Lãi suất hạ, doanh nghiệp vẫn kêu cao
Lãnh đạo một DN chia sẻ, có ngân hàng mời vay với lãi suất 6,5%/năm, nhưng DN từ chối, bởi chưa tìm thấy đầu ra cho sản phẩm.
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố hạ lãi suất trong các Thông tư 15, 16/2013/TT-NHNH. Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 1,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 7%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.
NHNN cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên từ 10%/năm xuống còn 9%/năm. Mức lãi suất này của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 7%/năm. |
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, có nhiều nguyên nhân khác nhau đưa đến quyết định hạ lãi suất của NHNN, nhưng nguyên nhân chính có lẽ không phải là câu chuyện thương mại, mà là vấn đề về hệ thống. Các ngân hàng hiện rất cẩn trọng khi cho vay, bởi còn đó các món nợ khó đòi và nợ xấu cao. Do vậy, động thái hạ lãi suất sẽ giải quyết vấn đề quan trọng là tăng thanh khoản cho hệ thống để các ngân hàng tự tin, mạnh dạn, cảm thấy an toàn hơn trong việc cho vay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Lãnh đạo một DN tại Đồng Nai cho biết, cách đây 2 tháng, một ngân hàng mời ông vay với lãi suất 6,5%/năm, nhưng ông từ chối, bởi chưa tìm thấy đầu ra cho sản phẩm của DN.
Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tại Việt Nam tháng 6 của Ngân hàng HSBC vừa được công bố cho biết, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam suy giảm đáng kể về sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới khiến các công ty phải cắt giảm việc làm và mua hàng. Với kết quả chỉ số giảm từ 48,8 điểm của tháng 5 xuống còn 46,4 điểm trong tháng 6, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam sau khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ đã rơi xuống mức thấp thứ ba kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Chỉ số PMI vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, ngưỡng biểu thị sự giảm sút trong hai tháng liên tiếp và rơi xuống mức thấp của 11 tháng.
Báo cáo PMI của HSBC nhận xét, số lượng đơn đặt hàng mới từ cả thị trường trong nước và nước ngoài đều giảm, khiến sản lượng ngành sản xuất giảm đáng kể.
“Mức suy giảm mạnh của hoạt động sản xuất cho thấy sự yếu kém của thị trường trong nước tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh nói chung. Mặc dù đã áp dụng những biện pháp giảm giá, nhưng doanh số bán hàng vẫn giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm. Đồng thời, các điều kiện bên ngoài cũng yếu đi khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc yếu hơn”, bà Trinh Nguyễn, chuyên viên kinh tế Ngân hàng HSBC nói.
Tuy nhiên, Báo cáo Đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) mặc dù thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng đã tăng dần từ tháng 3/2013. Tính chung 3, 4, 5 và 6 tháng đầu năm 2013, IIP tăng so với cùng kỳ năm trước tương ứng là 6,8%, 4,9%, 5% và 5,2%. Mức tăng chỉ số tồn kho (so với cùng kỳ năm trước) đã giảm từ 21,5% tại thời điểm 1/1/2013 xuống còn 9,7% tại thời điểm 1/6/2013.
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đối với các DN sản xuất - kinh doanh thì vay với lãi suất hiện nay sẽ không có khả năng sinh lời, nhưng so với lạm phát thì mức lãi suất là hợp lý. Nếu giảm lãi suất hơn nữa, các ngân hàng sẽ lỗ. Theo TS. Kiêm, sự tiếp cận vốn của DN đối với ngân hàng không chỉ là lãi suất, mà còn là thủ tục, nợ xấu, đầu ra của sản xuất…
“Những vấn đề này chưa giải quyết được thì DN vẫn chưa vay được vốn, cần vay không dám vay và ngân hàng có tiền nhưng không dám cho vay”, TS. Kiêm nói.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần tránh việc giảm lãi suất quá đà. Ở các quốc gia khác trên thế giới, lãi suất âm là chuyện bình thường, nhưng ở Việt Nam có thể dẫn đến việc người dân tìm cách dịch chuyển vốn sang các kênh đầu tư khác như vàng hay ngoại tệ.
Thực tế, so với tháng 6/2012, CPI tháng 6/2013 tăng 6,69% và mức tăng 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái là 6,73%. Như vậy, với mức lãi suất huy động 7%/năm, lãi suất thực mà người gửi tiền được hưởng đã mấp mé ở mức âm.
Theo Tin Nhanh Chứng Khoán