Một số nhà phân phối khí đốt ở Đức, Áo, Hungary và Slovakia đang có kế hoạch mở tài khoản ruble tại ngân hàng Gazprombank, ở Thụy Sĩ, để đáp ứng yêu cầu thanh toán của Nga.
Trong lúc đó, công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom và các đối tác châu Âu đang tăng cường đàm phán khi thời hạn thanh toán đến gần, các nguồn thạo tin nói với Financial Times.
Các tập đoàn này bao gồm hai trong số những nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga: Uniper có trụ sở tại Düsseldorf (Đức) và OMV có trụ sở tại Vienna (Áo).
Tập đoàn Eni (Italy), một khách hàng lớn khác của Gazprom, cũng đang đánh giá các lựa chọn. Theo các quan chức Italy, Eni có thể cân nhắc đến cuối tháng 5, khi khoản thanh toán tiếp theo cho Moscow đến hạn.
Sự chuẩn bị của các tập đoàn lớn cho thấy nỗ lực của Nga trong việc "vũ khí hóa khí đốt" và thách thức mặt trận thống nhất của Liên minh châu Âu (EU), đã được đền đáp.
Một số nhà phân phối khí đốt ở Đức, Áo, Hungary và Slovakia có kế hoạch mở tài khoản bằng đồng ruble tại ngân hàng Gazprombank, để đáp ứng yêu cầu thanh toán của Nga. Ảnh: Bloomberg. |
"Vô hiệu hóa" lệnh trừng phạt của EU
Vào cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu các nhà nhập khẩu khí đốt của những quốc gia được gọi là “không thân thiện”, bao gồm tất cả thành viên EU, thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Theo đó, các công ty này phải mở cả tài khoản ngoại tệ và tài khoản ruble tại Gazprombank, chi nhánh giao dịch của Gazprom có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Biện pháp này được coi là một cách vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt của EU đối với ngân hàng trung ương Nga.
Ba Lan và Bulgaria đã từ chối yêu cầu của Điện Kremlin. Để đáp trả, Gazprom đã cắt nguồn cung khí đốt cho hai nước này từ ngày 27/4 - hành động nhận nhiều chỉ trích từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Ủy ban châu Âu cũng đang chật vật ứng phó với các yêu cầu của Moscow. Cơ quan này đã ban hành hướng dẫn chính thức, thừa nhận rằng hệ thống tài chính do Điện Kremlin đề xuất có thể "phù hợp với các lệnh trừng phạt", với một số điều kiện.
Theo cơ chế mới của Nga, các công ty châu Âu sẽ tiếp tục thanh toán cho Gazprombank bằng euro, đảm bảo rằng họ không vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.
Sau đó, Gazprombank - ngân hàng không bị EU trừng phạt - sẽ đổi tiền gửi từ euro thành ruble để thanh toán cho Nga. Điều này có thể giúp Nga thu về hàng tỷ doanh thu từ khí đốt để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu dường như cũng không còn lựa chọn khác. Các cố vấn của ủy ban kết luận rằng nếu EU cố gắng trừng phạt Gazprombank để làm gián đoạn cơ chế thành toán này, nguồn cung khí đốt cho khối sẽ bị cắt đứt.
"Không nên nhượng bộ"
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết quyết định chủ yếu vẫn phụ thuộc vào cách các công ty giải thích và thực hiện hợp đồng đã ký với Gazprom. Ông thúc giục họ phải tuân theo nội dung của các hợp đồng này.
“Giá cả được thỏa thuận bằng euro hoặc USD. Điều đó có nghĩa để mua một lượng khí đốt nhất định, bạn phải trả một số tiền tương ứng bằng euro", đó là cách giải thích duy nhất, ông nói.
Điểm truyền dẫn khí đốt ở làng Rembelszczyzna, tỉnh Mazowieckie, gần thủ đô Warsaw (Ba Lan). Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, ông Dombrovskis thừa nhận động thái cắt nguồn cung khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan của Nga cũng là một thách thức.
“Điều quan trọng là phải duy trì sự thống nhất của EU. Và như Chủ tịch Leyen đã nói, chúng ta không nên nhượng bộ”, ông nhận định.
Tập đoàn OMV cho biết họ đã phân tích yêu cầu của Gazprom về các phương thức thanh toán, đồng thời xem xét các lệnh trừng phạt của EU, để đưa ra một giải pháp tuân thủ các lệnh trừng phạt này.
Trong khi đó, Giám đốc tài chính của Uniper Tiina Tuomela cho biết: “Việc sửa đổi quy trình thanh toán (theo cơ chế mà Nga đề xuất) phù hợp với các lệnh trừng phạt, do đó có thể thực hiện được”.
Theo các quan chức Italy, hướng dẫn của Ủy ban châu Âu về việc liệu cơ chế thanh toán của Gazprom có vi phạm lệnh trừng phạt hay không rất mơ hồ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 27/4 cho biết cơ chế thanh toán của Nga là “con đường mà EU vạch ra cho chúng tôi”.
“Đó là con đường tương thích với các lệnh trừng phạt. Theo tôi hiểu, làm theo cách này, các công ty Đức đang tuân thủ hợp đồng của họ. Hầu hết nước EU đang áp dụng cách tiếp cận này”, ông nói.