Đường vành đai 4 - vùng thủ đô là dự án quan trọng quốc gia, sẽ được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp thứ 3, diễn ra vào tuần sau.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội (dài khoảng 58,2 km), Hưng Yên (dài khoảng 19,3 km), Bắc Ninh (dài khoảng 25,6 km) và tuyến nối khoảng 9,7 km.
Hà Nội thống nhất chi 23.524 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng công trình này, sau khi biểu quyết tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP vào sáng nay.
"Việc thành phố tiếp tục ưu tiên cân đối bố trí vốn để thi công hoàn thành dự án trong kỳ kế hoạch trung hạn 2026-2030 là cần thiết và có tính khả thi", theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội Hồ Thị Vân Nga.
Trường hợp tăng tổng mức đầu tư, nhu cầu vốn bổ sung cho dự án chủ yếu được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn kỳ sau 2026-2030 và không vượt quá khả năng huy động của ngân sách thành phố.
Đường vành đai 3 thường xuyên quá tải vào các dịp lễ, Tết đòi hỏi nhu cầu có tuyến giảm tải. Ảnh: H.Q. |
Theo Bí thư huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, vành đai 4 - vùng thủ đô là công trình lớn trên địa bàn Hà Nội và vùng thủ đô. Đây có thể là công trình có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay.
Lấy ví dụ về cầu Cổng Vàng của Mỹ dài khoảng 2,7 km và được nhìn thấy từ trạm vũ trụ quốc tế, ông Minh kỳ vọng cầu cạn đường vành đai 4 đi qua 3 tỉnh với chiều dài 72 km, mặt cắt 120 m, cũng có thể được nhìn thấy tương tự.
Về phía địa phương, huyện Thường Tín đang cố gắng phấn đấu để trở thành một quận của Hà Nội trong thời gian tới với định hướng phát triển du lịch, dịch vụ là mũi nhọn, do đó ông mong mỏi dự án vành đai 4 và các công trình cầu trong khu vực được đầu tư xứng tầm.
"Hiện, tỉnh Hưng Yên có xã Mễ Sở và tại huyện Thường Tín có xã Hồng Vân nhưng chưa có cầu kết nối mà mới có bến phà, đề nghị thành phố báo cáo Trung ương đặt tên cầu là Chí Nghĩa đưa vào ngay từ dự án, với màu biểu trưng của thành phố là màu xanh hòa bình", ông Minh đề xuất.
Trong khi đó, đại biểu Vũ Mạnh Hải (Thường Tín) lưu ý việc thiết kế cầu trong dự án ngoài chức năng giao thông, cần chú trọng yếu tố thẩm mỹ, để biến các công trình cầu đường thành công trình văn hóa, điển hình như cầu Nhật Tân…
Dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô có điểm đầu là khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai ở địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Điểm cuối là khoảng Km40+500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long ở địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Dự án có vai trò quan trọng trong liên kết vùng, bảo đảm kết nối giữa các địa phương lân cận với TP Hà Nội; tăng cường kết nối giao thông đô thị của TP, giảm áp lực đối với khu vực nội đô.
Công trình này cũng sẽ mở rộng không gian, tạo động lực phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất phía Tây đường vành đai 4 địa phận TP Hà Nội; phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên), các khu đô thị Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức đã được quy hoạch...