Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường đi mới của tỷ giá và lãi suất

Thay vì dỡ bỏ trần lãi suất để tận dụng cơ hội như nhìn nhận cách nay một quý, kết thúc bán niên đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước chính thức hạ lãi suất chủ chốt thêm một lần nữa và điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ với cặp VND/USD.

Đường đi mới của tỷ giá và lãi suất

Thay vì dỡ bỏ trần lãi suất để tận dụng cơ hội như nhìn nhận cách nay một quý, kết thúc bán niên đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước chính thức hạ lãi suất chủ chốt thêm một lần nữa và điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ với cặp VND/USD.

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất huy động thêm một lần nữa, đặc biệt lãi suất trần huy động từ mức 7,5% xuống trần 7%, không có nhiều ý nghĩa trực tiếp. Vì việc hạ lãi suất 0,5% lần này sẽ không giúp giá vốn cho DN đi vay sẽ rẻ hơn.

 
Diễn biến các đợt hạ lãi suất huy động từ 13/3/2012 đến 27/6/2013.

TS Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ: trong tình hình hiện nay, lãi suất huy động ở mức 7-7,5%, lãi suất cho vay DN ở mức 9-10% là hoàn toàn hợp lý. Mà lưu ý đây chỉ là mức lãi vay dành cho DN tốt. DN xấu, muốn vay và chịu lãi đến 14%/ năm, cũng không có nhiều ngân hàng dám cho vay.

Tổng giám đốc SeaBank, ông Đặng Bảo Khánh cũng cho rằng: sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu đến cuối năm 2013, thị trường được chứng kiến có nhiều ngân hàng hoạt động kinh doanh thua lỗ nữa. Vì mức chênh lệch 3% hiện nay, đối với ngân hàng khi hạch toán đầy đủ, cũng có thể khiến các ngân hàng thua lỗ rồi.

Theo NHNN chi nhánh Hà Nội, tính đến hết tháng 5 năm 2013, hệ thống đã huy động được 927.576 tye đồng, tăng 3,42% so với cuối năm 2012, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 9,07% chiếm 27,55% trong tổng nguồn vốn huy động toàn ngành.

Với tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm chiếm 27,55%, tương đương khoảng 255.547 tỷ đồng, hệ thống tín dụng khu vực Hà Nội đang phải trả lãi khoảng 19.166 tỷ đồng, mức lãi bình quân 7,5%/ năm.

Hiện nay, nếu vẫn với số tiền gửi tiết kiệm được huy động đó, mà mức lãi bình quân được “cào về” 7%, hệ thống của khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương tổng lãi phải trả 17.888 tỷ đồng.

Hạ lãi suất kèm tăng tỷ giá, vì sao?

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - tân Viện trưởng viện Phát triển kinh doanh Hà Nội, trong thời gian vừa qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu rất sát. Nghệ thuật điều hành của NHNN, bơm tiền ra, hút tiền về đều xoay quanh mục tiêu này.

Lạm phát vẫn ổn song cũng phải thấy rằng dù chúng ta đã bơm ra mấy nghìn tỷ nhưng tổng cầu vẫn rất yếu. Do đó, hạ lãi suất có thể xem là một động thái nỗ lực hơn nữa để tăng sức cầu nội địa, giảm vốn giá rẻ thêm lần chót và giúp “người bệnh” có thể húp được cháo, qua cơn bệnh.

 

Câu hỏi đặt ra vẫn là vì sao hạ các lãi suất chủ chốt lại đi kèm cùng lúc tăng tỷ giá? TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế Trung ương nhận định: Việc giảm giá VND cuối tháng 6 vừa qua nằm trong lộ trình mà NHNN đã công bố, rằng năm nay không phá giá quá 2-3%.

Thực tế ta đang có đủ nguồn lực, tiềm lực để giữ được tỷ giá ở mức này, tránh cho nền kinh tế xáo trộn (xét trên dự trữ ngoại hối quốc gia). Bên cạnh đó, việc phá giá tiền đồng, tăng sức mạnh thêm cho USD là một trong những yếu tố khiến NHNN phải giảm lãi suất, để trợ sức khối kinh doanh.

Lãi suất, cả huy động lẫn cho vay đều giảm, trong khi nếu USD phá giá mà không có điều chỉnh tương ứng, thì sẽ lệch pha. Vì thế lãi suất ngoại tệ và cả tỷ giá được neo vào USD cũng phải giảm và DN xuất khẩu sẽ được hưởng lợi kép, từ lãi vay USD thấp lẫn việc nguồn thu từ USD tăng.

Nhìn ở một khía cạnh khác, chuyên gia NH cao cấp Lê Trọng Nhi cho rằng, cần đặt động thái hạ lãi suất và điều chỉnh tỷ giá của NHNN hôm 27/6 vào trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang đến hạn tất toán vàng.

