Trong số "ngựa chiến" vực dậy thị trường điện ảnh Trung Quốc thời gian qua, Khương Tử Nha là cái tên được chú ý hơn cả. Ra mắt ngày 1/10, bom tấn của bộ đôi đạo diễn Lý Vỹ và Trình Đằng ghi nhận doanh thu phòng vé đạt 145 triệu NDT (22,02 triệu USD) trong 24 giờ. Sau 17 ngày công chiếu, bộ phim dễ dàng bỏ túi hơn 1,5 tỷ NDT (227,8 triệu USD) doanh thu.
Kỹ xảo đồ họa đẹp mắt, hoành tráng là yếu tố làm nên thành công của Khương Tử Nha. |
Theo nhận định của nhiều nhà phê bình điện ảnh ở đất nước tỷ dân, yếu tố làm nên thành công của Khương Tử Nha phụ thuộc lớn vào sự "mát tay" của đội ngũ kỹ xảo, thiết kế đồ họa.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên yếu tố kỹ xảo góp phần tạo nên "cú nổ lớn" cho các dự án phim điện ảnh Trung Quốc. Ngược trở lại năm 2019, Lưu lạc địa cầu hay Na Tra: Ma đồng giáng thế là hai minh chứng.
"Từ Lưu lạc địa cầu, Na Tra: Ma đồng giáng thế cho đến Khương Tử Nha, dễ dàng thấy sự trưởng thành mang tính đột phá của kỹ xảo điện ảnh xứ Trung. Trên nền tảng này, khán giả có cơ sở để tin rằng điện ảnh Trung Quốc đủ khả năng vươn tầm đế chế Hollywood tại thị trường nội địa, thậm chí không chỉ dừng lại ở đó", Toutiao bình luận.
Từng là nền kỹ xảo phong cách "phiên bản lỗi của Hollywood"
Năm 2016, nhà sản xuất Trần Lam từng tự tin cho rằng Phong thần bảng truyền kỳ sẽ trở thành bom tấn kỹ xảo cướp ngôi vị ông hoàng điện ảnh của Châu Tinh Trì. Phong thần bảng truyền kỳ cùng dàn sao Lý Liên Kiệt, Phạm Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh, Angelababy, Cổ Thiên Lạc hứa hẹn đem đến cho người xem những thước phim mãn nhãn qua "bàn tay ma thuật" của nhiều công ty kỹ xảo hàng đầu thế giới.
Không như kỳ vọng, bom tấn được đầu tư hơn 500 triệu NDT (75,9 triệu USD) lại vướng nghi án "xào nấu" từ các siêu phẩm Hollywood khi lên sóng. Khán giả dễ dàng thấy hình ảnh Chúa tể của những chiếc nhẫn, Tây du ký, Star Wars và X-Men trong bộ phim.
Bàn về tranh cãi xung quanh "bom tấn xịt" của nhà sản xuất Hướng Hoa Cường, QQ nhận định Phong thần bảng truyền kỳ mắc lỗi kỹ xảo. "Người thiết kế mỹ thuật và hậu kỳ không có mắt thẩm mỹ. Hoàng cung màu vàng, vua chúa mặc đồ vàng, tướng sĩ mặc áo giáp vàng, sa mạc màu vàng. Bối cảnh vàng trở nên đơn điệu", trang báo viết.
Trái với lời quảng bá "hơn cả đặc biệt" của đạo diễn Trương Bằng, Asura gây thất vọng với kỹ xảo tạp nham và lộn xộn. |
Năm 2018, Asura - dự án đắt đỏ nhất trong lịch sử Trung Quốc với chi phí sản xuất lên tới 750 triệu NDT (hơn 113 triệu USD) bị chê bai thậm tệ về kỹ xảo.
Tân Hoa Xã cho hay Asura huy động hơn 7.000 người làm hậu kỳ kỹ xảo, 2.400 cảnh hình ảnh xử lý cao, 10.000 m vải xanh làm phông chắn, 12 triệu USD chi phí cho riêng thiết bị. Đội ngũ kỹ xảo của phim đều là chuyên gia đẳng cấp Oscar.
Tuy nhiên, phim lại giống như nồi lẩu thập cẩm về kỹ xảo. Khán giả cho rằng hình ảnh phim là sự chắp nối từ Avatar, Chúa tể của những chiếc nhẫn và Biên niên sử Narnia. Tạo hình nữ chính khiến khán giả nhớ tới Mẹ Rồng trong Game of Throne.
