Trong cuốn du ký Giai Hà Nội lặn lội London mới ra mắt, tác giả Nguyễn Thanh Tùng kể về những trải nghiệm khi anh học thạc sĩ tại Anh quốc. Đó là quãng thời gian mà tác giả dấn thân, ngụp lặn vào văn hóa, đời sống, con người London. Những hiệu sách và không gian dành cho sách tại London gây ấn tượng mạnh với tác giả.
Louis Vuitton của ngành sách
Theo tác giả Thanh Tùng, London có nhiều hiệu sách to và đẹp, tràn ngập sách. Ở đó, bạn sẽ như lạc vào những ngôi nhà cổ với những bậc thang gỗ xoắn ốc, quét sơn đen ở Waterstone’s hay bạn sẽ đến với những lối thang lên xuống đan xen ngược chiều nhau ở FOYLES, hai chuỗi hiệu sách sang trọng bậc nhất London, hoặc bạn cũng có thể bị cuốn hút bởi một hiệu sách nhỏ có lối cầu thang dẫn xuống một tầng hầm vô cùng đẹp - hiệu Daunt Books trên khu Marylebone.
Bên ngoài hiệu sách sang chảnh Hatchards. Ảnh: Nikos Vatopoulos |
“Tôi hay đùa với bạn tôi rằng Waterstone’s và FOYLES là Louis Vuitton và PRADA của ngành sách, sang chảnh, hào nhoáng, còn Daunt Books là Bottega Veneta, trang trọng và thanh lịch”, Thanh Tùng viết.
Sách ở những hiệu sách như vậy có giá không hề rẻ chút nào. Những cuốn sách thuộc hàng best-seller luôn có giá dao động trên dưới 10 bảng (khoảng 300.000 đồng) nên phải là người có thu nhập ổn định lắm, bạn mới có thể là khách hàng thân thiết ở những chuỗi hiệu sách này.
Tuy vậy, ở London có những hiệu sách từ thiện, nơi những người mê sách mang sách của họ ra ủng hộ. Bạn có điều kiện được mua sách mới, bạn đọc xong nhưng không có chỗ để, hay muốn dọn giá sách, bạn có thể mang đến bán lại hoặc ủng hộ cho các hiệu sách này.
Tiền thu được từ việc bán những cuốn sách đó sẽ đem ủng hộ cho các quỹ từ thiện như quỹ dành cho bệnh nhân bị bệnh tim (British, Heart Foundation), quỹ dành cho người vô gia cư, quỹ nghiên cứu chống ung thư (Cancer Research…
Những cuốn sách ở đây thường là đã cũ, nhưng vẫn có rất nhiều sách mới xuất bản vẫn được các chủ nhân mang tới. Có lần, trong khi chọn đề tài luận văn, tác giả Thanh Tùng đi lang thang các hiệu sách, và chọn được cuốn Cô gái Đan Mạch đang rất thời thượng khi ấy tại hiệu sách của British Heart Foundation với mức giá một bảng (tương đương 30.000 đồng). Một số cuốn chicklit còn có giá một bảng. Tác giả cho biết anh hay mua sách này đọc để luyện tiếng Anh.
Trước khi về nước, Thanh Tùng cũng vác hai túi sách to ra cửa hàng British Heart Foundation để ủng hộ, như lời cảm ơn cho những cuốn sách hay mà anh mua được ở đây. Bạn nhân viên rất vui mừng nhận số sách ấy và đề nghị được tặng tác giả vé mua hàng giảm giá ngay tại cửa hiệu nhưng anh từ chối.
Ngoài các hiệu sách từ thiện có mặt trên nhiều con phố, còn một địa chỉ nữa mà tác giả sách thường lui tới khi ở London. Đó là những hiệu cho trao đổi sách nằm im lìm trên con phố nhộn nhịp khu Noting Hill.
Ở đó, ai có nhu cầu trao đổi sách sẽ mang sách đến cho chủ cửa hàng. Chủ cửa hàng sẽ xem sách của người mang đến, định giá chồng sách ấy. Sau đó chủ hàng sách sẽ đưa lại cho người mang sách đến một voucher tương đương với số tiền định giá, hoặc sẽ đưa tiền mặt bằng 30% số tiền định giá. Nếu nhận voucher, người mang sách đến sẽ tha hồ “thám hiểm” trong hiệu sách đó và lấy về những cuốn có giá trị tương đương những gì mình mang tới.