Đây phải chăng là một phản ứng tức thời của NHNN trước bài toán vàng mà hệ quả từ việc cho các ngân hàng huy động vàng từ những năm trước đây, nay bắt buộc phải tất toán, để lại? Khi các ngân hàng thương mại đến kỳ tất toán vàng, đối với nguồn vàng huy động của dân cũng như trạng thái vàng tài khoản trước NHNN, sẽ có nhiều người dân rút vàng.

Các ngân hàng sẽ mất một khoản tín dụng huy động lớn và nếu không có can thiệp tỉ giá, thị trường ngoại hối sẽ có thể biến động. “Chính vì vậy mà thời gian điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của NHNN đã diễn ra vào sát thời hạn chót cho việc tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng. Những điều này nhiều khả năng giúp ổn định thị trường ngoại hối, ít nhất là trong ngắn hạn.

Cùng với đó, thanh khoản của các ngân hàng đã tạm thời ổn (Xin lưu ý chữ “tạm thời” – chuyên gia). Cái khó nhất của các ngân hàng lúc này là làm thế nào để cho vay ra nguồn vốn đó. Hạ lãi suất đi kèm sẽ góp phần đẩy tín dụng đến nhanh hơn với nền kinh tế”, ông Nhi nói.

6 tháng cuối năm, lãi suất và tỷ giá ra sao?

Có ba yếu tố để có thể nhìn về đường đi của lãi suất và tỷ giá 6 tháng cuối năm 2013:

Thứ nhất, theo mục tiêu của người đứng đầu hệ thống ngân hàng, lãi suất được điều hành linh hoạt theo lạm phát mục tiêu. Do đó, NHNN khó có khả năng hạ thêm lãi suất chủ chốt trong 6 tháng cuối năm và đây đã là mức hạ lãi suất… kịch kim, khi chỉ số giá tiêu dùng đo lường lạm phát dự báo sẽ ở mức 6,5-7%.

Thứ hai, hiện nay, nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn và điều đó thể hiện ở khối DN giải thể, phá sản cũng như sức mua giảm trong nền kinh tế. Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 6/2013 của HSBC Việt Nam vừa lưu ý 3 điểm đáng quan ngại đối với nền kinh tế, bao gồm: Chỉ số PMI rơi xuống mức thấp của 11 tháng; Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh thứ nhì trong lịch sử khảo sát; Nguồn nhu cầu chính của thị trường trong nước suy yếu. Theo đó, HSBC nhận định ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục suy giảm mạnh.

Điều này có dẫn đến một chính sách “hỗ trợ tăng trưởng mới” với nỗ lực cải thiện nguồn vốn giá rẻ, rẻ hơn được nữa hay không? Câu trả lời là không, với ngoại trừ: Nợ xấu của hệ thống ngân hàng được cải thiện về dưới 3% theo chuẩn mực quốc tế (một kịch bản khó hiện thực trong năm 2013); và NHNN sẽ kiểm soát được các nguy cơ bùng phát cuộc đua lãi suất đảm bảo thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khi tín dụng tăng (điều rất khó hạn chế khi hệ thống vẫn chỉ đang trong giai đoạn tái cơ cấu). Lãi suất, vì vậy, đã về mức đáy.

Thứ ba, nói riêng về tỷ giá, nhiều yếu tố đang khiến khả năng phá giá đồng nội tệ so với USD, khó xảy ra trong biên độ rộng: Trên thế giới, đồng USD đang mạnh lên; Nợ công Việt Nam đang ở khoảng 55% GDP và chủ yếu là nợ gốc + lãi được trả bằng USD, do đó Chính phủ sẽ không lựa chọn tăng tỷ giá mạnh khiến tăng gánh nợ công; Nợ của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng đang neo vào USD và khối này sẽ khó “cựa” nếu sức ép đòn bẩy tài chính từ nguồn vốn vay mượn nước ngoài trở nên khó kiểm soát.

Có thể nói sau những tháng ngày dông bão và bị ám bởi bong bóng tài sản, bóng ma lạm phát, nhiều DN chưa tin vào mức độ “neo” lãi suất và biến động tỷ giá của NHNN, nếu nhìn trong dài hạn.

Hay nói khác, dù NHNN đã nỗ lực điều chỉnh các lãi suất điều hành trong suốt hơn 1 năm qua để vốn giá rẻ về gần hơn với khả năng tiếp cận của DN, song niềm tin của DN vào triển vọng của nền kinh tế và theo đó sống dậy “tham vọng” đầu tư thay vì co mình như hiện tại, vẫn chưa được thổi bùng lên. Nỗ lực hạ lãi suất và điều chỉnh tỷ giá tại thời điểm hiện nay, nằm trong chuỗi nỗ lực của các nhà hữu trách, và rất cần thiết, để nhóm thêm lửa sưởi ấm niềm tin đó.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn có thể quan tâm