Hình tượng ba đầu của Asura được quảng bá tốn tới một năm hoàn thành và nghiên cứu "nguồn sáng". Hiệu quả thực tế thu về lại là hình ảnh ba đầu chuyển động cứng đờ, thiếu tự nhiên và lộ rõ ghép vi tính. Hệ thống động thực vật trong phim không có quy tắc rõ ràng.
Ngoài Phong thần bảng truyền kỳ và Asura, Tước tích của Quách Kính Minh cũng vướng nghi án "tham khảo" siêu phẩm Avatar.
Thất bại liên tiếp của những tác phẩm được gọi là bom tấn kỹ xảo khiến công chúng chán ngán. Không ít khán giả Trung Quốc tuyên bố thà xem "bom xịt" Hollywood, còn hơn thưởng thức "bom tấn" nước nhà.
Trưởng thành chóng vánh
Tuy nhiên, câu chuyện về những bom tấn kỹ xảo đã rẽ sang chiều hướng khác sau Lưu lạc địa cầu (2019) - dự án phim do đạo diễn Quách Phàm "cầm trịch".
Ra mắt vào dịp Tết Nguyên Đán, Lưu lạc địa cầu với sự góp mặt của Ngô Kinh nắm giữ vị trí số một về doanh thu phòng vé với 4,654 tỷ NDT (hơn 700 triệu USD) nửa đầu năm 2019. Thời điểm đó, bộ phim sở hữu doanh thu cao thứ ba toàn cầu, chỉ sau Avengers: Endgame và Captain Marvel theo số liệu của Box Office Mojo.
Kỹ xảo trong Lưu lạc địa cầu được xem là bước tiến lớn của điện ảnh Trung Quốc. |
Thiếu sót về về mặt nội dung câu chuyện, Lưu lạc địa cầu lại ghi điểm nhờ chất lượng kỹ xảo xứng đáng thang điểm 10. Theo đánh giá của các nhà phê bình điện ảnh Trung Quốc, viễn cảnh thế giới trong Lưu lạc địa cầu được xây dựng và miêu tả rất thực tế, không quá xa lạ như những bộ phim giả tưởng của Hollywood.
Không có những thành phố trên mây, những chiếc tàu bay lượn ngoài vũ trụ hay du hành không gian bằng tốc độ ánh sáng, cũng chẳng có những chủng loài ngoài hành tinh hay siêu robot cơ khí tối tân. Song cảnh tượng Trái Đất hoang tàn vừa hoành tráng vừa điêu tàn, những cỗ máy kỳ vĩ, hay bối cảnh trạm không gian Hoa tiêu nổi bật lại tạo nên một viễn cảnh tương lai rất gần của con người. Điều đó khiến khán giả dễ cảm nhận, đồng cảm về một thế giới "giống thật".
Dĩ nhiên, nếu so với loạt phim khoa học viễn tưởng được Hollywood xào nấu cả chục năm nay, kỹ xảo hình ảnh của Lưu lạc địa cầu vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, về tổng thể, đây được xem là bước tiến lớn của điện ảnh Trung Quốc. Thành công của Lưu lạc địa cầu trở thành bước đệm để các dự án điện ảnh Hoa ngữ tiếp theo hoàn thiện hơn.
Nối gót Lưu lạc địa cầu, Na Tra: Ma đồng giáng thế chứng minh "sự trưởng thành" của kỹ xảo điện ảnh Hoa ngữ. Bộ phim hoạt hình do đạo diễn Giảo Tử sản xuất có màn chốt sổ ấn tượng với doanh thu 4,97 tỷ NDT (755 triệu USD), xô đổ nhiều kỷ lục tại đất nước tỷ dân.
Yếu tố đưa Na Tra: Ma đồng giáng thế trở thành "niềm tự hào của Trung Quốc" là kỹ xảo hoạt hình không thua kém bất kỳ bộ phim nào của Hollywood. 5 năm "thai nghén", phim tổng cộng có hơn 5.000 khung hình, với sự "góp sức" của 1.600 nhân viên. Sau đó, đạo diễn chọn ra hơn 2.000 khung hình để công chiếu.
Na Tra: Ma đồng giáng thế tổng cộng có hơn 5.000 khung hình (gấp 3 lần bộ phim hoạt hình thông thường), sau đó được đạo diễn chọn ra hơn 2.000 khung hình để công chiếu. |
Số lượng cảnh quay phải xử lý kỹ xảo trong bộ phim là 1.318 cảnh, chiếm 80% của phim, do hơn 20 công ty đồ họa máy tính thực hiện. Chỉ tính riêng phân cảnh cuối cùng đã tốn tới hơn 3 tháng để hoàn thành.
