Tính đến đầu tháng 3/2016, các ngân hàng như Eximbank, SeABank, OCB, SHB... đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động ở mức cao nhất cho kỳ hạn dài (từ 13 tháng trở đi) lên 8-8,38%/năm.
Eximbank áp dụng mức lãi suất 8%/năm cho nhóm khách hàng có khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng. OCB, SeABank quy định khách gửi trên 10 tỷ đồng có lãi suất 8%/năm kỳ hạn 13 tháng, còn lãi suất thông thường cho các kỳ hạn dài từ 6,7-6,95%/năm.
Thậm chí, Ngân hàng Việt Á sẵn sàng chi trả lãi suất 8,38%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với khoản tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên và trở thành ngân hàng có mức lãi suất huy động cao ở mức đầu bảng.
Cuộc đua lãi suất ban đầu chỉ có vài ngân hàng cổ phần nhỏ tham gia, tăng lãi suất để bảo đảm thanh khoản, nhưng đến nay nhiều ngân hàng lớn đã nhập hội và lãi suất ở một số kỳ hạn đã được đẩy lên khá cao |
Lãi suất huy động tiền đồng 8%/năm ở kỳ hạn dài hiện không còn là cá biệt của một vài ngân hàng nữa mà đang trở thành xu hướng phổ biến. Với không ít các ngân hàng, dù quy định mức tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên mới được hưởng mức lãi suất này, nhưng thực tế, khách hàng chỉ cần gửi từ vài trăm triệu đã được hưởng.
Với lãi suất huy động ở kỳ ngắn hạn từ 6 tháng trở xuống đang bị áp mức trần 5,5%, thì nhiều ngân hàng cũng đã đẩy lên kịch trần và giới chuyên môn có lý do để lo ngại về một "cuộc đua" lãi suất đang diễn ra.
Thừa nhận điều này, một chuyên gia ngân hàng phân tích, nhu cầu huy động vốn trái phiếu Chính phủ và tín dụng trung dài hạn tăng cao là nguyên nhân chính đang tạo áp lực lên lãi suất.
Với xu hướng như vậy, cũng có nghĩa là cơ hội để giảm lãi suất cho vay sẽ khó có thể diễn ra. Hiện tại các ngân hàng thường tính lãi suất cho vay dựa trên lãi suất cơ sở, cộng thêm biên độ. Lãi suất cơ sở là lãi suất bình quân vốn đầu vào, hiện ở mức 7%, còn biên độ đang dao động từ 3,5%-4,3%. Tính ra, lãi suất cho vay dài hạn ở mức 10,5-11,5%/năm...
Hiện lãi suất cho vay tại Thái Lan bằng đồng nội tệ chỉ vào khoảng 4%/năm; Singapore thấp hơn chỉ khoảng 3%. Nhìn ra ngoài khu vực thì Ấn Độ được cho là cao cũng chỉ ở mức 7%.
Lãi suất ngân hàng cao hơn trong khi năng suất lao động thấp hơn, chi phí vận tải cao, DN Việt không thể cạnh tranh được với hàng hóa của các nước. Khi đó, người dân khó có thể mua được hàng hóa giá rẻ, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận định.
DN bất an vào chu kỳ đắt đỏ
Nếu so với lạm phát, lãi suất huy động và cho vay hiện đều ở mức cao và không có lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 2 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,6%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 12%.
Đặc biệt, tháng 1/2016 là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu về hàng hóa lớn, sẽ kích thích sản xuất, vậy nhưng mức tăng chỉ 5,9%, trong khi cùng kỳ năm ngoái có mức tăng tới 17,5%. Đây là con số gây bất ngờ, khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại và đề nghị cần theo dõi chặt chẽ, cũng như tìm ra nguyên nhân.
Ảnh minh họa. |
Các doanh nghiệp đương nhiên là lo lắng khi thấy lãi suất huy động tăng. Hầu hết các DN hiện vay vốn lãi suất trung dài hạn ở mức 10%-11%/năm, vẫn khá cao nên khó đầu tư lâu dài. Thực tế, nhiều ngành sản xuất bắt đầu phục hồi nhưng lợi nhuận vẫn thấp, dưới 10%/năm, trong khi lãi suất vay cũng tương đương thì coi như không hiệu quả, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội, phản ánh.
Ông Đoàn Trọng Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex), cho biết, lợi nhuận của các DN chăn nuôi hiện chỉ ở mức 7-8%/năm, trong khi vay ngân hàng thấp nhất cũng mức 8%-9%/năm. Nay lãi suất lại tăng thì DN không dám vay vốn đầu tư bởi thấy ngay không có hiệu quả, ông Lý nói.
Lãi suất huy động tăng còn khiến khách hàng cá nhân vay tiền mua nhà, mua xe lo ngại. Thường cho vay mua nhà, lãi suất chỉ cố định từ 12-18 tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi. Với mua xe thì ngắn hơn, chỉ từ 3-6 tháng. Khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay tăng theo.
Anh Nguyễn Đình Hòa ở Đại Kim (Hoàng Mai - Hà Nội) kể rằng tháng 9/2015 có vay ngân hàng 500 triệu mua ô tô, mức lãi vay ưu đãi 6 tháng đầu là 7%/năm. Tuy nhiên, bắt đầu bước sang tháng thứ 7 anh phải chịu lãi suất thả nổi, lãi vay bị đẩy lên tới gần 11%/năm khiến anh đứng ngồi không yên, nhất là khi xu hướng này chưa dừng lại.
Việc duy trì lãi suất cao sẽ gây khó cho nền kinh tế ở khía cạnh các dòng vốn. Chi phí lãi vay cao trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ không khuyến khích hoạt động đầu tư, đặc biệt là từ khu vực tư nhân. Hệ quả là, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm và đẩy gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng sang khu vực đầu tư công, vốn đã kém hiệu quả, trong khi thâm hụt ngân sách lẫn nợ công đều đang ở mức cao, các chuyên gia kinh tế nhận định.