Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục

Dư thừa thanh khoản từ bối cảnh tiền gửi liên tục tăng mà không thể cho vay đã khiến các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm.

Thống kê cho thấy kể từ đầu tháng 11 đến nay đã có tới 27 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn.

Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng tiếp tục giảm từ 0,1-0,5%/năm tùy kỳ hạn và do quy định của từng ngân hàng, so với thời điểm cuối tháng 10. Mức lãi suất cao nhất là 6% đang ngày càng ít đi, thậm chí, trên thị trường đã xuất hiện mức lãi suất dưới 3%.

Lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục

Thực tế, nắm trong tay số dư tiền gửi hơn 1 triệu tỷ đồng, nhiều nhất hệ thống nhưng Vietcombank cũng là ngân hàng đang trả lãi suất huy động thấp nhất.

Chỉ trong tháng 11, ông lớn ngân hàng này đã có 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất. Theo khảo sát, hiện lãi suất gửi kỳ hạn 1 tháng của nhà băng này đã giảm về 2,4%/năm, kỳ hạn 3 tháng xuống 2,7%/năm - mức thấp nhất hệ thống và cũng là mức thấp kỷ lục của Vietcombank. Hồi đầu năm, tiền gửi ở kỳ hạn này được hưởng lãi 6%/năm nhưng nay chưa bằng một nửa.

Với các kỳ hạn 12-24 tháng, lãi suất huy động giảm còn 4,8%/năm. Trong khi hồi đầu năm, kỳ hạn này Vietcombank trả tới 8%/năm. Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng cũng được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 3,7%/năm.

Như vậy so với đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động đã được Vietcombank giảm mạnh 3-3,5%/năm. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng không còn cộng lãi suất khi gửi online mà áp dụng mức ngang nhau cho cả khách hàng gửi tiền tại quầy và gửi trực tuyến.

Trong khi Vietcombank điều chỉnh giảm, ba ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV và Vietinbank tiếp tục giữ nguyên lãi suất, nhưng vẫn ở vùng thấp được điều chỉnh từ cuối tháng 10. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất được 3 nhà băng này trả cho các kỳ hạn dài 12 tháng trở lên duy trì ở mức 5,3%/năm.

lai suat anh 1

Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục, ngang bằng với giai đoạn Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Không chỉ nhóm ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng thương mại lớn cũng đã đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 6%/năm.

Tại ACB, lãi suất tối đa là 4,9%/năm cho các khoản tiền gửi online từ 5 tỷ đồng trở lên. Mức này thấp hơn cả một số ngân hàng trong nhóm Big 4. Hay tại VPBank, khách hàng chỉ nhận được khoản lãi suất tốt nhất là 5,4%/năm cho kỳ hạn 36 tháng gửi online số tiền hơn 50 tỷ đồng. Techcombank cũng giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn 12 tháng xuống còn dưới 5,3%/năm.

Hiện mức lãi suất huy động cao nhất 6-6,5%/năm chỉ xuất hiện tại kỳ hạn dài 18 tháng trở lên tại các ngân hàng vừa và nhỏ như HDBank, Vietbank, Kienlongbank, VietABank, SHB, OCB, MSB, PGBank, NamABank...

Ngân hàng dư thừa thanh khoản, lãi suất sẽ tiếp tục giảm?

Dù lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm sâu nhưng lượng tiền gửi dân cư vào hệ thống vẫn tăng khá tốt trong 9 tháng đầu năm.

Số liệu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố gần đây cho thấy lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng.

So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.

Ở chiều ngược lại, trong cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết tính đến ngày 23/11, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm (14,5%).

Dư địa còn lại của toàn hệ thống để mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, khoảng 6,2%, tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.

Có thể thấy, tiền gửi tăng tốt nhưng khó cho vay khiến hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trong trạng thái dư thừa thanh khoản. Các ngân hàng hiện không gặp phải áp lực huy động vốn, dẫn đến việc còn dư địa nếu muốn tiếp tục hạ lãi suất huy động.

Trong bối cảnh này, tại báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng, Chứng khoán Yuanta dự báo NHNN có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Còn theo các chuyên gia tài chính trong nước, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ duy trì trong năm 2024, song có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào khi chịu áp lực từ hai yếu tố tỷ giá và lạm phát.

Trong khi đó, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB đưa nhận định việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của NHNN trong quý cuối năm 2023 vẫn đang bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm