UBND tỉnh Lai Châu vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư sân bay Lai Châu theo hình thức đối tác công tư PPP. Địa phương cũng xin đứng ra làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi vốn tư nhân thực hiện dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết địa phương đã chủ động quy hoạch quỹ đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm xây dựng sân bay. Hiện, một số nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư dự án này.
Sơ đồ mật độ dự án sân bay tại các tỉnh phía Bắc. Đồ Họa: Hà My. |
Theo phương án được Bộ GTVT phê duyệt, sân bay Lai Châu có dự toán đầu tư 4.350 tỷ đồng, công suất dự kiến 0,5 triệu hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 117,09 ha. Địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Sân bay Lai Châu được tỉnh xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, tuần tra, kiểm soát biên giới, cứu hộ, cứu nạn...
Đây cũng là dự án động lực quan trọng mà tỉnh Lai Châu cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 để tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhằm đảm bảo thuận lợi trong quá trình cắm mốc giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị Thủ tướng và Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư sân bay theo hình thức PPP; giao UBND tỉnh làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
UBND tỉnh Lai Châu cam kết triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Hiện nay, trong số các tỉnh Tây Bắc, chỉ có Điện Biên được đầu tư sân bay. 3 địa phương khác được quy hoạch xây dựng sân bay gồm Lai Châu, Lào Cai và Sơn La, song chưa có dự án nào được khởi công xây dựng.
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc có đường biên giới dài 265,165 km, có cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới. Địa phương có tiềm năng phát triển dịch vụ - thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch, đồng thời có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối đến Lai Châu chỉ có đường bộ, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Vị trí thị trấn Tân Uyên, Lai Châu, nơi dự kiến triển khai dự án sân bay. Ảnh: Google Maps. |