Một số người dân Triều Tiên bày tỏ hy vọng rằng nền kinh tế của đất nước sẽ được hồi sinh nhờ việc cải thiện quan hệ với Mỹ, dù Washington vẫn đang lưỡng lự trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế, theo Kyodo News.
Một nhóm phóng viên của Kyodo News đã đến thăm Bình Nhưỡng vào đầu tháng này, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2.
Ở Bình Nhưỡng, khách thuê phòng tại khách sạn Potonggang đã có thể sử dụng Wi-Fi, và các khẩu hiệu chính trị đã được thể hiện trên những bảng điện tử thay vì những tấm áp phích cỡ lớn trước đây. Những tấm pin mặt trời cũng bắt đầu xuất hiện ở một số nơi trong thành phố.
Khẩu hiệu tập trung phát triển kinh tế được đưa ra trong một cuộc diễu hành ở thủ đô Bình Nhưỡng vào tháng 9/2018. Ảnh: Kyodo News. |
Cho đến vài năm trước, những khẩu hiệu thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như chỉ trích "chủ nghĩa đế quốc Mỹ" vẫn còn thịnh hành ở thủ đô Triều Tiên, nhưng bây giờ chúng đã không còn xuất hiện nhiều nữa.
Thay vào đó, những băng rôn và áp phích nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng kinh tế đã được dựng lên khắp thành phố. Điều này thể hiện cam kết nghiêm túc của Bình Nhưỡng về việc thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia hơn là củng cố năng lực vũ khí.
Giá cả hàng hóa hầu như không thay đổi và mọi người vẫn sống rất bình thường ở Bình Nhưỡng, mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế Triều Tiên đã bị đình trệ trong bối cảnh phải chịu những lệnh trừng phạt kinh tế.
Vào cuối tuần, các nhà hàng và cơ sở giải trí, chẳng hạn như một câu lạc bộ thể thao nơi người dân chơi bóng bàn, bóng quần và tắm hơi vẫn có rất nhiều khách. Giao thông vẫn diễn ra như trước đây, thậm chí là có tắc nghẽn trong giờ cao điểm.
Anh Yu Kwang Sung, một viêc chức nhà nước 35 tuổi, cho biết: "Bởi vì chúng tôi đã hoàn thành chương trình hạt nhân quốc gia, chúng tôi sẽ nỗ lực tất cả để xây dựng kinh tế và cải thiện cuộc sống người dân trong tương lai".
Trong khi đó Kim Jin Sung, kỹ sư IT 27 tuổi, chia sẻ: "Tôi hy vọng mối quan hệ của đất nước với Mỹ sẽ cải thiện hơn nữa". Anh tin rằng việc làm tan băng trong mối quan hệ với Washington sẽ đóng góp vào sự thịnh vượng kinh tế của Triều Tiên.
Trên lý thuyết, Mỹ và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chấm dứt bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải một hiệp định hòa bình.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore vào tháng 6/2018, ông Kim và ông Trump đã đồng thuận về việc Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên để đổi lấy quá trình "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên.
Theo các nhà phân tích ngoại giao, nhiều khả năng ông Kim sẽ đề nghị ông Trump giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế trong cuộc gặp sắp tới ở Hà Nội, để cho phép Triều Tiên nhận viện trợ nhân đạo từ các quốc gia khác.
Công nhân trong một nhà máy dệt ở Triều Tiên. Ảnh: Kyodo News. |
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 15/2 cho biết nước này sẵn sàng phát triển "quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên và thể hiện sự thân thiện bất chấp những khác biệt về lý tưởng và xã hội".
Tờ báo này cũng cho biết Bình Nhưỡng mong muốn "bắt tay và làm nên lịch sử mới" với các nước từng là thù địch trong quá khứ, nếu như những nước này có ý định cải thiện quan hệ.
Một nguồn thạo tin về Bình Nhưỡng của Kyodo News tiết lộ một số quan chức Triều Tiên rất tự tin về cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với Mỹ. Những người này nói rằng sẽ có những kết quả đáng ngạc nhiên và mang tính lịch sử tại cuộc gặp.