Chính sự tỉ mỉ, công phu của đoàn làm phim đã giúp bộ phim có những hình ảnh kỹ xảo tuyệt đẹp, mượt mà. Theo Sina, "cú nổ" của Na Tra: Ma đồng giáng thế đánh dấu thời kỳ phục hưng của hoạt hình Trung Quốc.
Đến 2020, Khương Tử Nha lần nữa khẳng định một "phiên bản nâng cấp" của kỹ xảo điện ảnh Trung Quốc. Tổng số cảnh quay kỹ xảo phức tạp lên đến 1.300 cảnh, chiếm 70% tổng số phân cảnh. Trong đó, 179 cảnh hiệu ứng đặc biệt với độ khó cao, 100 cảnh độ khó thấp.
Sina cho hay quá trình chế tác Khương Tử Nha khiến 12 máy tính bị hư hỏng. Bắc Kinh Quang Tuyến Ảnh Nghiệp - công ty sản xuất Khương Tử Nha nhận định đây là bộ phim có độ khó kỹ xảo cao nhất họ từng làm.
Đáp lại quá trình kỳ công, kỹ xảo hình ảnh trong Khương Tử Nha nhận được sự tán thưởng của công chúng Trung Quốc.
Mộng vượt Hollywood
Trước bước chuyển biến mang tính đột phá của kỹ xảo điện ảnh Trung Quốc, New York Times từng có bài viết phân tích về khả năng "vượt mặt" đế chế Hollywood của đất nước tỷ dân.
"Sự trưởng thành của kỹ xảo điện ảnh Trung Quốc qua Lưu lạc địa cầu hay Na Tra: Ma đồng giáng thế là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, họ chưa sẵn sàng cho một đế chế riêng phát triển công nghệ này. Bởi lẽ sự thành công về kỹ xảo trong Lưu lạc địa cầu hay Na Tra: Ma đồng giáng thế đều có sự 'nhúng tay' của nhân lực đồ họa Hollywood. Pháo đài Thượng Hải là minh chứng cho sự thất bại của điện ảnh Trung Quốc khi thiếu đi bàn tay ma thuật nước ngoài", Ben Kenigsberg của New York Times nhận định.
Hình ảnh đồ họa của Pháo đài Thượng Hải bị chê nghèo nàn, giả tạo, kém xa cả những "bom tấn xịt" với vốn đầu tư chỉ bằng 1/5. |
Trở lại năm 2019, Pháo đài Thượng Hải được kỳ vọng là bộ phim viết tiếp thành công trong thể loại khoa học viễn tưởng. Dự án là thành quả của các công ty kỹ xảo điện ảnh trong nước sau hơn 5 năm "thai nghén", cùng vốn đầu tư lên tới 360 triệu NDT (gần 55 triệu USD).
Tuy nhiên, kỹ xảo bộ phim bị chê không đáng với chi phí sản xuất khổng lồ. Khán giả nhận xét hình ảnh đồ họa của Pháo đài Thượng Hải nghèo nàn, giả tạo, kém xa cả những "bom tấn xịt" với vốn đầu tư chỉ bằng 1/5. Dự án có sự góp mặt của Lộc Hàm và Thư Kỳ bị chỉ trích "khép lại cánh cửa cho khoa học viễn tưởng của điện ảnh Trung Quốc mà Lưu lạc địa cầu vừa mở ra".
Đồng ý với New York Times, giám chế Tạ Hiểu Hổ thừa nhận những bước tiến ở thời điểm hiện tại của kỹ xảo điện ảnh xứ Trung là chưa đủ. Sự thiếu hụt về tài năng đồ họa, kỹ xảo ở thị trường trong nước khiến Trung Quốc khó "bắt kịp" phát triển của điện ảnh Hoa Kỳ.
"Chúng ta có cơ sở để tham vọng về một tương lai, khi kỹ xảo điện ảnh Trung Quốc 'sánh vai' với đế chế điện ảnh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu những nhà làm phim trong nước không nỗ lực phát triển công nghệ, học tập, nghiên cứu thêm về kỹ xảo điện ảnh, chúng ta chỉ có thể mãi đi sau những gì Hollywood đã làm", giám chế họ Tạ nói.