Thế giới
Kỷ vật của nạn nhân tàu Sewol ám ảnh người thân
- Thứ ba, 14/4/2015 07:15 (GMT+7)
- 07:15 14/4/2015
Gần 1 năm sau thảm kịch tàu Sewol, các ông bố, bà mẹ của những học sinh thiệt mạng vẫn giữ nguyên vẹn căn phòng và đồ đạc con họ đã sử dụng, như cách để tưởng nhớ người đã khuất.
|
Kim Young Lae (phải) và Kim Sung Sil, là phụ huynh của em Kim Dong Hyuk, một trong hơn 300 nạn nhân thiệt mạng vì thảm kịch chìm tàu Sewol. Bà Kim Young Lae khẳng định: “Chúng tôi sẽ yêu cầu điều tra toàn diện về tai nạn này. Những kẻ có tội chắc chắn phải bị trừng phạt. Bi kịch có thể tái diễn nếu chúng ta không hiểu rõ ngọn ngành nguyên nhân”. |
|
Gần một năm sau thảm kịch, bố mẹ của Kim Dong Huyk vẫn giữ nguyên căn phòng của con trai. Họ không thay đổi những vật dụng quen thuộc mà Kim đã sử dụng khi còn sống. |
|
Cô Ahn Myeong Mi chụp ảnh trong phòng của con gái Moon Ji Sung, nữ sinh thiệt mạng khi tàu Sewol chìm ở ngoài khơi đảo Byungpoongon cách đây 1 năm. Moon ước mơ trở thành nữ tiếp viên hàng không sau khi tốt nghiệp phổ thông. |
|
Mẹ của Moon Ji Sung vẫn giữ bức chân dung của con gái ở giữa phòng cùng các quần áo, sách vở mà Moon từng sử dụng. |
|
Ảnh của nữ sinh Park Ye Ji, con gái của bà Eom Ji Yeong, được treo giữa phòng riêng của cô bé. Thảm kịch tàu Sewol ngày 16/4/2014 đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người. Phần lớn các nạn nhân là học sinh và giáo viên tại trường phổ thông Danwon. |
|
Cầm bức ảnh của con gái cùng các bạn học khi em 15 tuổi, bà Eom Ji Yeong nghẹn ngào nói: “Bọn trẻ ra đi và để lại những di vật này. Tôi rất muốn biết tường tận về tai nạn. Vì sao bọn chúng lại nhận lệnh phải ở yên trong boong khi tàu sắp chìm”? |
|
Bà Eom lưu giữ từng những vật dụng của con gái, từ đồ chơi cũ cho đến hộp đựng thư. Trước khi qua đời, nữ sinh Park mong muốn trở thành một nhân viên lập trình máy tính. |
|
Bà Shin Jum Ja (phải) và Jung Soo Beom là mẹ và em trai của cậu Jung Hwi Beom. “Trước đây gia đình tôi thường hay trò chuyện với nhau. Bây giờ chúng tôi thường giữ im lặng để tránh khiến người khác đau lòng. Giá mà tôi có thể gặp lại Hwi Beom dù chỉ một lần. Tôi ước có thể ôm con thật chặt”, bà Shin nói. |
|
Những ông bố, bà mẹ mất con trong thảm kịch ngày 16/4/2014 quyết định giữ nguyên vẹn căn phòng mà con của họ từng sử dụng. Đây là một cách để họ nhớ về những đứa con xấu số. Bà Shin vẫn treo những bức ảnh của Jung Hwi Beom trong phòng, lưu giữ điện thoại thông minh đã cũ của con. |
|
Ông bà Huh Heung Hwan (phải) và Park Eun Mi mất con gái Huh Da Yoon. “Tôi không còn nghĩ được gì khác ngoài việc tìm kiếm con gái. Tôi sẽ không bỏ cuộc. Đối với tôi, mỗi ngày vừa qua đều giống như ngày định mệnh 16/4/2014. Tôi từng nghĩ rằng cứ sống một cuộc đời bình thường là điều dễ dàng nhất. Nhưng bây giờ mọi thứ trở nên quá khó khăn với tôi”, bà Park nói. |
|
Con chó mà nữ sinh Huh Da Yoon rất yêu quý đang đứng trên giường của cô. Bà Park kiên quyết không vất bỏ những đồ đạc của con gái. |
|
Huh Da Yoon là một nữ sinh có năng khiếu nghệ thuật. Cô muốn trở thành một giáo viên tiểu học. |
|
Bà Lee Sun Mi đứng giữa căn phòng của con gái Kim Ju Hee. “Mùa xuân đã đến, hoa đều đã nở, nhưng những bà mẹ mất con như tôi không thể cười nổi. Tôi hi vọng người ta sẽ sớm tìm thấy thi thể của những cháu còn đang mất tích. Tôi ước gì có thể cứu được con gái. Cuộc sống sau thảm kịch là điều mà tôi chưa từng nghĩ đến”, bà Lee nói. |
|
Bà Jung Hye Suk, mẹ của cậu Park Sung Ho, trong phòng riêng của con trai. “Những đứa con ngoan phải qua đời oan uổng vì sai sót của người lớn. Thảm kịch tàu Sewol khiến chúng ta tỉnh giấc về những lỗi lầm này, để sửa chữa chúng dù mọi việc đã quá muộn. Các con của chúng ta không oán trách cuộc sống. Vào những phút cuối, chúng nỗ lực giúp đỡ lẫn nhau và vẫn luôn nghĩ về gia đình. Chẳng phải đó là điều mà bọn trẻ đã dạy chúng ta”? |
|
Đồng phục và thẻ học sinh của Park Sung Ho được treo trong phòng riêng, cùng với những dòng thư của bạn bè đặt ở trên bàn. Park mong muốn trở thành một linh mục sau khi rời ghế nhà trường. |
|
Bà Kim Yu Jeong trong phòng riêng của con gái Jeon Ha Yeong. “Tôi ước gì đất nước này có thể khiến người dân cảm thấy họ đang được bảo vệ. Chúng ta là người lớn, chúng ta phải tự bảo vệ con mình. Tôi hi vọng bọn trẻ khi lớn lên sẽ dẫn dắt Hàn Quốc theo con đường đúng đắn”. |
|
Những hình ảnh cũ của Jeon Ha Yeuong được treo trong phòng riêng trở thành kỷ vật quý giá mà bà Kim luôn gìn giữ để nhớ về con. |
tàu Sewol
Hàn Quốc
thảm kịch
học sinh
tai nạn