Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh

Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài tại nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh từ 1-2,5 điểm % so với thời điểm cuối tháng 11/2022, hiện về vùng dưới 8%/năm.

Mức lãi suất 8%/năm biến mất trên biểu lãi suất của nhiều ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà.

Dựa trên tình hình lạm phát trong nước hạ nhiệt và tỷ giá ổn định, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành. Cũng kể từ tháng 5/2023, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã nới rộng đà giảm mạnh để dần thiết lập một mặt bằng lãi suất mới.

Nếu như cuối tháng 11 năm ngoái, mức lãi suất 8%/năm rất phổ biến ngay cả với kỳ hạn 6 tháng hoặc thậm chí có nhiều ngân hàng còn chịu chi trả tới 9%/năm cho kỳ hạn này thì sang tới tháng 6 năm nay, hàng loạt ngân hàng đã xóa sổ mức lãi suất này trong biểu lãi suất.

So sánh mặt bằng lãi suất ở các kỳ hạn dài ở thời điểm hiện tại với thời điểm cuối tháng 11/2022, lãi suất huy động tại các nhà băng đã được điều chỉnh giảm từ 2-2,5 điểm %.

Trong đó, SCB là nhà băng chịu chi trả mức lãi suất huy động tiền gửi cạnh tranh trên thị trường. Vào ngày 28/11 năm ngoái, SCB chấp nhận trả vượt mốc 10%/năm cho hình thức gửi online kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ở các kỳ hạn còn lại từ 6-11 tháng người gửi nhận lãi suất tới 9,9%/năm.

Cũng trong cùng đợt này, SCB đưa lãi tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng lên 9,95%/năm, tương đương lãi suất gửi online. Các khoản tiền gửi dài tại quầy khác, SCB chấp nhận mức lãi suất 7,8-8,3%/năm kỳ hạn 6-11 tháng và 9,6%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên.

Còn thời điểm hiện tại, khảo sát biểu lãi suất hôm nay (ngày 8/6) tại nhà băng này, với hình thức gửi online, mức lãi suất tại các kỳ hạn dài đã được điều chỉnh về vùng thấp dưới 7,5%/năm.

Cụ thể, SCB chi trả mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,45%/năm; trên 12 tháng là 7,25-7,35%/năm; 6-11 tháng ở mức 7,15-7,35%/năm. So sánh với mức lãi suất dưới hình thức gửi online vào cuối tháng 11 năm ngoái, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài đã SCB đã được điều chỉnh giảm tới 2,05-2,55 điểm %.

Mức giảm tương tự cũng đang được ghi nhận với hình thức gửi tại quầy của SCB khi nhà băng này niêm yết lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6-11 tháng ở mức 7,1-7,3%/năm; 12 tháng ở mức 7,4%/năm và trên 12 tháng nhận lãi suất chỉ 7,2%/năm.

Hay ở tại ngân hàng Techcombank, ngày 22/11 năm ngoái, nhà băng này đã đưa lãi suất tiền gửi tối đa lên 9,3%/năm dành cho khách hàng VIP1 gửi mới, với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đây cũng là mức lãi suất huy động tiền gửi cao nhất mà nhà băng này áp dụng trong vài năm trở lại đây.

Đối với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8,7-9,1%/năm tùy theo số tiền gửi. Các kỳ hạn 6-11 tháng được áp dụng lãi suất cao nhất tới 9%/năm, dành cho khách hàng VIP1 gửi mới với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng. Với khách hàng thường, mức lãi suất áp dụng từ 8,4-8,8%/năm tùy theo số tiền gửi.

Thế nhưng bước sang đến năm nay, Techcombank là nhà băng liên tục điều chỉnh hạ lãi suất huy động. Chỉ tính riêng đầu tháng 5, nhà băng này đã có 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất và luôn nằm trong danh sách các nhà băng niêm yết mức lãi suất thấp so với thị trường.

Hiện nhà băng này vẫn niêm yết biểu lãi suất gửi online và tại quầy tương đương nhau, cao nhất ở mức 7,15%/năm kỳ hạn 6-36 tháng áp dụng với khách hàng Private/VIP 1 và khách hàng ưu tiên gửi từ 3 tỷ đồng trở lên; khách hàng hội viên và khách hàng thường có khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên nhận lãi suất lần lượt 7,1%/năm và 7%/năm.

Ở các khoản tiền gửi ít hơn, cùng kỳ hạn dài 6-36 tháng, nhà băng này áp dụng mức lãi suất quanh vùng 6,9-7,1%/năm. Như vậy chỉ sau hơn nửa năm, mặt bằng chung lãi suất huy động kỳ hạn dài của Techcombank đã điều chỉnh hạ 1,7-2,15 điểm %.

Ngoài SCB và Techcombank, các ngân hàng có dải lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài dưới 8%/năm hiện có thêm HDBank; NamABank; VietBank; SHB; Eximbank; VPBank; TPBank; ACB; PGBank; MSB; Sacombank; LPBank; MB; KienlongBank; DongABank và nhóm ngân hàng quốc doanh (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank).

Mức lãi suất trên 8%/năm hiện chỉ còn một vài ngân hàng giữ lại chủ yếu để chi trả cho các kỳ hạn dài 12 tháng trở lên có thể kể tới như GPBank; ABBank; VIB; PVComBank; NCB; OCB; Bảo Việt Bank; VietABank; BVBank.

Cũng trong báo cáo ngành ngân hàng mới phát hành, Công ty Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023 với các nguyên nhân chính như nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối năm 2023.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Vết sẹo từ khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ

Mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính như hồi 2008 đã không còn. Nhưng vết thương vẫn đang âm ỉ trong ngành ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

IMF: Fed chưa thể lùi bước

IMF nhận thấy những rắc rối trong ngành ngân hàng đã khiến các hoạt động tín dụng chậm lại. Nhưng điều đó là chưa đủ để Fed tăng lãi suất.

Thiên An

Bạn có thể quan tâm