Tuy là cửa hàng sách cũ, nhưng cách bố trí, sắp xếp các đầu sách ở đây khoa học, bắt mắt. Sách được đặt cùng nhau theo thể loại, thứ tự tên tác giả. Ở đó có cả những cuốn sách cũ từ khi phải dùng máy chữ để đánh, có những cuốn sách mới, lại có cả những phiên bản giới hạn của các tác phẩm nổi tiếng như Giết con chim nhại, The Hobbit…
Một lần tới đây đổi sách, tác giả Thanh Tùng ghi lại cảm xúc: “Cảm giác cầm hai tờ voucher trên tay rồi đắm mình vào trong không gian sách ở đó như cảm giác mẹ cho một tờ 10.000 đồng màu đỏ ngày xưa để đi chợ Trung thu ở Bờ Hồ vậy. Tay mân mê tờ voucher như đấy là đồng tiền thật, mắt liếc lên liếc xuống những gáy sách đầy màu sắc như thể đó là những mặt nạ đủ hình thù, đèn ông sao vậy”.
Thư viện Anh quốc - Mê cung sách dưới tám tầng hầm
Khi học về quan hệ công chúng ở Anh, tác giả Thanh Tùng thường có dịp đi tham quan các phòng, ban quan hệ công chúng của các công ty. Nhưng chuyến tham quan đáng nhớ nhất với anh là lần tới Thư viện Anh quốc.
Trước khi đi thăm, cô giáo lưu ý ai thích sách vở nên đến trước giờ hẹn khoảng nửa tiếng để tham quan khuôn viên thư viện, vì đây là nơi đáng thăm. Và Thanh Tùng đã đến sớm hẳn hai tiếng so với giờ hẹn.
Một góc Thư viện Anh quốc. |
Dưới lòng đất là tám tầng hầm với đủ chủng loại sách của khắp mọi nơi gửi về. Nguyên tắc của Thư viện Anh quốc là không được từ chối bất cứ bản sách giấy nào được gửi đến, dù đó là sách, báo, truyện thiếu nhi, truyện tranh, thậm chí cả sách báo “ngoài luồng”, một khi được gửi đến thì thư viện phải cho vào kho hết.
Bởi vậy, mỗi ngày nơi đây nhận khoảng 500 đến 600 đầu sách. Giả sử mỗi ngày một người đọc được 15 cuốn sách (cứ cho là thế đi), thì cần hàng nghìn năm để người đó đọc hết số sách của thư viện.
Cách sắp xếp các ấn bản trong kho của Thư viện Anh quốc cũng đặc biệt. Họ không xếp theo vần Alphabet mà xếp theo kích thước sách. Vì thế, sách nấu ăn có thể nằm cạnh tiểu thuyết, hoặc sách về tôn giáo vì chúng có kích thước bằng nhau. Điều này không hề gây khó khăn cho người đến tìm sách. Bởi ở đây, ai muốn đọc sách gì phải đăng ký, nhân viên thư viện sẽ đi tìm sách cho, chứ không được tự tìm sách trong “mê cung” này.
Ngoài sách, Thư viện Anh quốc thường tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, những buổi triển lãm hoặc talkshow. Nơi đây từng diễn ra những triển lãm của các nhà sưu tập nổi tiếng, trưng bày bản thảo viết tay các tác phẩm gốc của Leonardo da Vinci, Michelangelo, Oscar Wilde, Jane Austen, The Beatles... Các triển lãm về ấn phẩm liên quan đến “siêu tác phẩm” làm rạng danh nước Anh - Harry Potter - cũng được đưa về trưng bày tại thư viện này.
Với những người bị cuốn hút bởi những bộ sưu tập hiếm có, chứa giá trị văn hóa nghệ thuật, thì Thư viện Anh quốc là địa chỉ vô cùng thú vị, nhất định ghé qua trong đời.