấp nhất thị trường hiện nay. Lãi suất cao nhất kỳ hạn 1 tháng tại nhà băng này cũng chỉ là 3,3% với khách hàng ưu tiên gửi trên 3 tỷ đồng. So với tháng 7, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại Techcombank đã giảm trên 0,5%.
Một số ngân hàng giảm mạnh lãi suất tiền gửi so với tháng 7. |
Ở tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, mức giảm lớn nhất cũng trên dưới 0,5%/năm tại Techcombank (hiện ở mức 3,05-3,4% với khách hàng thường và 3,3-3,5% với khách hàng ưu tiên). Eximbank tháng 7 niêm yết lãi tiền gửi kỳ hạn 3 tháng ở mức 4,25% đến nay cũng đã giảm về 3,8%/năm.
Lãi tiết kiệm giảm gần 1% sau một tháng
Trong đợt giảm lãi suất tháng 8, đa số ngân hàng tập trung giảm mạnh ở các kỳ hạn 6-12 tháng. Ước tính có trên 20 nhà băng giảm lãi suất kỳ hạn này, với mức giảm phổ biến 0,3-0,5%/năm.
Đáng chú ý là nhóm giảm mạnh lãi suất tháng 8 chủ yếu lại là ngân hàng cỡ vừa và nhỏ thay vì nhóm nhà băng lớn như hồi tháng 7.
Nói với Zing, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn cho hay các ngân hàng lớn thường có xu hướng giảm lãi suất trước thị trường và ngân hàng nhỏ.
Thực tế cho thấy trong tháng 7, hầu hết nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng tư nhân cỡ lớn đã giảm lãi suất. Vì vậy, việc các ngân hàng vừa và nhỏ giảm mạnh lãi suất trong tháng 8 vừa qua là để cân bằng lại mức lãi suất tiền gửi trên thị trường.
Thị trường đã không còn mức lãi suất tiền gửi lên tới 8-9%/năm như giai đoạn cuối 2019 đầu 2020. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Cũng trong tháng 8, riêng GPBank đã giảm tới 0,9% lãi tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn này xuống mức 5,9%/năm hiện tại. Đây cũng là nhà băng có mức giảm lãi suất tiết kiệm mạnh nhất kỳ hạn 6 tháng.
Một loạt ngân hàng cũng giảm mạnh lãi tiền gửi kỳ hạn này là BaoVietBank (giảm 0,7%); Techcombank (giảm 0,6%); ABBank, OCB, MSB, PGBank, SHB cùng (giảm 0,5%)...
Tương tự với kỳ hạn 12 tháng, GPBank đã giảm từ 7% hồi tháng 7 xuống 6,1% hiện tại; PGBank giảm từ 6,9% xuống 6,1%; BaoVietBank giảm từ 7,92% về 7,22%; ABBank giảm từ 7,4% về 6,8%; Vietcapital bank giảm từ 7,3% về 6,8%...
Sẽ còn giảm đến cuối năm
Đà giảm lãi suất của các ngân hàng 2 tháng gần đây đã khiến mặt bằng kỳ hạn 6-12 tháng trên thị trường về trên dưới 7%/năm. Hiện không còn ngân hàng nào đưa ra mức lãi suất trên 8% cho tiền gửi tiết kiệm 12 tháng trở xuống (đầu năm lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng cao nhất lên tới 8,4%).
Không riêng nhóm ngân hàng tư nhân cỡ vừa và nhỏ, xu hướng giảm lãi suất cũng được ghi nhận tại nhóm ngân hàng quốc doanh trong tháng 8 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV), tập trung chủ yếu ở kỳ hạn 6-12 tháng với mức giảm 0,1-0,2%.
Tại Vietcombank, mức lãi suất huy động cá nhân kỳ hạn 1, 2, 3 và 9 tháng đã đồng loạt giảm nhẹ so với tháng trước, trong khi lãi suất các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được dự báo sẽ còn giảm thêm từ nay đến cuối năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
VietinBank cũng giảm 0,1-0,2% lãi huy động đối với hầu hết kỳ hạn dưới 12 tháng và giữ nguyên lãi tiền gửi 12 tháng trở lên. Tương tự, cả BIDV và Agribank đều giảm lãi suất huy động các kỳ hạn 1, 2, 3, 5, và 9 tháng.
Theo vị phó tổng giám đốc nói trên, việc các ngân hàng giảm lãi tiền gửi thời gian qua ngoài chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn đến từ thực tế các ngân hàng là tình hình tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng vẫn thấp.
Trong khi đó, biên độ giữa lãi huy động và cho vay không còn nhiều. Các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất huy động để lấy biên giảm lãi đầu ra.
TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tháng 7-8 mang tính tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay. Bởi với biên lãi thuần của các ngân hàng trong nửa đầu năm đã giảm khá nhiều so với cùng kỳ, nếu không thể giảm lãi suất đầu vào, ngân hàng sẽ không thể giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp.
Vị chuyên gia tính toán các ngân hàng có thể giảm thêm tối đa 1% lãi suất cho vay nữa từ nay đến cuối năm, nhưng phải đi kèm điều kiện giảm được lãi suất đầu vào. Trường hợp NHNN có thể giảm lãi suất điều hành một lần nữa thì các ngân hàng có thể giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.