Sách Sống như bạn đang ở sân bay (tác giả Cúc T) chia sẻ những quan điểm về cuộc sống của tác giả trong thời gian hữu hạn với đích đến cuối cùng mang tên "hạnh phúc". Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp TP.HCM, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách giới thiệu đến quý độc giả.
Nếu bạn nghĩ lạc quan là một tính cách trời sinh, thì bạn cũng giống tôi của nhiều năm trước. Tôi đã thầm ghen tỵ với những người có tính cách lạc quan, tích cực, vui vẻ. Tôi có một người bạn như thế, một chị đồng nghiệp cũ. Chị luôn tươi cười, hay đùa, ít khi giận hờn ai đó quá lâu. Tôi phát hiện ra một sự khác biệt lớn giữa tôi và chị trong cùng một tình huống - bị sếp phê bình về một điều gì đó. Trong khi tôi cảm thấy mình thật tệ, thật đáng xấu hổ, rồi mình sẽ chẳng đi đến đâu, lỗi lầm này thật khó có thể chấp nhận, hóa ra mình cũng chỉ tầm thường thế ư… thì chị chỉ “cười hề hề” (theo đúng nghĩa đen), coi đó là một chuyện hoàn toàn bình thường trong cuộc sống này.
Suy nghĩ tích cực giúp chúng ta tràn đầy năng lượng trong công việc và cuộc sống. |
Trải qua vài ba mối tình đẹp như mơ rồi lấy chồng, sinh con… chị luôn chia sẻ trên Facebook những post hài hước bông đùa, văn chương lãng mạn. Hình ảnh quen thuộc mà tôi luôn nhìn thấy, là nụ cười thật hiền, thật duyên, với má lúm đồng tiền như hút lấy hết mọi điều vui vẻ, hân hoan và an yên trên cõi đời này. Tôi ngại trò chuyện với những người có cuộc sống quá hoàn hảo hạnh phúc như vậy, sợ mình sẽ chạnh lòng. Tôi sợ trong đầu mình sẽ xuất hiện một câu hỏi quen thuộc: Tại sao cô ấy may mắn như vậy, còn tôi thì không?
Thế nhưng một hôm nọ, trong cơn tuyệt vọng, tôi bèn đánh liều nhắn tin hỏi chị: Chị ơi, chị lấy đâu ra năng lượng để làm ngần ấy công việc: vừa đi làm, vừa đi học thêm, rồi chăm con nhỏ… mà quan trọng là thấy chị lúc nào cũng tươi cười như vậy? Đáp lại câu hỏi của tôi (một câu inbox lặng lẽ riêng tư), chị đã kể tôi nghe những câu chuyện chị không bao giờ bày ra để ai đó cảm thông, xót thương hay xoa dịu. Lạc quan là một năng lực, mà chị phải rèn luyện, nghiêm khắc với bản thân ngày qua ngày mới có được. Chị hầu như không nhắc về những nỗi u ám của chính mình, và cũng tránh xa những câu chuyện của cuộc đời làm chị cảm thấy u ám. Chị nói mình sẽ không nghe nhạc buồn, không cần “gặm nhấm” nỗi buồn của mình. Chấp nhận rằng mình yếu ớt, không thể đi xuyên qua cảm giác sợ hãi đó, nên chị đã chủ động chọn cách cách ly khỏi những thứ có thể khiến tâm trạng mình chùng xuống. Đó có thể là Facebook của một người quen, sáng post một status than công việc tẻ nhạt, sếp ngu và đồng lương thì bóc lột; trưa lại là một “tút” khác bình luận rằng xã hội này toàn sự dối lừa và tham lam chỉ vì trót mua nhầm 3 trái bơ mà phải vứt 1 trái đi vì úng; chiều tối, chồng về muộn, chị lên Facebook kết tội đàn ông là giống ích kỷ khốn nạn, bao nhiêu vất vả nhọc nhằn để một mình vợ gánh… Người bạn chả có gì sai khi bày tỏ cảm xúc của mình như thế. Nhưng chị vẫn nhẹ nhàng ấn nút “unfollow”, không phải là “nghỉ chơi” với bạn, chỉ đơn giản là giữ cho mình - vốn đã chất chứa quá đủ những phiền muộn của bản thân - không phải dung nạp thêm bất cứ một cảm giác tiêu cực nào từ người khác.
Quẳng gánh lo đi và vui sống. |
Hóa ra, tôi vẫn luôn muốn vui nhưng lại thiếu chủ động để đạt được niềm vui. Tôi mặc tình để cho thế gian táp vào mặt mình tất cả hỉ nộ ái ố mà hy vọng rằng mình sẽ luôn vui vẻ. Tôi nghĩ mình có quyền lựa chọn, trong một giới hạn nào đó, những thứ mình sẽ tiếp thu, dung nạp mỗi ngày. Bạn có quyền chọn dành thời gian cho những người tràn đầy năng lượng, ngời ngời niềm vui thay vì những người luôn bất mãn thời cuộc, suy tư yếm thế, chọn đến những nơi thoáng đãng cho lòng bạn nhẹ nhàng thay vì nhốt mình trong bốn bức tường vắng lặng đơn côi, chọn xem một đoạn phim hài dí dỏm để nở một nụ cười trước khi chìm vào giấc ngủ, thay vì một bản tin cướp giết hiếp khiến bạn thở dài… Tôi không nghĩ đó là sự trốn tránh. Tôi cho đó là sự lựa chọn. Mà cuộc đời này, chúng ta luôn phải chịu trách nhiệm, không chỉ với việc lựa chọn đúng hay sai, mà còn là chúng ta có quyết liệt giành lấy quyền được chọn lựa của mình hay không.