Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lại chuyện tăng lương tối thiểu

Việc tăng lương tối thiểu, theo các doanh nghiệp, vẫn còn nhiều bất cập. Người lao động thì gần như không được hưởng lợi còn doanh nghiệp thì “lãnh đủ” các loại chi phí tăng thêm.

Dự kiến vào tuần cuối cùng của tháng 7 này, Hội đồng Tiền lương quốc gia, gồm đại diện ba bên: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ nhóm họp để bàn phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 cho kịp trình Chính phủ vào tháng 10 tới.

Việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm, theo các doanh nghiệp, vẫn còn nhiều bất cập. Người lao động thì gần như không được hưởng lợi nhưng doanh nghiệp thì “lãnh đủ” các loại chi phí tăng thêm. Đại diện giới sử dụng lao động đề nghị cần có một cuộc điều tra về mức sống tối thiểu chính xác, minh bạch để có căn cứ cho việc ra quyết định.

Doanh nghiệp “lãnh đủ”

Ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tại buổi Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra cuối tuần trước, cho hay việc tăng lương tối thiểu quá cao trong những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Ông An tính toán với riêng công ty mình, mức lương bình quân của hơn 15.000 lao động tại Minh Phú hai năm gần đây từ 5-5,3 triệu đồng/tháng, tức gần gấp đôi lương tối thiểu vùng hiện nay. Vì vậy, việc tăng lương tối thiểu không những chẳng có lợi cho lao động mà còn... có hại vì sẽ làm cho vật giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng từ 20-30%.

Trong khi đó, doanh nghiệp thì “lãnh đủ”. Ông An tính toán, năm 2015, mức tăng lương tối thiểu vùng trung bình khoảng 15% so với năm 2014 nhưng tổng chi phí đóng các khoản tiền bảo hiểm như BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và phí công đoàn của Minh Phú đã tăng lên tới 35% so với năm 2014.

Đồng quan điểm, ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho hay từ năm 2010, cứ hai năm Việt Nam lại tăng tỷ lệ đóng các loại phí liên quan tới lao động một lần. 

Tính tới nay, nếu tính tất cả các khoản đóng của doanh nghiệp cho BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn thì doanh nghiệp phải đóng tới 34,5%, chưa kể 1% kinh phí công đoàn ở những nơi có công đoàn cơ sở. Nếu cộng thêm khoản tăng lương tối thiểu vùng hàng năm nữa thì quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Người Việt mua được gì với một tháng lương?

Với mức lương trung bình chỉ hơn 3,7 triệu đồng/tháng, để mua được một chiếc iPhone 6 hay xe máy Honda Wave, người Việt phải nhịn ăn tiêu trong 5-6 tháng.


Ông Cẩm lấy ví dụ với riêng Công ty May 10, nếu như trong năm 2014 công ty này đóng 63 tỷ đồng cho các loại bảo hiểm thì đến năm 2015, tính theo quy định mới, là 94 tỷ đồng. Đến 2018, nếu phải đóng BHXH trên tổng thu nhập của người lao động thì khoản tiền này sẽ lên tới 120 tỷ đồng.

Ông Cẩm nhận xét hiện nay, tỷ lệ đóng BHXH và phí công đoàn của chúng ta là cao nhất so với khu vực. Hiện Malaysia chỉ đóng 13%, Philippines đóng 10%, Thái Lan đóng 8%, các nước khác còn thấp hơn.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, nói tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm và phí công đoàn hiện nay chiếm khoảng 12% tổng doanh thu của doanh nghiệp dệt may. Đây là con số quá lớn. Theo ông, trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh sâu rộng, nếu tăng lương cao quá thì doanh nghiệp chỉ còn đường phá sản.

Cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay với bài toán tăng lương tối thiểu. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, người lao động gần như không được hưởng lợi từ việc tăng lương tối thiểu. Ảnh: Minh Khuê.
Cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay với bài toán tăng lương tối thiểu. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, người lao động gần như không được hưởng lợi từ việc tăng lương tối thiểu. Ảnh: Minh Khuê.

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động của VCCI, cho biết vài năm gần đây, điều chỉnh lương tối thiểu thường cao hơn chỉ số tăng trưởng GDP và CPI từ hai đến ba lần và thừa nhận điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bài toán bỏ ngỏ

Theo VCCI, chính sách tiền lương hiện còn nhiều bất cập. Có nhiều tranh cãi liên quan tới việc lương tối thiểu có đáp ứng được mức sống tối thiểu hay chưa, đáp ứng được bao nhiêu phần trăm mức sống tối thiểu. Đó vẫn là bài toán bỏ ngỏ!

