Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trần ai đi nhận trợ cấp thất nghiệp

Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực (1/1/2015), việc nhận trợ cấp thất nghiệp khó khăn hơn trước. Người lao động (NLĐ) đóng vào thì dễ, rút ra phải thỏa mãn đủ các loại tiêu chuẩn.

“Đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là để phòng khi mình mất việc nhưng với việc pháp luật có những quy định siết lại, NLĐ không nhận được trợ cấp khi không có việc làm là có công bằng không? Đóng BHTN để làm gì?”, ông Võ Văn Hu (SN 1954, ngụ quận 4, TP HCM) bức xúc.

Mất việc, đau ốm cũng không được nhận

Ông Hu làm việc tại Công ty CP Bất động sản Hoàng Anh (quận 7, TP HCM) từ tháng 9/2007. Đến tháng 7/2014, do sức khỏe yếu, ông xin nghỉ việc. Tuy nhiên, do Cty Hoàng Anh nợ BHXH nên đến cuối năm 2014, ông mới được chốt và trả sổ BHXH. Lúc đó đã quá hạn đăng ký thất nghiệp theo quy định (3 tháng) nên ông không được giải quyết chế độ. Cán bộ của trung tâm giới thiệu việc làm nói rằng tiền BHTN của ông không mất mà được bảo lưu và cộng dồn nếu ông đi làm tiếp.

“Tôi đã hơn 60 tuổi, sức khỏe yếu thì ai nhận tôi vào làm việc nữa mà cán bộ giải thích như vậy. Việc chốt sổ chậm là lỗi của DN nợ BHXH, do cơ quan quản lý nhà nước quản lý không tốt để cho DN nợ chứ có phải lỗi do tôi đâu! Tại sao nhà nước không có quy định linh hoạt cho những người tuổi cao, sắp hết tuổi lao động như tôi được hưởng BHTN trong những trường hợp như vậy?”, ông Hu nói.

Cũng tham gia BHTN đầy đủ nhưng không được nhận trợ cấp thất nghiệp là chị Nguyễn Thị Sáng, công nhân Công ty TNHH Matai (KCX Tân Thuận, TP HCM). Chị Sáng làm việc ở Cty tháng 12/2004. Tháng 3/2013, khi phát hiện bị bệnh ung thư vú, chị xin nghỉ để điều trị bệnh. Trong thời gian ấy, vừa không có lương vừa điều trị bệnh tốn kém, tài sản trong nhà lần lượt ra đi, cuộc sống của gia đình lâm vào cảnh khó khăn cùng cực, chị phải đi đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. 

NLĐ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM. Ảnh: Laodong.
NLĐ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM. 

“Tuy nhiên, cơ quan đăng ký từ chối không duyệt hồ sơ. Tôi đã 45 tuổi, sức khỏe rất yếu, chỉ còn 30% sức lao động nên không thể tìm việc làm để tham gia BHTN tiếp. Như vậy, tôi sẽ vĩnh viễn không thể nhận trợ cấp thất nghiệp cho thời gian đã đóng BHTN”, chị Sáng than thở.

Không công bằng với người lao động!

Xét quá trình đóng BHXH thì chị Sáng có 4 năm 2 tháng tham gia BHTN (từ tháng 1/2009 đến tháng 2/2013). Căn cứ quy định pháp luật, trường hợp này NLĐ nghỉ ốm dài ngày (từ 14 ngày làm việc trở lên) không hưởng lương tháng tại DN mà hưởng trợ cấp BHXH thì vẫn được coi là đối tượng tham gia BHTN trong thời gian này, do đó vẫn đáp ứng đủ tiêu chí “tháng liền kề” đóng BHXH. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Cao Thắng - Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm TP - lại cho rằng: Căn cứ theo quy định tại Điều 49, Luật Việc làm về điều kiện hưởng thì NLĐ ký HĐLĐ không xác định thời hạn như chị Sáng phải đáp ứng thêm tiêu chí nữa là “đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ” thì mới được hưởng BHTN.

“Nghe cán bộ giải thích mà bệnh tôi như nặng thêm. Tại sao khi tôi bị mất việc, đang nghỉ điều trị ung thư mà vẫn không được nhận trợ cấp thất nghiệp, dù khoản tiền này tôi đã trích từ lương của mình ra để đóng. Ý nghĩa nhân văn của BHTN ở đây là gì?”, chị Sáng bức xúc.

Trường hợp của ông Hu, ông Lê Liêm - Giám đốc BHXH quận 7 - cho rằng, do Công ty CP Bất động sản Hoàng Anh đang còn nợ BHXH hơn 1 tỷ đồng, cơ quan BHXH đã làm thủ tục khởi kiện ra tòa, nên việc làm thủ tục chốt sổ BHXH cho ông Hu bị chậm trễ. Nguyên nhân của việc này là do công ty không thực hiện đúng nghĩa vụ cho NLĐ. 

“Lỗi này là của công ty chứ có phải lỗi của NLĐ đâu, việc chốt sổ chậm hay sớm liên quan đến thủ tục giữa công ty và BHXH quận 7 mà NLĐ như tôi phải gánh chịu. Tôi đã quá tuổi lao động, lại bệnh đau, vậy ai sẽ thuê thôi để đóng tiếp BHTN? Hay tôi sẽ mất khoản tiền mà tôi đã đóng, tiền đó sẽ đi đâu?”, ông Hu nói.

Theo luật sư Nguyễn Giang Nam (Đoàn Luật sư TP HCM), hiện còn rất nhiều điểm về BHTN mà Luật Việc làm chưa bao quát hết. Ví dụ, luật này mở rộng thêm đối tượng tham gia BHTN bắt buộc là NLĐ làm việc theo hợp đồng mùa vụ từ đủ 3 tháng trở lên đến dưới 12 tháng. 

Nhưng luật không lường trước, nếu đối tượng này nghỉ việc và sau đó không tham gia tiếp thì giải quyết thế nào? Nếu duyệt thì không đủ điều kiện hưởng BHTN (phải đóng từ đủ 12 tháng trở lên). Còn nếu không chi trả cho họ thì BHTN đã không tuân thủ đúng nguyên tắc đóng - hưởng và công bằng với NLĐ.

Thời gian để tính trợ cấp thôi việc được xác định ra sao?

Thời gian người lao động nghỉ theo chế độ BHXH cũng được tính là thời gian làm việc cho người sử dụng lao động để tính trợ cấp thất nghiệp.

http://laodong.com.vn/cong-doan/tran-ai-di-nhan-tro-cap-that-nghiep-351402.bld

Theo Lê An Nhiên/Lao Động

Bạn có thể quan tâm