Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research vừa có báo cáo thị trường tiền tệ tuần đầu tiên của tháng 3 (1-5/3), trong đó ghi nhận thị trường tiền tệ vừa trải qua tuần giao dịch với lãi suất ổn định.
Cụ thể, trên thị trường mở tuần gần nhất không phát sinh giao dịch nào giữa Ngân hàng Nhà nước và các thành viên của thị trường. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giữ xu hướng đi ngang ở mức 0,33%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,51%/năm với kỳ hạn một tuần.
Nền thanh khoản tháng 3 được dự báo sẽ tiếp tục dồi dào do huy động tiền gửi đang khá tích cực và NHNN vẫn duy trì định hướng nới lỏng thận trọng, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ vẫn ổn định ở mức thấp.
Đáng chú ý, theo ghi nhận trên thị trường ngân hàng, sau Vietcombank đã xuất hiện một số nhà băng khác như VietinBank, HDBank, OCB… tham gia giảm lãi suất cho vay thông qua các gói vay ưu đãi mới hoặc gia hạn chương trình ưu đãi đang áp dụng.
Các gói vay này chủ yếu áp dụng với nhóm doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ với các điều kiện nhất định.
Theo các công ty chứng khoán, xu hướng biến động lãi suất huy động từ đầu tháng 3 chỉ mang tính chất cục bộ tại một vài ngân hàng và không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng lãi suất thấp của toàn hệ thống. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo đánh giá của các chuyên gia tại SSI Research, việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm lãi suất tiền gửi trong 2 tuần gần đây chỉ áp dụng với nhóm khách hàng cá nhân và mang tính chất cục bộ. Vì vậy, trong ngắn hạn mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn sẽ duy trì ở mức thấp hiện tại.
Cùng quan điểm, báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu của VCBS mới công bố cũng cho rằng vẫn còn dư địa để giảm cả lãi suất huy động và cho vay.
Theo đó, việc NHNN dự kiến tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, nới lỏng sẽ duy trì trạng thái dồi dào trong thanh khoản các ngân hàng. Kéo theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động giảm trong khoảng một năm trở lại đây.
Trên thị trường liên ngân hàng, thời điểm sát Tết Nguyên đán 2021 thanh khoản các ngân hàng thường ghi nhận áp lực nhất định, tuy nhiên VCBS cho rằng điều này chỉ mang tính chất mùa vụ. Sau nghỉ lễ, thanh khoản dồi dào trở lại sẽ tiếp tục khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu.
Quan điểm mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp của VCBS còn được đưa ra trong bối cảnh lo ngại dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khiến nhu cầu tín dụng khó có khả năng được đẩy mạnh trong các tháng đầu năm.
Các yếu tố này đều là cơ sở để mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động, cho vay ra thị trường có thể giảm thêm và duy trì ở mức thấp.
Các chuyên gia tại VCBS cũng cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ của cả Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới sẽ được duy trì ít nhất tới năm 2022 khi mục tiêu ưu tiên giai đoạn này của các quốc gia vẫn là hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.
Trước đó, đầu tháng 3, trên thị trường huy động vốn ghi nhận xu hướng phân hóa lãi suất tiền gửi rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng khi một số nhà băng tư nhân cỡ lớn tăng mạnh lãi tiết kiệm. Ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân cỡ vừa và nhỏ vẫn giữ nguyên hoặc tiếp tục giảm.
Techcombank và VPBank là 2 nhà băng điều chỉnh lãi suất đầu vào rõ nét nhất khi tăng lần lượt 0,4-0,7 điểm % và 0,2 điểm % so với tháng 2.
Trong khi Techcombank tăng lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn, áp dụng với mọi giá trị tiền gửi của mọi nhóm khách hàng, VPBank chủ yếu tăng lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn ngắn 2, 3, 4, và 5 tháng.
Ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) vẫn duy trì lãi suất huy động ở mức thấp, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân khác tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ 0,1-0,2 điểm % lãi suất so với tháng 2.
Các ngân hàng ghi nhận giảm lãi suất từ đầu tháng 3 tập trung chủ yếu ở nhóm tư nhân cỡ vừa và nhỏ như BacABank; BaoVietBank; CBBank; PGBank…