Ông Nguyễn Xuân Dương cho hay, theo lộ trình mà Quốc hội giao cho Chính phủ thì phải từng bước tăng tiền lương tối thiểu lên bằng mức sống tối thiểu. Phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tỷ lệ tăng lương tối thiểu hàng năm rất cao, từ 20-30%, để đạt mức sống tối thiểu vào năm 2018. 

Ông này đặt câu hỏi: “Hiện nay, các doanh nghiệp đang đặt vấn đề mức sống tối thiểu được điều tra đã phù hợp hay chưa?” và cho biết: “Chúng tôi đang đề nghị tổ chuyên gia tư vấn nên xem lại mức sống tối thiểu hiện nay vì một người lao động phải nuôi một người ăn theo, tức 0,7 người nữa là không sát thực”.

Cá nhân ông Dương cho rằng trên thực tế, người lao động làm việc hơn 40 năm, nếu bắt người ta nuôi một người con từng đó năm là vô lý. “Theo tôi chỉ nên tính người ta nuôi con 18 năm thôi chứ không phải 42 năm như chúng ta đang làm”, ông Dương nói.

Ông Dương cho biết theo cách tính toán cụ thể của ông thì tiền lương nuôi con tính cho suốt cuộc đời làm việc chỉ là 0,319 tiền lương của người lao động chứ không phải là 0,7 như chúng ta đang áp dụng.

Nếu theo dự báo của tổ chuyên gia tư vấn, rằng từ năm 2014-2018 mỗi năm trượt giá sẽ khoảng 7% thì mức sống tối thiểu mới vùng 1 năm 2015 sẽ là 2,972 triệu đồng; năm 2016 là 3,182 triệu đồng; năm 2017 là 3,406 triệu đồng; năm 2018 là 3,647 triệu đồng.

Như vậy, theo ông Dương, mức tăng lương tối thiểu bình quân trong ba năm tới (2016, 2017 và 2018) chỉ cần 8,1%/năm thì sẽ đạt khoảng 3,663 triệu đồng/tháng (cao hơn mức sống tối thiểu theo chuẩn mới là 3,647 triệu đồng/tháng tính tới năm 2018).

Từ những điều trình bày trên, ông Dương đề nghị, năm 2016 là năm kinh tế còn nhiều khó khăn nên chỉ tăng lương tối thiểu 7%. Trong hai năm 2017 và 2018 tăng 9%/năm. Từ năm 2019 sẽ tính theo tỷ lệ lạm phát thực tế hàng năm.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho hay mức tăng lương được điều chỉnh tới đây phải thể hiện được ba tiêu chí: vừa bù đắp sự mất giá của đồng tiền (lạm phát); phù hợp với tỷ lệ tăng năng suất lao động hàng năm; đồng thời có được một tỷ lệ tăng thêm nhất định để rút ngắn lộ trình đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động mà Nhà nước đã đặt ra.“Do đó, VCCI dự kiến đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 chỉ hơn 10% như năm 2015”, ông Lộc nói.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, cho hay năm 2016, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ cần phải tính toán kỹ hơn vì mức đóng BHXH sẽ tăng lên để dần tiến tới đóng BHXH theo tổng thu nhập vào năm 2018. Ngoài ra, năm 2016, doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động...

Về vấn đề điều tra mức sống tối thiểu làm căn cứ tăng lương tối thiểu, Thứ trưởng Huân cho hay, hiện bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã mời chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học nghiên cứu mức sống tối thiểu thành mức chuẩn. Từ mức sống tối thiểu đó mới có thể quyết định các vấn đề khác.

“Thực ra đã có rồi nhưng ý kiến các bên còn khác nhau. Phía người lao động muốn nhấn mạnh một số yếu tố, và phía người sử dụng lao động muốn nhấn mạnh một số yếu tố. Kinh nghiệm của các nước cho thấy việc thống nhất phương pháp tính là rất khó. Vấn đề là đưa khoảng cách bất đồng này càng hẹp càng tốt”, ông Huân nói.

Trần ai đi nhận trợ cấp thất nghiệp

Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực (1/1/2015), việc nhận trợ cấp thất nghiệp khó khăn hơn trước. Người lao động (NLĐ) đóng vào thì dễ, rút ra phải thỏa mãn đủ các loại tiêu chuẩn.

http://www.thesaigontimes.vn/132707/lai-chuyen-tang-luong-toi-thieu.html/

Theo Thuỳ Dung/Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm