Chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn độn đầy hoang mang, ngờ vực: chiến tranh và những ám ảnh, mất mát; tình yêu và những mông lung, vô định; gia đình và những mâu thuẫn, dằn vặt, tiếc nuối... Đôi khi chúng ta ước ao giá có chiếc máy thần kỳ nào đó có thể xóa sạch mọi ký ức buồn thương để lòng ta thanh thản. Trong Cửa sổ phía đông, quyển sách mới của Nguyễn Thị Kim Hòa, có thể tìm thấy những cỗ máy như thế.
Truyện dài Cửa sổ phía đông của Nguyễn Thị Kim Hòa hiện vào vòng chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20. |
Sử dụng yếu tố giả tưởng, rằng con người đang sở hữu được những chiếc máy xóa ký ức, tác giả khiến người đọc dễ liên tưởng đến những phim viễn tưởng về đề tài chiếm đoạt ký ức của phương Tây như Eternal Sunshine of the Spotless Mind (Ánh dương vĩnh cửu trong tâm hồn vô nhiễm), Inception, Total Recall (Truy tìm ký ức)... nhưng được “Việt hóa” bằng ngôn ngữ, cảnh sắc và câu chuyện rất ấn tượng.
Bắt đầu bằng hành trình của Phan và Ali, hai bác sĩ ký ức, xuất hiện tại trang trại với nhiệm vụ giúp ông chủ nơi này xóa hết kỷ niệm về cô con gái của ông - một cô gái bướng bỉnh, mạnh mẽ thường nổi loạn và chống đối lại cha mình. Cô biến mất một cách đầy bí ẩn, để lại một khoảng u buồn và nỗi đau đớn khôn nguôi trong lòng người cha tội nghiệp.
Phan tình cờ phát hiện ra cuốn nhật ký của cô gái - người Phan tin rằng chỉ còn là một linh hồn ai oán. Từng dòng nhật ký như cánh cửa mở ra thế giới nội tâm của cô gái với những bí mật lần đầu tiên được hé lộ.
Khi công việc đang trên đà tiến hành, chiếc máy tính của họ bị hỏng. Ali phải nhờ đến sự giúp sức của Jack, bạn chung lớp đại học với anh. Jack cũng chính là người mà chủ nhân cuốn nhật ký nhắc đến tha thiết. Từng bước một, sợi dây kết nối giữa họ dần dần hiện rõ...
Những ẩn ức xếp chồng, quá khứ - thực tại - tương lai đan cài đầy hỗn loạn, sự cô đơn bủa vây trong chính tình thương yêu, nỗ lực trốn chạy quá khứ... Có cảm giác mỗi nhân vật trong truyện đều có cả vũ trụ muốn che giấu, và chiếc máy xóa ký ức là điều họ cần lúc này.
Một mặt, họ muốn được tẩy não và đưa nó về những trang sách trắng tinh. Mặt khác, họ chẳng đành lòng quên đi hình ảnh người thương yêu của họ, dù những hình ảnh đó gắn liền với quá khứ đau khổ đầy day dứt mà họ đang gắng gượng vùng vẫy để thoát ra.
Các bệnh nhân, Phan, Ali hay Jack - những người nắm giữ công nghệ xóa ký ức, đều giằng xé trong mâu thuẫn quên và nhớ.
Theo chân các dòng hồi ức, bên cạnh câu chuyện về công nghệ, người đọc còn sẽ tìm thấy một câu chuyện nữa, về nỗi đau chiến tranh. Đề tài hậu chiến vốn quen thuộc sẽ được trình bày theo hướng mới, dễ tiếp cận hơn với các độc giả trẻ.
Xuyên suốt Cửa sổ phía đông, thuật ngữ "Déjà vu" (ảo giác) trở đi trở lại nhiều lần, trở thành một ám ảnh. Những cảm giác cũ kỹ xuất hiện khiến Phan hoang mang không biết đâu là thực, đâu là hư; đâu là hiện tại, đâu là quá khứ. Bản thân Phan cũng là sự sống lại của một ký ức đang dần dần bị lãng quên. Liệu Phan có khôi phục lại nguyên vẹn ký ức, hay cuối cùng cô cũng chỉ là một quyển sách trắng tinh, một phận người nhạt nhòa?
Kim Hòa là một cây bút nữ nhiều triển vọng vài năm gần đây. |
Cuộc đời này nhiều khi ta chẳng biết là mình đang sống hay đang mơ. Cũng có thể ta đang vừa sống vừa mơ. Có thể ta đang sống trong những cơn mơ viết tiếp từ quá khứ dang dở.
Tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa là cây bút trẻ khá quen thuộc trên văn đàn thời gian gần đây với phong cách viết đa dạng. Dù viết về đề tài giả tưởng, nhưng không gian truyện được xây dựng mang cảm giác chân thật.
Đặt song hành hai câu chuyện, sử dụng chất xúc tác là không gian truyện và cả cách kể chuyện mang hơi hướng trinh thám, ma mị, Cửa sổ phía đông chắc chắn sẽ mở ra cho người đọc một khoảng trống đầy suy ngẫm. Khoảng trống cho những nỗi đau.