Bất chấp những biển báo cấm, băng-rôn tuyên truyền, hàng trăm người vẫn tụ tập dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn cống nước đường Út Tịch (quận Tân Bình) đến cầu Thị Nghè (quận Bình Thạnh), liên tục câu - bắt cá. Các loại cá như trê, rô, chép, điêu hồng.. được người dân thả phóng sinh đều bị các "cần thủ" bắt sạch.
Mặc dù hai bên bờ sông Nhiêu Lộc - Thị Nghè có nhiều biển báo cấm câu cá nhưng nhiều người vẫn thản nhiên tụ tập câu cá để ăn và bán. |
Những "cần thủ" ở kênh đa phần là người rảnh rỗi, chạy xe ôm, dân ven kênh lẫn dân từ khu vực khác đến. Trong số đó, không ít người đánh bắt cá chuyên nghiệp kiếm sống mỗi ngày.
Một "cần thủ" tên Long (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: "Ngày nào tôi cũng câu cá ở đây hết, rảnh buổi nào câu buổi đó. Ngày nào câu ít cũng được 2-3 kg, nhiều thì 6-7 kg".
Cá câu xong được bán cho các chợ Thị Nghè, Bà Chiểu với giá cá trê, cá rô khoảng 20.000 đồng/kg, cá chép khoảng 30.000 đồng/kg.
Những người câu cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đa số để bán. Họ cho biết cá này được bán cho các chợ: Thị Nghè, Bà Chiểu với giá cá trê 20.000 đồng/kg, cá chép 30.000 đồng/kg. |
Hằng ngày, trên đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn xuất hiện nhiều người chèo đò, dùng lưới và vợt để đánh bắt cá. Khi được hỏi không sợ cơ quan chức năng xử phạt sao? Người đánh bắt cá vô tư trả lời: "Cấm thì cấm cho có, chứ có thấy ai bị xử phạt đâu... Nếu người ta đuổi thì chạy, có gì đâu mà sợ".
"Cá câu để bán, không dám ăn!"
Đó là câu nói của một người tên Long - "cần thủ" chuyên đánh bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Người này cho biết thêm: "Cá mình câu để bán chứ không dám ăn. Hôm nào câu được nhiều thì để bán, câu được ít thì vứt trên các bãi cỏ ai muốn lấy thì lấy thôi". Bởi kênh này đang được cải tạo, còn ô nhiễm từ ký sinh trùng, hóa chất độc hại, kim loại nặng từ nhà máy thải ra".