Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cẩn trọng với tỷ giá mới

Bối cảnh hiện nay, phá giá tiền đồng sẽ hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

Cẩn trọng với tỷ giá mới

Bối cảnh hiện nay, phá giá tiền đồng sẽ hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

Ngày 27/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ 20.828 đồng lên 21.036 đồng/USD. Đây là lần điều chỉnh tỷ giá đầu tiên sau một năm rưỡi ổn định (kể từ ngày 24/12/2011) và như vậy trần tỷ giá kể từ ngày 28/6 là 21.246 đồng.

Điều chỉnh tỷ giá là câu chuyện chính sách ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Thế nên dư luận rất quan tâm mục tiêu NHNN trong động thái lần này.

Điều chỉnh để ổn định

Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 27/6, NHNN cho biết, việc điều chỉnh tỉ giá lần này nhằm phản ánh chính xác hơn cung cầu ngoại tệ, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ.

Việc phá giá tiền đồng sát thời điểm các ngân hàng thương mại phải tất toán trạng thái vàng (30/6) được công ty chứng khoán HSC phân tích là “để ổn định thị trường ngoại hối” nhận được nhiều sự đồng tình. Bởi trước đó, NHNN đã dùng USD để nhập một lượng lớn vàng về bán cho các ngân hàng thương mại cân bằng trạng thái.

Mặt khác, trước đó hai tháng, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy giá mua USD tăng lên sát mốc 21.030 đồng/USD nhưng vẫn khó mua ngoại tệ, kể cả trên thị trường liên ngân hàng. Đây cũng là minh chứng cho thấy có căng thẳng về ngoại tệ ở thị trường chính thống lẫn tự do.

 
Việc nâng tỷ giá chắc chắn doanh nghiệp xuất khẩu được lợi, nhất là các mặt hàng xuất khẩu như nông sản, dệt may, da giày, cao su, thủy sản...

Xuất khẩu có lợi

Có thể thấy rằng việc nâng tỷ giá chắc chắn doanh nghiệp xuất khẩu được lợi, giúp hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh tốt hơn khi ra thị trường bên ngoài, cụ thể là các mặt hàng dệt may, da giày, cao su, thủy sản, gạo...

Trả lời báo chí, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, hiện nay,tiền đồng đang bị đánh giá cao hơn so với đồng USD khoảng 21%, đồng thời cũng bị đánh giá cao hơn khoảng 3%-4% so với 19 đồng tiền mà nước ta đang có quan hệ thương mại. Nếu không điều chỉnh tỉ giá thì sẽ xảy ra một số hệ quả không mong muốn, mà trước hết là tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu.

Ông Bùi Văn, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, điều chỉnh tỷ giá lúc này là cần thiết để ổn định tâm lý và kỳ vọng của người dân. Người dân sẽ không còn tâm lý đầu cơ, tích trữ USD khi tỉ giá trần đã ngang bằng tỷ giá giao dịch trên thị trường phi chính thức, như vậy sẽ bớt thêm cầu ảo về ngoại tệ giúp thị trường ngoại hối ổn định. Cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thì đã chịu nhiều thiệt thòi vì NHNN neo tỷ giá khá lâu dù nền kinh tế chịu lạm phát cao một thời gian dài.

TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanhđại học Ngân hàng TP.HCM phân tích: mặt tích cực của việc nâng tỷ giá là hạn chế nhập khẩu hàng hóa xa xỉ và tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu…

Thận trọng với nợ công và nhập khẩu

Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương cũng nhấn mạnh khi điều chỉnh tỷ giá, cần cân nhắc đến yếu tố gây lạm phát và thâm hụt thương mại. Theo ông, điều bất lợi là nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nên cần nhiều nguyên liệu như sắt thép, xăng dầu, điện… cho sản xuất và buộc phải nhập khẩu. Tăng tỷ giá đồng nghĩa với việc doanh nghiệp trong nước mất thêm tiền khi nhập hàng về, làm tăng giá hàng hóa trong nước. Đáng lưu ý là trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, có nhiều mặt hàng nguyên liệu ngoại nhập chiếm 30%-40%, nên xuất khẩu nhiều chưa chắc mang về ngoại tệ mà còn gián tiếp nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài.

Theo chuyên gia ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, sở dĩ NHNN nâng tỷ giá là do yếu tố thị trường, nhập siêu trong các tháng vừa qua ảnh hưởng đến nhập khẩu; áp lực giá vàng thế giới và trong nước đã tác động đến tỉ giá, thêm vào đó có thể có yếu tố nhập lậu vàng.

Tuy vậy, ông Hiếu cho rằng, trong điều kiện hiện nay mà NHNN nâng tỷ giá là chưa thực sự hợp lý mà đáng ra nên giữ ổn định. Lợi ích đem lại cho doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không nhiều. “Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường thế giới chủ yếu cạnh tranh về chất lượng, do đó chất lượng có vai trò quan trọng hơn giá cả. Giá hàng Việt Nam đã rẻ rồi, bây giờ có rẻ hay đắt hơn một chút cũng không vấn đề gì” - ông lý giải.

Trong khi đó, theo ông Hiếu, đây là một khó khăn đối với doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, họ thậm chí phải huy động lượng lớn tiền Việt (VND) để mua ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu. Bên cạnh đó, nâng tỉ giá là ảnh hưởng đến nợ nước ngoài, Chính phủ phải mua ngoại tệ với giá cao hơn, dùng lượng lớn VND để trả nợ nước ngoài. Điều này dẫn đến nợ công tăng lên và tiềm ẩn nguy cơ lạm phát.

Tương tự, chuyên gia ngân hàng TS Hoàng Thế Thỏa cho rằng tỷ giá tăng sẽ gây tác động lên mặt bằng giá cả, đặc biệt là giá dầu do Việt Nam phải nhập khẩu hầu như toàn bộ xăng dầu chế biến. Hơn nữa, việc này sẽ gây tác động tâm lý khiến nhiều người chuyển sang USD nhằm tránh lạm phát, tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá.

Theo một chủ doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, những tháng cuối năm, việc nhập khẩu thường rất căng thẳng về ngoại tệ. Thời điểm đó doanh nghiệp không mua được ngoại tệ trong ngân hàng, phải mua bên ngoài thị trường tự do nhưng khi hạch toán vào sổ sách vẫn phải lấy tỷ giá niêm yết ngân hàng làm chuẩn. Thả nổi giá USD trong ngân hàng bằng với thị trường tự do là tốt cho doanh nghiệp. Lúc ấy doanh nghiệp vừa mua USD trong ngân hàng thuận lợi và còn có cơ sở để ghi trong sổ sách, chứng từ hạch toán…

Theo Pháp Luật TP.HCM

Theo Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm